Thị trường tài chính châu Á đang chịu sức ép khổng lồ từ USD
Đức Nguyễn
FX Strategist
Thị trường tài chính châu Á đang đạt đến giới hạn.
Các đồng tiền đang sụp đổ, buộc các ngân hàng trung ương phải hỗ trợ. Cổ phiếu trượt dốc, rủi ro tín dụng gia tăng và chi phí đi vay ngày càng cao hơn trên toàn khu vực.
Hai xúc tác song hành, lợi suất ngày càng tăng của Mỹ và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đang gây ra tổn thương khắp nơi. Chênh lệch lợi suất có lợi cho trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ hút vốn từ phần còn lại của thế giới về đây, trong khi nguy cơ leo thang trong cuộc chiến Israel-Hamas làm giảm nhu cầu đối với tài sản rủi ro.
Và có vẻ như thị trường châu Á không còn đủ sức chịu đựng.
Đồng Ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Biến động ngụ ý JPY tăng mạnh khi đồng tiền lấp lé ở mức 150, làm dấy lên lo ngại rằng các cơ quan chức năng sẽ can thiệp để hỗ trợ. Đồng rupee của Ấn Độ chạm mức thấp nhất từ trước đến giờ.
Một số ngân hàng trung ương trong khu vực bao gồm Philippines đang tích cực can thiệp tỷ giá để ngăn chặn nội tệ suy yếu vì lo ngại chi phí nhập khẩu tăng gây ra lạm phát. Ngân hàng trung ương Indonesia bất ngờ tăng lãi suất vào thứ Năm, điều mà Thống đốc Perry Warjiyo gọi là “bước đi phủ đầu và hướng tới tương lai” nhằm hỗ trợ đồng rupiah.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bán tháo trái phiếu và cổ phiếu Mỹ nhiều nhất trong 4 năm vào tháng 8, làm dấy lên suy đoán rằng các nhà chức trách đang tăng cường nguồn lực để bảo vệ đồng nhân dân tệ đang suy yếu. Trái phiếu Trung Quốc đang có lợi suất thấp nhất so với Mỹ kể từ năm 2002, gây áp lực lên nhân dân tệ.
Xung đột ở Israel đang làm tăng thêm căng thẳng cho khu vực. Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong cảnh báo về nguy cơ thị trường bất ổn xuất phát từ đây. Chứng khoán trượt giá khắp khu vực, với chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đại lục gần chạm mức thấp nhất năm 2022.
Theo Alan Richardson, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Samsung Asset Management, “Các danh mục đầu tư đang bỏ tài sản rủi ro, có thể đang huy động tiền mặt để đề phòng rủi ro địa chính trị leo thang ở Trung Đông do khả năng Israel đổ bộ Gaza và khả năng trả đũa bạo lực chống lại Israel”.
Trái phiếu châu Á cũng chịu áp lực khi các nhà đầu tư yêu cầu lợi suất cao hơn để cạnh tranh với lợi suất Mỹ, làm tăng chi phí cấp vốn cho chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực. Một số đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp của Nhật Bản gần đây đã bị hoãn hoặc hủy do điều kiện thị trường.
Và chênh lệch lợi suất trái phiếu hạng mức đầu tư USD của châu Á trừ Nhật Bản đã tăng ít nhất 2 điểm cơ bản vào thứ Năm, hướng tới mức rộng nhất trong khoảng hai tuần.
Tất cả đều đang khiến các ngân hàng trung ương châu Á và các nhà đầu tư trong khu vực lo lắng.
Theo thống đốc Warjiyo, “động lực toàn cầu đang diễn ra rất nhanh. Chúng tôi cần phải xem xét lại từ tháng này sang tháng khác. Mục tiêu của chúng tôi là giống nhau: ổn định giá cả, ổn định hệ thống tài chính và ổn định hệ thống thanh toán để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.”
Bloomberg