Mọi sự chú ý hôm qua đều đổ dồn vào báo cáo lạm phát tại Mỹ. Cuối cùng, CPI “chỉ” tăng 8.5% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt kỳ vọng 8.7%, đồng thời không đổi so với tháng trước, cũng không đạt kỳ vọng tăng 0.2%. Lạm phát CPI lõi cũng thấp hơn dự báo. Việc lạm phát hạ nhiệt mạnh hơn kỳ vọng này là dấu hiệu đầu tiên của việc lạm phát đã chạm đỉnh. Kỳ vọng Fed thắt chặt do vậy cũng đã suy yếu rất mạnh, và cả 3 chỉ số chứng khoán đều thăng hoa, chốt phiên tăng điểm mạnh:
- Chỉ số Dow Jones tăng 1.63%
- Chỉ số S&P 500 tăng 2.13%
- Chỉ số Nasdaq tăng 2.89%
Sau đó, chủ tịch Fed Minneapolis có nói rằng chặng đường thắt chặt vẫn còn dài, và một báo cáo CPI sẽ không thay đổi gì. Bình luận của ông có giúp định giá thị trường hồi phục chút ít, khi hiện money market đang pricing 42.5% khả năng tăng 75bp, tăng 10% so với lúc báo cáo được công bố, tuy nhiên chừng ấy là chưa đủ để vực dậy đồng USD bị bán tháo dữ dội, dù cuối phiên chỉ số DXY có hồi phục từ đáy 104.6 lên 105.1:
- EURUSD +0.84%
- GBPUSD +1.12%
- AUDUSD +1.73%
- NZDUSD +1.86%
- USDJPY -1.62%
- USDCHF -1.10%
- USDCAD -0.87%
Vàng tăng mạnh sau báo cáo CPI, hưởng lợi nhờ USD suy yếu, có lúc đã lên gần $1,808/oz, nhưng sau đó lại thoái lui, một phần do những bình luận của ông Kashkari, phần khác có lẽ do thị trường nhớ ra rằng vàng cũng là một tài sản phòng hộ lạm phát, và khi lạm phát giảm, đã đến lúc mua tài sản rủi ro. Cuối cùng, vàng chốt phiên giảm $3.5/oz (-0.2%) xuống $1,791.3/oz. Giá dầu đã có một pha đảo chiều tương đối mạnh, khi từ đáy $87.6 tăng lên đóng cửa tại gần $92/thùng.
Sau báo cáo CPI, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi báo cáo PPI Mỹ lúc 7h30 tối nay, và khảo sát tâm lý người tiêu dùng đại học Michigan vào 9h tối mai.