Tiền gửi vào Fed tăng có thể liên quan đến sự chuẩn bị cho can thiệp vào đồng Yên
Vân Chi
Junior Editor
Theo Citigroup Inc, chính quyền Nhật Bản có thể cần bán trái phiếu chính phủ trong trường hợp họ can thiệp để hỗ trợ đồng yên đang suy yếu, thay vì chỉ rút tiền mặt được gửi trong Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Lượng sử dụng cơ sở reverse repo quốc tế của Fed – cho phép các tổ chức quốc tế gửi tiền và hưởng lãi suất – đã tăng khoảng 32 tỷ USD trong ba tuần qua, đạt mức cao nhất trong ba tháng là 365 tỷ USD.
Dòng tiền đổ vào làm dấy lên suy đoán rằng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang tăng cường nắm giữ USD tiền mặt để chuẩn bị cho động thái hỗ trợ đồng yên, vốn đang giao dịch gần mức 152 thấp nhất trong 34 năm. Tuy nhiên, theo Wrightson ICAP, sự gia tăng quỹ dự trữ có lẽ chỉ là tạm thời, và có thể liên quan đến thời điểm cuối quý và kỳ nghỉ lễ ở Mỹ.
Lượng tiền trong cơ sở reverse repo quốc tế của Fed tăng
Chiến lược gia Jason Williams của Citigroup cho biết: Các quan chức Nhật Bản đã không sử dụng cơ sở này của Fed trong đợt can thiệp tiền tệ trước đó vào năm 2022 và “phần lớn lượng tiền mặt đã không được sử dụng trong một thập kỷ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng BoJ sẽ bán tín phiếu Kho bạc hoặc trái phiếu nếu có sự can thiệp trong trường hợp đồng yên vượt quá 152.”
Các cơ quan tiền tệ như BoJ có thể tham gia cơ sở đó của Fed để hưởng lãi suất thay vì mua tín phiếu Kho bạc và các chứng khoán khác. Và khi họ cần dùng USD, họ chỉ cần rút tiền từ Fed mà không làm xáo trộn thị trường.
Lou Crandall của Wrightson cũng lưu ý rằng cơ sở này của Fed hấp dẫn vì nó như tài khoản tiền gửi và có thể dùng được kể cả khi thị trường Hoa Kỳ đóng cửa ngày 29/3 để nghỉ lễ Phục Sinh.
Crandall chỉ ra rằng có một dấu hiệu khác cho thấy Nhật Bản không khiến lượng tiền mặt này tăng vọt vào cuối quý: Dữ liệu tháng 3 do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố vào tuần trước cho thấy lượng tiền mặt nắm giữ tại các Ngân hàng Trung ương nước ngoài giảm xuống, nghĩa là sự gia tăng số tiền gửi tại Fed có thể là bởi các nước khác.
Bloomberg