Tiêu điểm tuần này: BOE và RBA sẽ giữ vững lập trường. Bảng lương phi nông nghiệp Hoa Kỳ (NFP) có thể cho thấy những sự sụp đổ kinh hoàng của thị trường việc làm
Lê Bảo Khánh
Founder
Cùng nhìn nhận lại các diễn biến quan trọng tác động tới thị trường trong tuần trước và tuần này
Sau khi cho thấy những sự cải thiện nhất định vào đầu tuần trước dựa trên những tín hiệu lạc quan về phương thuốc chữa trị Covid-19 và hy vọng về việc các nền kinh tế chủ chốt sẽ sớm mở cửa trở lại, tâm lý thị trường đã suy yếu trở lại vào thứ Năm do lo ngại về bóng ma của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Mỹ Donald Trump, người liên tục cáo buộc Trung Quốc đã không đưa ra cảnh báo đầy đủ về Covid-19, đã ám chỉ sẽ áp dụng mức thuế quan mới như một biện pháp để trả đũa cách thức cường quốc châu Á này xử lý dịch Covid-19.
Cùng lúc đó, những số liệu kinh tế tồi tệ được công bố vào thứ năm tiếp tục góp phần tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường. Dữ liệu cho thấy sự sụp đổ kỷ lục trong chi tiêu của người tiêu dùng vào tháng 3 trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới lao đao trong cách ly trên toàn quốc để làm chậm đà lây lan virus. Các báo cáo được đưa ra trước đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đang lao dốc với tộc độ nhanh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, chấm dứt thời kỳ tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Các số liệu ban đầu cho thấy đã có gần 3,84 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần lễ kết thúc ngày 25 tháng 4, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết. Mặc dù con số trên đã giảm từ mức 4,44 triệu của tuần trước đó và đánh dấu tuần giảm thứ tư liên tiếp, 3,84 triệu đơn chắc chắn vẫn là con số không một ai có thể tưởng tượng nổi vào thời điểm vài tháng trước.
Một thước đo khác về sự lao dốc của nền kinh tế Hoa Kỳ, bản báo cáo việc làm tháng 4, sẽ được chính phủ Mỹ công bố vào thứ 6 tới. Thị trường nhận định trong tháng 4, đã có khoảng 20 triệu việc làm bị cắt giảm. Tuy nhiên, trước đó vào thứ Tư, các nhà đầu tư cũng cần lưu tâm tới bản báo cáo việc làm của ADP, điều cũng có thể sẽ mang đến những gợi ý nhất định cho số liệu chính thức được công bố 2 ngày sau đó. Ngoài ra, kết quả cuộc khảo sát phi sản xuất của ISM cho tháng 4, được đưa ra vào thứ ba, cũng có thể sẽ ảnh hưởng mạnh tới tâm lý thị trường.
Trong khi đó tại Anh, BOE sẽ tổ chức một cuộc họp chính sách vào thứ Năm, nhưng các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ không đưa ra bất cứ biện pháp can thiệp nào, sau khi đã cắt giảm lãi suất hai lần vào tháng 3 xuống mức thấp kỉ lục 0,1% và cùng lúc tăng cường mua trái phiếu chính phủ lên mức kỷ lục 200 tỷ bảng. Vì vậy, phản ứng của đồng bảng Anh có thể sẽ phụ thuộc vào lập trường của vị Thống đốc mới (ông Andrew Bailey sẽ thay thế vị trí của ông Mark Carney), tại cuộc họp báo sau cuộc họp này, người được kỳ vọng sẽ duy trì giọng điệu “dovish” và cũng sẽ đưa ra những gợi ý rằng ngân hàng trung ương Anh sẵn sàng can thiệp quyết liệt hơn nếu cần.
Tương tự, RBA dường như cũng sẽ không đưa ra hành động nào trong cuộc họp vào thứ ba, thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ cho thấy dấu hiệu về sự sẵn sàng áp dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết. Và những bình luận theo thiên hướng “dovish” như vậy có thể sẽ gây ra những áp lực đối với đồng AUD.