Thống đốc Bundesbank: Các Ngân hàng Trung ương cần tiền điện tử để duy trì vị thế
Ngọc Lan
Junior Editor
Những đổi mới công nghệ trong những năm gần đây đang đặt dấu hỏi về tương lai của các Ngân hàng Trung ương, theo Chủ tịch Bundesbank Joachim Nagel. Ông kêu gọi các quan chức cần nhanh chóng thích nghi, bao gồm việc nghiên cứu tiền điện tử.
"Nếu 20 năm trước, bạn hỏi tôi liệu mô hình kinh doanh của Ngân hàng Trung ương có thể bị phá vỡ không, tôi sẽ nói là không", ông Nagel phát biểu tại Basel vào thứ Hai. "Nhưng bây giờ tôi không chắc chắn nữa - đó là lý do tại sao chúng ta đang ngồi đây. Chúng ta cần phải cải thiện mô hình kinh doanh của mình. Và công nghệ sổ cái phân tán (DLT) chỉ là một phương tiện, một công cụ có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó."
Ông Nagel, đồng thời là thành viên Hội đồng Thống đốc ECB, đã tham gia một hội thảo về tiền điện tử của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Năm ngoái, ECB đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo của dự án đồng Euro điện tử - chuẩn bị nền tảng để phát hành đồng tiền này trong những năm tới, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Thống đốc Bundesbank cho biết "việc thực hiện đồng Euro điện tử là điều cần thiết. Chúng ta cần phải đẩy nhanh tất cả những điều này", bao gồm cả công nghệ sổ cái phân tán, ông nói.
"Nếu một phần sản phẩm cốt lõi của bạn đang giảm sức hấp dẫn, thì bạn phải nghĩ đến một sản phẩm cốt lõi mới khác", ông Nagel nói, đề cập đến sự giảm sút hứng thú đối với tiền mặt - ngay cả ở nước Đức vốn nổi tiếng yêu thích tiền mặt.
Trước đó cùng ngày, một thành viên khác của Hội đồng Thống đốc, ông Francois Villeroy de Galhau cho biết các Ngân hàng Trung ương nên cân nhắc sử dụng tiền điện tử cho cả bán buôn và bán lẻ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết, "Cách chúng tôi cung cấp tiền của Ngân hàng Trung ương cần phải phù hợp với thế kỷ 21 để đảm bảo rằng tiền của Ngân hàng Trung ương duy trì vai trò cơ bản của nó: không phải là phương tiện thanh toán thống trị, mà là giữ ổn định cho hệ thống tài chính. Đây là lý do tại sao tôi tin rằng sớm hay muộn thì chúng ta cũng sẽ cần một đồng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương cho cả mục đích bán buôn và bán lẻ."
Trong khi công chúng đang rất quan tâm đến tiền điện tử bán lẻ (retail CBDC), cho phép người dân trực tiếp sử dụng tiền điện tử do Ngân hàng Trung ương phát hành, tương tự như tiền mặt hiện nay, thì các nhà điều hành tiền tệ trên toàn thế giới cũng đang nghiên cứu tiền điện tử bán buôn (wholesale CBDC). Mục tiêu chính của loại tiền này là cải thiện hiệu quả công nghệ cho các giao dịch giữa các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Trung ương, thậm chí có thể sử dụng công nghệ blockchain.
Công nghệ mới này có khả năng tác động đến hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Trung ương Pháp và ECB tại hội nghị BIS đều khẳng định các ngân hàng thương mại không cần lo ngại.
Ông Fabio Panetta, thành viên hội đồng Thống đốc ECB - đại diện Ngân hàng Trung ương Italia, cũng nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiền điện tử bán buôn, dựa trên một cuộc khảo sát của Ủy ban về Thanh toán và Cơ sở hạ tầng Thị trường thuộc BIS.
Ông Panetta nhấn mạnh, "Chúng tôi thấy sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các thử nghiệm tiền điện tử bán buôn. Hơn nữa, khả năng các Ngân hàng Trung ương phát hành CBDC trong 6 năm tới hiện nay cao hơn đối với bán buôn so với bán lẻ."
Giám đốc nghiên cứu của BIS, Hyun Song Shin, đồng tình với quan điểm này.
"Trọng tâm đang đổ dồn sang tiền điện tử", ông nói.
Bloomberg