Một làn sóng phòng tránh rủi ro đã lan khắp thị trường tài chính toàn cầu tuần trước, đạp mạnh các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1%, trong khi chỉ số Nasdaq 100 với tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lớn giảm hơn 2%. Các nhà đầu tư không mấy ấn tượng với một loạt các báo cáo kết quả kinh doanh quan trọng, từ Google, Apple đến Amazon.
Ở một diễn biến khác, thị trường năng lượng bắt đầu tìm lại được động lực khi các nhà chức trách châu Âu có vẻ đang tiến tới cấm dầu Nga. Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết “chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ về dầu mỏ và có thể cấm vận." Đây chính là đèn xanh cho EU tiến tới lệnh cấm vận, dù một kế hoạch vẫn chưa được đưa ra. Giá dầu Brent tăng hơn 2% trong phiên thứ Sáu.
USD và thị trường chứng khoán Mỹ sẽ là trọng tâm vào thứ Tư, với việc Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Các nhà giao dịch lãi suất cũng đang chờ thêm thông tin chi tiết về kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán, vốn đã tăng lên hơn 9 nghìn tỷ đô la sau đại dịch. Chỉ số DXY, sau khi đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, có thể bị đạp sau khi chính sách được công bố khi thị trường định giá lại khá nhanh triển vọng lãi suất.
Ngoài ra, nếu Fed không đáp ứng kỳ vọng diều hâu, thị trường có thể tin họ không thể bắt kịp lạm phát, kích cầu vàng. Cuộc họp Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng là một sự kiện quan trọng khác. Đồng Bảng Anh đã bị áp đảo bởi USD, giảm gần 2% trong tuần trước. BoE dự kiến sẽ tăng lãi suất 25bp và các nhà giao dịch cũng sẽ theo dõi thêm về lộ trình bán trái phiếu chính phủ Anh của ngân hàng trung ương này.
Một điều quan trọng khác, dù không được thị trường quá để tâm, là kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ của Bộ Tài chính Mỹ, dự kiến sẽ được công bố trước quyết định của FOMC. Bộ Tài chính phát hành nợ để chống lại tác động tiêu cực đến nhu cầu vốn từ việc thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Các nhà giao dịch có vẻ đang chia rẽ về việc liệu Ngân hàng Dự trữ Úc có tăng lãi suất 15 điểm cơ bản hay không. Quan điểm tăng lãi suất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I vượt kỳ vọng. RBA có thể vẫn giữ lập trường tương đối ôn hòa, trước những khó khăn do đối tác thương mại lớn nhất của Úc là Trung Quốc có nguy cơ trì trệ. Thị trường đang định giá 50% khả năng RBA sẽ tăng lãi suất.
Theo một khảo sát của Bloomberg, bảng lương phi nông nghiệp tháng 4 của Mỹ được kỳ vọng sẽ có thêm 395 nghìn việc làm. Thường cuộc họp Fed sẽ có nhiều trọng lượng hơn báo cáo NFP; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một bất ngờ sẽ không có tác động đến thị trường. Canada cũng sẽ công bố dữ liệu việc làm tháng 4 vào thứ Sáu. CAD đang giảm trước USD bất chấp giá dầu tăng.
Câu chuyện Covid tại Trung Quốc vẫn sẽ được chú ý. Việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” đã gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế. IMF, cùng với một số ngân hàng lớn, đã hạ dự báo tăng trưởng sau khi Bắc Kinh bị phong tỏa.