Thị trường chứng khoán Mỹ khép phiên thứ Năm trong sắc xanh, với S&P 500 tăng mạnh nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia, Apple và Tesla, sau khi Tổng thống Donald Trump công bố lộ trình áp thuế quan đối ứng đối với các đối tác thương mại. Theo một quan chức Nhà Trắng, các mức thuế mới sẽ ứng với thuế suất mà các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ và có thể được thực hiện trong vài tuần tới. S&P 500 tăng mạnh 1.04% lên 6,115.07 điểm, đánh dấu mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ 15/01 và tiến sát mức kỷ lục ngày 23/01. Nasdaq dẫn đầu với mức tăng 1.50% lên 19,945.64 điểm, nhờ sự bứt phá mạnh của nhóm công nghệ. Dow Jones tăng 0.77% lên 44,711.43 điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn là tâm điểm của phiên giao dịch, Tesla tăng vọt 5.9%, Nvidia tăng 3.2%, và Apple tăng 2%. Thị trường cũng nhận được sự thúc đẩy từ dữ liệu kinh tế khi báo cáo cho thấy chỉ số PPI tháng 1 tăng, nhưng các dữ liệu cốt lõi trong chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – lại khá ôn hòa. Giá dịch vụ y tế, chiếm gần 20% trọng số PCE, chỉ giảm nhẹ 0.06%, làm xoa dịu lo ngại về áp lực lạm phát. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm mạnh khi nhà đầu tư ngày càng tự tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt, giúp tâm lý trên thị trường cổ phiếu khởi sắc. Sự sụt giảm lợi suất diễn ra sau báo cáo PPI tháng 1 và dữ liệu thị trường lao động tích cực. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện chỉ định giá xác suất hơn 50% cho khả năng Fed cắt giảm ít nhất 25 điểm cơ bản vào tháng 7, thay vì tháng 9 như dự báo trước đó trong phiên.
Trên thị trường ngoại hối, đồng USD suy yếu ngay cả khi chỉ số giá sản xuất PPI tháng 1 cao hơn dự báo và chính quyền Trump công bố thuế quan đối ứng. Lý do là các dữ liệu chi tiết trong báo cáo PPI cho thấy các thành phần cốt lõi, vốn được dùng để tính chỉ số PCE lõi (thước đo lạm phát ưa thích của Fed), có khả năng giảm. Thị trường coi đây là tín hiệu rằng lạm phát có thể hạ nhiệt, khiến Fed có thể giữ chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu 10 năm giảm mạnh 10.5 bps, xóa sạch mức tăng của hôm trước sau dữ liệu CPI, tiếp tục gây áp lực lên USD. Ngoài ra, thông báo về thuế đối ứng từ chính quyền Trump không gây tác động mạnh như trước, do thị trường đã dự đoán trước thông tin này từ một tuần trước, và lệnh thuế cũng có thể lùi ít nhất 6 tuần để thực thi. Nhà đầu tư cho rằng các biện pháp thuế này có thể được đàm phán lại hoặc không thực hiện. Phản ứng của các cặp tiền chính khá rõ rệt, EUR/USD ban đầu giảm 30 pips khi Mỹ tuyên bố tập trung vào thuế VAT của EU, nhưng nhanh chóng phục hồi và tăng tổng cộng 90 pips nhờ lực mua mạnh. USD/JPY giảm mạnh 166 pips, xóa sạch đà tăng của phiên trước, phản ánh rõ sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ. SD/CAD giảm mạnh 117 pips, quay về mức giá hồi giữa tháng 12, thời điểm Trump lần đầu công bố có thể áp thuế 25% đối với Canada và Mexico. Xu hướng giảm của USD lan rộng và giảm đồng loạt trên các cặp tiền chính, phản ánh tâm lý thị trường đang quay trở lại tâm lý risk-on. Thị trường đang đặt cược vào triển vọng Fed nới lỏng, bất chấp các yếu tố tiêu cực từ dữ liệu PPI và chính sách thuế quan của Trump. Trong thời gian tới, dữ liệu doanh số bán lẻ Mỹ vào thứ Sáu sẽ là yếu tố trọng tâm, ảnh hưởng lớn đến kỳ vọng tăng trưởng kinh tế và chính sách của Fed. Nhà đầu tư cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ cuối tuần dài, khả năng biến động mạnh sẽ tăng cao do thanh khoản thị trường giảm.
Dầu thô WTI tăng nhẹ 5 cent lên 71.42 USD/thùng. Vào đầu phiên, đà giảm đầu phiên xuất phát từ hy vọng rằng các cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine có thể làm dịu căng thẳng địa chính trị, tuy nhiên, tâm lý thị trường nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng rằng chính quyền Mỹ có thể tạm dừng triển khai các mức thuế mới. Đầu thô WTI chốt phiên giảm 0.11% xuống còn 71.29 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 0.21% xuống 75.02 USD/thùng. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm mạnh 10.5 điểm cơ bản xuống 4.52%, giá vàng tăng $23 lên 2,926 USD/ounce.
![](/uploads/2025/02/14/gmn-36c40dc1c97c87a366695585e60663ad.png)