EUR/USD - Chạm đáy thấp nhất kể từ năm 2016
EUR/USD tiến xuống ngưỡng thấp nhất kể từ cuối năm 2016, đầu năm 2017.
Cặp tiền hiện đang biến động trong ngưỡng 1.04617 đến 1.05187.
Nhìn sang biểu đồ 5 phút, xu hướng giảm vẫn tiếp tục. Tuy vậy áp lực đến từ phe bán không còn dữ dội như trước khi giá nằm trên đường MA 200 giờ.
Hiện tại cặp tiền đang duy trì dưới mốc MA 200 giờ, các nhà giao dịch vẫn tiếp tục chờ đợi những biến động tiếp theo.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc bất chấp báo cáo GDP không đạt kỳ vọng
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đang chào phiên hôm nay tăng điểm, được củng cố bởi báo cáo doanh thu vượt kỳ vọng của nhiều công ty. Trước đó 1 giờ, báo cáo GDP Mỹ gây bất ngờ với việc kinh tế Mỹ lại... giảm 1.4%, trong khi kỳ vọng ban đầu là tăng 1.1% so với quý trước. Điều này đã có chút ảnh hưởng tới các HĐTL trước phiên, tuy nhiên, vào phiên giao dịch chính, các chỉ số vẫn đang giữ được sắc xanh:
- Chỉ số Dow Jones +0.22%
- Chỉ số Nasdaq +0.86%
- Chỉ số S&P 500 +0.6%
Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la tiếp tục củng cố sức mạnh, chỉ số DXY chạm mức đỉnh 20 năm mới và tiến sát 104. Chỉ số đã thoái lui một chút sau báo cáo GDP có phần thất vọng, tuy nhiên đã hồi phục nhẹ lại. Áp lực đang đè nặng nhất lên EUR (EUR là đồng tiền có tỷ trọng lớn nhất trong công thức DXY) và JPY, một đồng gặp rủi ro từ Ukraine, và rủi ro tăng trưởng, một đồng tiếp tục chịu sức ép từ chính NHTW của mình. Một điều nữa, đồng nhân dân tệ cũng đang suy yếu, dù không phải là yếu tố nhiều người để ý nhưng đang gây rất nhiều sức nặng lên NZD và AUD, hai quốc gia giao thương rất nhiều với Trung Quốc
- Chỉ số DXY tăng 0.7% lên 103.67
- EUR -0.5%
- GBP -0.8%
- AUD -0.62%
- NZD -1.14%
- JPY -1.8%
- CHF -0.43%
- CAD -0.3%
Vàng tăng nhẹ 0.2% lên $1,889.4/oz. Nhìn chung, vàng vẫn đang chịu áp lực trước đồng đô la. Dầu WTI chưa có nhiều thay đổi ở mức $102.2/thùng.
CEO Goldman Sachs: Fed tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng đến giá tài sản
Theo ông David Solomon, CEO ngân hàng Goldman Sachs:
- Fed tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng đến giá tài sản
- Nội tại kinh tế Mỹ vẫn đang mạnh
- Quan hệ Mỹ-Trung là một mối lo với kinh tế toàn cầu
GDP quý 1 của Hoa Kỳ thấp hơn kỳ vọng!
- GDP quý I giảm 1.4% so với quý trước, so với kỳ vọng tăng 1.1%
- Chỉ số tiêu dùng + 2.7%
- PCE lõi tăng 5.2%, thấp hơn kỳ vọng 5.4%
- GDP danh nghĩa tăng 14.3%
Một điểm đáng lưu ý là PCE lõi tăng thấp hơn kỳ vọng. PCE lõi là thước đo lạm phát chính của Fed.
Số liệu xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ có gì đáng chú ý?
- Trong tuần này, Mỹ ghi nhận thêm 180 nghìn đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, đúng bằng kỳ vọng
- Đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp ở mức 1.408 triệu so với kỳ vọng 1.403 triệu
Tổng hợp phiên giao dịch Châu Âu: Dollar “thống trị”, Yên Nhật lao dốc!
Thị trường:
• USD mạnh nhất, JPY yếu nhất
• Thị trường chứng khoán châu Âu tích cực; HĐTL chỉ số S&P 500 tăng 1.5%
• Lợi suất kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 0.4 bps lên 2.822%
• Vàng tăng 0.2% lên 1,889.60 USD
• WTI giảm 0.5% xuống $101.52
• Bitcoin tăng 1.4% lên $39,682
Trọng tâm của ngày hôm nay xoanh quanh sự bứt phá của đồng bạc xanh cũng như sự lao dốc của đồng yên. Động thái này diễn ra khi BOJ quyết định duy trì chính sách hiện tại, đã khiến tỷ giá USD/JPY tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ, với cặp tiền này vượt 130.00 đến gần 131.00 trong thời gian ngắn và hiện đang dao động xung quanh vị trí này.
Hơn nữa, sức mạnh của đồng bạc xanh được thể hiện rõ, nhờ sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc. Tuy ít được đề cập nhưng thị trường cũng nên chú ý vào điều này vì đây cũng là một nhân tố quan trọng hỗ trợ USD bứt phá.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc đồng nhân dân tệ lao dốc cũng một phần đè nặng lên đồng Dollar Úc và NZD - cả hai đều đang gặp khó khăn trong ngày hôm nay mặc dù tâm lý thị trường chứng khoán tốt hơn.
AUD/USD giảm 0.5% xuống mức 0.7080 trong khi NZD/USD giảm 1.1% xuống 0.6470, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Hiện tại EUR/USD cũng đang lao dốc, xuống dưới 1.0500 mức thấp nhất trong 5 năm. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với cặp GBP/USD, giảm thêm 110 pips xuống 1.2438.
Thị trường trái phiếu đang phục hồi trong khi chứng khoán tràn ngập sắc xanh. Các chỉ số châu Âu đang giữ mức tăng trên 1% trong khi hợp đồng tương lai của chứng khoán Hoa Kỳ cũng đang có xu hướng mở cửa lạc quan.
Chỉ số HICP của Đức tăng vượt kỳ vọng!
Theo dữ liệu từ Destatis, Văn phòng thống kê của EU, hôm thứ Năm cho biết: Lạm phát ở Đức theo Chỉ số hài hòa về giá tiêu dùng (HICP) đã tăng với tốc độ 7.8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 4, cao hơn kỳ vọng 7.6%.
OPEC+ có khả năng sẽ gắn bó với thỏa thuận hiện tại vào cuộc họp vào tuần tới
Điều đó có nghĩa là OPEC+ sẽ đồng ý tăng sản lượng dầu thêm 432 nghìn thùng/ngày cho tháng Sáu. Tổ chức dự kiến họp vào ngày 5 tháng 5. Động thái này dường như cho thấy OPEC+ thiếu sự nhiệt huyết để giải quyết vấn đề trên thị trường dầu mỏ hiện nay.
Nhưng bạn không thể thực sự đổ lỗi cho họ vì giá dầu ổn định ở mức trên 100$ đúng không?
Không một công ty lớn nào ở Châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng Rúp - Reuters
Hai nguồn tin chia sẻ với Reuters hôm thứ Năm rằng không có công ty lớn nào của châu Âu trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng Rúp. "Một số nhà giao dịch, có thể hơn nhiều hơn năm, đã bắt đầu thanh toán", một trong những nguồn tin cho biết thêm.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu lưu ý rằng việc mở tài khoản bằng đồng rúp tại GazpromBank có thể là hành vi vi phạm lệnh trừng phạt.
Các hợp đồng ngoại hối đáo hạn ngày 28 tháng 4 có gì nổi bật?
Không có gì đáng kể để thực sự lưu ý trong ngày, vì USD tiếp tục tăng cao hơn.
Điều thú vị cần lưu ý là không có nhiều hợp đồng đáo hạn lớn được tìm thấy xung quanh cặp USD/JPY, do đó, tỷ giá có thể biến động dữ dội hơn nữa.
Như đã đề cập vào đầu tuần, đồng Dollar hiện đang “thống trị” và không có nhiều điều để thực sự khiến USD rung chuyển trước cuộc họp FOMC vào ngày 4 tháng 5 vào tuần tới.
“Không thể chấp nhận hệ thống thanh toán khí đốt mới của Nga!”
Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết hôm thứ Năm, “điều chúng tôi không thể chấp nhận là các khoản thanh toán bằng khí đốt được gửi bằng đồng Euro chỉ được coi là hoàn tất sau khi chúng được chuyển đổi thành đồng Rúp”.
Điều này xảy ra sau khi Financial Times đưa tin các công ty năng lượng ở Đức, Áo, Hungary và Slovakia đang chuẩn bị tuân thủ một hệ thống thanh toán mới cho khí đốt của Nga do Điện Kremlin thiết lập, đe dọa sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) và các biện pháp trừng phạt.
Bộ Thương mại Trung Quốc: "Nên hủy bỏ thuế quan vì lợi ích của các công ty và người dân Mỹ!"
Gao Feng, phát ngôn viên của Bộ Thương mại cho biết tại một cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ Năm, "việc hủy bỏ các mức thuế bổ sung mà Hoa Kỳ áp đặt đối với các sản phẩm Trung Quốc là phù hợp với lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ" trong điều kiện lạm phát hoành hành, theo China Daily.
Bình luận của ông được đưa ra như một phản ứng trước tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen. Bà Yellen nói rằng Mỹ đang xem xét lại chiến lược thương mại đối với Trung Quốc và sẵn sàng giảm thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc để giải quyết lạm phát.
USD/JPY tiếp tục bứt phá!
Đồng Yên dường như không thể ngừng lao dốc vì BOJ đã không hỗ trợ JPY trong cuộc họp chính sách hôm nay. Tỷ giá USD/JPY đã nhanh chóng xuyên thủng mốc 131.00 và tăng 2%. Tuy nhiên, cặp tiền hiện đã, giảm nhẹ đà tăng và dao động quanh mốc 130.55, tăng 1.68% trong ngày!
Việc BOJ giữ nguyên tỷ giá cố định sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho đồng Yên và thực tế là Haruhiko KurodaThống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục lan man về chính sách nới lỏng, nhấn mạnh sự khác biệt chính sách tiền tệ giữa Nhật Bản và phần còn lại của các thị trường, ngoại trừ Thụy Sĩ.
Kháng cự tiếp theo sẽ ở mức đỉnh năm 2002 gần 135.00.
Bộ Tài Chính Nhật Bản: Thị trường ngoại hối đang 'cực kỳ đáng lo ngại'!
• Sự biến động ngoại hối quá mức là điều không mong muốn
• Sẽ có hành động thích hợp nếu cần thiết
• Kết hợp chặt chẽ với BOJ, cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia khác
Một lần nữa, đây chỉ là những can thiệp bằng lời nói nhưng trong thời điểm hiện tại, động thái này đã kìm hãm đà lao dốc của JPY. Tỷ giá USD/JPY hiện dao động quanh 130.46, tăng 1.6% trong ngày.
CPI tháng 4 của bang Sachsen tăng mạnh!
Dữ liệu mới nhất do Destatis công bố ngày 28 tháng 4 năm 2022 cho thấy CPI tháng 4 của bang Sachsen đạt mức 7.2%/ năm, cao hơn mức 7.0% cùng kỳ năm ngoái!
Dữ liệu của các bang của Đức dao động từ +7.0% đến +7.9% nhưng nhìn chung số liệu lạm phát khá ổn định.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao và trong khi có những bình luận tích cực cho rằng chúng ta có thể đang ở gần mức đỉnh, thì việc kỳ vọng lạm phát giảm trở lại mức 2% lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Điều này vẫn là một viễn cảnh khá xa vời khi xét đến hoàn cảnh hiện tại.
Bài phát biểu của Thủ tướng Đức có gì nổi bật?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm thứ Năm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang bám vào ý tưởng “hòa bình nhưng ép buộc” ở Ukraine và điều đó sẽ không thành công."
- “Chúng tôi đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia có chung giá trị và lợi ích, chẳng hạn như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Ấn Độ.”
- “Phải quan tâm nhiều hơn đến việc chuỗi cung ứng của chúng ta được đa dạng hóa.”
- “Đức phải tổ chức lại một phần quan hệ thương mại trong lĩnh vực năng lượng.”
- “Chúng tôi cần quân đội của mình đủ mạnh để Nga không tính đến việc tấn công chúng tôi”.
Bản tin kinh tế ECB: Sự xâm lược của Nga ở Ukraine đang gây ra tác động kinh tế to lớn!
Trong Bản tin Kinh tế được xuất bản vào thứ Năm; Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết sự xâm lược của Nga ở Ukraine đang gây ra những tác động về kinh tế to lớn.
- Hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi vào đầu năm 2022, với dữ liệu khảo sát chỉ ra rằng biến thể Omicron có thể chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế phát triển.
- Một số yếu tố chỉ ra sự tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới. Cuộc chiến đang đè nặng lên niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bao gồm cả sự không chắc chắn mà nó mang lại.
- Hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn rất quan trọng, đặc biệt là trong tình hình địa chính trị khó khăn này.
- Các chỉ báo cho thấy giá năng lượng sẽ ở mức cao trong thời gian tới nhưng sau đó sẽ điều chỉnh ở một mức độ nào đó.
- Sự tắc nghẽn nguồn cung và sự bình thường hóa của nhu cầu khi nền kinh tế mở cửa trở lại cũng tiếp tục gây ra áp lực tăng giá.
Commerzbank dự báo nhu cầu với vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay!
- “Nhu cầu vàng toàn cầu tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1234 tấn, mức cao nhất kể từ quý 4 năm 2018. Con số này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu với các quỹ ETFs tăng cao khi chiến tranh Ukraine xảy ra và lạm phát gia tăng. "
- “Miễn là những bất ổn địa chính trị và môi trường lạm phát cao vẫn tiếp diễn, WGC dự đoán nhu cầu đầu tư sẽ tăng mạnh trong năm nay”.
- “Nhu cầu trang sức dự kiến sẽ không đổi.”.
- “Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua ròng vàng trong năm nay, mặc dù ở mức yếu hơn”.
Số liệu CPI các bang của Đức có gì đáng chú ý?
Các số liệu lạm phát tại các bang của Đức được phát hành cùng lúc:
- Bavaria tăng 7.5% so với 7.8% tháng trước đó
- Hesse % so với 8.0% tháng trước đó
- Brandenburg CPI +% so với 7.3% tháng trước đó
- Baden Wuerttemberg tăng 7.0% so với 6.3% tháng trước đó
Scotiabank cho rằng EUR/USD sẽ chạm 1.0341 trong những phiên tới!
- “Chúng tôi cho rằng sự bi quan về kinh tế và sự phân kỳ chính sách tiền tệ rõ ràng giữa ECB và Fed khiến đồng EUR có nguy cơ cao kiểm tra mức thấp nhất đầu năm 2017 là 1.0341 trong những ngày hoặc những tuần tới.”
- “Nếu Nga cắt đứt nguồn năng lượng thì các khu liên hợp công nghiệp của khối có thể phải giảm mạnh sản lượng, đẩy khu vực đồng tiền chung châu Âu vào suy thoái. Điều này sẽ mở đường cho khả năng đồng EUR ngang giá với USD khi triển vọng kinh tế xấu đi buộc ECB phải từ bỏ thực hiện các đợt tăng lãi suất ”.
Chuyên gia tại Westpac bình luận gì về đồng Bảng Anh?
- “Dữ liệu khảo sát trước cuộc họp BoE vào tuần tới đã nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Vương quốc Anh. Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp giảm xuống -34 (-9 vào tháng 1 năm 2021, mức đỉnh là +38).”
- “GBP/USD vẫn có khả năng phá vỡ vùng 1.2475-00 để giảm xuống 1.2100. Áp lực giảm sẽ suy yếu khi cặp tiền đóng cửa trên 1.2850. "
ECB's de Guindos: Lạm phát trong khu vực đồng Euro gần đạt đỉnh!
Điều đó chắc chắn có thể xảy ra nhưng sẽ có hai kịch bản: lạm phát quay trở lại dưới 2% và lạm phát có thể đạt đỉnh nhưng vẫn ở mức cao.
ECB đang kỳ vọng lạm phát ở mức đỉnh, thì kịch bản thứ hai dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn và với lạm phát quanh mức 5-6%, chính sách hiện tại vẫn sẽ không có tác dụng gì nhiều.
Chỉ số DXY sẽ chạm mốc 107?
Chỉ số US Dollar Index (DXY) cuối cùng cũng tăng một cách dứt khoát. Các nhà kinh tế tại Westpac dự đoán DXY sẽ duy trì đà tăng trong vài tuần, với khả năng đạt 107 - mức được thấy lần cuối vào năm 2002.
- "DXY sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian vì kỳ vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quố thấp hơn, trong khi Fed vẫn kiên quyết "hawkish"."
- “DXY có khả năng sẽ kiểm tra vùng phía trên 104 vào sự kiện FOMC tuần tới, một sự phá vỡ mức đó sẽ mở ra cánh cửa kiểm tra vùng 107.”
Chuyên gia tại MUFG bình luận gì về tỷ giá USD/JPY?
Đồng Yen đã tiếp tục bị bán tháo mạnh để nâng tỷ giá USD/JPY lên trên mức 130.00 lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2002 do lập trường chính sách nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Các nhà kinh tế tại Ngân hàng MUFG tin rằng cặp tiền có thể dễ dàng tiến tới mốc 135.00 khi không có vùng cản nào đáng chú ý tại khu vực này, tuy nhiên sự suy yếu của đồng Yen có thể khiến BOJ phải hành động.
Phân tích dữ liệu CME: Giá dầu có thể đã bước vào giai đoạn tích lũy!
Số liệu từ CME Group cho thấy các nhà giao dịch đã thêm khoảng 21.2 nghìn hợp đồng vào số lượng vị thế mở vào thứ Tư. Trong khi đó khối lượng giao dịch đã giảm phiên thứ hai liên tiếp, lần này là 140.5 nghìn hợp đồng.
Giá dầu thô đã có một phiên giao dịch hai chiều hôm qua. Hành động giá đi kèm với số vị thế mở tăng là dấu hiệu cho thấy "vàng đen" có thể sẽ rơi vào trạng thái tích lũy.
Khả năng 1 EUR đổi 1 USD đã tăng lên 35% trong năm nay!
Chuyên gia tại ING bình luận
- “Thị trường quyền chọn ấn định xác suất 35% cho khả năng EUR/USD về 1.00 trước khi kết thúc năm. Con số này tăng từ 25% vào đầu tuần này và chỉ 15% một vài tuần trước. "
- “Vấn đề cấp bách nhất là sự cắt giảm đột ngột đối với khí đốt của Nga tại châu Âu. Câu chuyện này diễn ra như thế nào và mức độ ảnh hưởng của nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ giúp xác định tỷ giá EUR/USD. ”
- “Cặp EUR/USD vẫn mong manh và sự phá vỡ 1.0500 sẽ mở ra khu vực 1.0350.”
Số liệu CPI sơ bộ tháng 4 của Tây Ban Nha có gì đáng chú ý?
- CPI tăng 8.4% so với dự báo tăng 9.0%
- Tháng trước đó tăng 9.8%
Con số này có thể mang lại chút yên bình cho ECB khi lạm phát ở Tây Ban Nha được coi là hạ nhiệt từ mức cao nhất gần 40 năm, phản ánh sự suy yếu của giá nhiên liệu và điện.Mặc dù vậy các con số chi tiết không hoàn toàn khả quan với lạm phát lõi tăng từ 3.4% trong tháng 3 lên 4.4% vào tháng 4.
Quan chức ECB cho biết tốc độ tăng trưởng có khả năng chậm hơn trong giai đoạn sắp tới!
Thành viên ban điều hành ECB, ông de Guindos bình luận:
- Giá năng lượng tăng cao đang làm giảm nhu cầu, tăng chi phí sản xuất
- Kỳ vọng lạm phát cho thấy lạm phát ở khoảng 2% trong trung hạn
ECB đang dần xây dựng câu chuyện về sự suy giảm tăng trưởng và đó có thể là yếu tố để các đợt tăng lãi suất ít đi trong năm. Ông de Guindos cũng đang nói về lạm phát sẽ quay trở lại 2% vào một thời điểm nào đó, mặc dù nó vẫn là một viễn cảnh khá xa vào thời điểm này.
Thống đốc BOJ cho biết các hoạt động mua trái phiếu liên tục là để tránh các động thái đầu cơ trên thị trường!
- Đừng nghĩ rằng các hoạt động mua trái phiếu sẽ làm rung chuyển thị trường
- Thay vào đó, nó sẽ giúp ổn định thị trường
Hiện tại, ông Kuroda có lẽ có thể thấy nhẹ nhõm khi thị trường trái phiếu không mạnh lên trong tuần qua hoặc lâu hơn vì các nhà đầu tư sẽ chờ đợi Fed vào tuần tới. Nhưng áp lực liên tục có thể tiếp tục kiểm tra quyết tâm của BOJ trong việc cố gắng duy trì giới hạn lợi suất ở 0.25%.
Viễn cảnh nào cũng sẽ không mang lại điềm lành cho đồng Yen!
Thống đốc Kuroda tái khẳng định hoạt động thị trường trái phiếu là để đảm bảo mục tiêu lợi suất!
- Nền kinh tế có nhiều khả năng suy yếu hơn là tăng trưởng trong thời điểm hiện tại
- Nhưng điều đó sẽ được thay đổi trong tương lai
- Sẽ không ngần ngại nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần thiết
- Lạm phát 2% sẽ không được duy trì khi giá năng lượng giảm dần
- Cần thêm thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát 2%
Nhận xét của ông về việc bảo vệ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của ngân hàng trung ương và gạt lạm phát sang một bên nói lên nhiều điều về quan điểm của BOJ.
Điều đó sẽ tiếp tục giữ áp lực lên đồng Yen cho đến khi BOJ khẳng định rằng họ kiên quyết giới hạn lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm ở mức 0.25%.
Cập nhật diễn biến thị trường tiền tệ: Đồng USD hạ nhiệt đôi chút khi bước vào phiên Âu!
Đồng USD đang hạ nhiệt đôi chút khi chỉ số DXY giảm từ 103.70 xuống 103.15 ở thời điểm hiện tại.
- Đồng Euro giảm 0.07% khi quan chức ECB lo ngại về tăng trưởng thời gian tới tại khu vực EU.
- Tỷ giá USD/JPY "đi tàu lượn" khi bật tăng lên 130.60 và sau đó quay đầu 180 độ khi thống đốc BOJ đưa ra những bình luận về đồng Yen, giảm xuống 130.00 và hiện nằm tại 130.28.
- Hai đồng Antipodean diễn biến trái chiều nhau khi đồng Aussie bật tăng còn Kiwi lại giảm nhẹ.
Thống đốc BOJ: Mong muốn tỷ giá ổn định phản ánh các nguyên tắc cơ bản về kinh tế
- Cần kiên nhẫn tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hiện tại
- Việc duy trì lập trường nới lỏng hiện tại giúp hỗ trợ nền kinh tế
- Các động thái quá mức trên thị trường tiền tệ như đã thấy gần đây sẽ gây khó khăn cho việc lập kế hoạch
Thật thú vị khi ông cho rằng những động thái gần đây là "quá đáng".
Tỷ giá USD/JPY tiếp tục tăng 1.4% lên 130.20 vào thời điểm hiện tại.
BoJ mở ra cánh cửa hưởng tới mức 135 cho USDJPY - TDS
- “BoJ còn cách xa bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách về mục tiêu kiểm soát đường cong lợi suất, chứ chưa nói đến lãi suất chính sách. "
- "Dự báo lạm phát của BoJ đã được điều chỉnh cao hơn nhưng họ vẫn duy trì quan điểm rằng bất kỳ đà tăng nào của chỉ số CPI trên 2% cũng chỉ là tạm thời."
- “Việc BOJ không hành động giữ cho cánh cửa giảm giá của JPY tiếp tục mở ra và mục tiêu tiếp theo là 135 với USDJPY”.
Số liệu lạm phát tại Tây Ban Nha, Đức là tâm điểm trong chiều nay!
Lạm phát của Tây Ban Nha và Đức sẽ là trọng tâm trong ngày hôm nay.
- 14h - Số liệu CPI sơ bộ tháng 4 của Tây Ban Nha
- 16h - Niềm tin người tiêu dùng trong tháng 4 của Eurozone
- 19h - Số liệu CPI sơ bộ tháng 4 của Đức
Hợp đồng tương lai Eurostoxx tăng 0.8% đầu phiên giao dịch châu Âu!
- Hợp đồng tương lai chỉ số DAX của Đức tăng 0.8%
- Hợp đồng tương lai FTSE của Anh tăng 0.4%
- Hợp đồng tương lai IBEX của Tây Ban Nha tăng 0.5%
Cho đến nay, cổ phiếu đang phục hồi trở lại, tìm cách bù đắp cho những đà giảm trong tháng 4.
Thật không thể tin được: USD/JPY chạm mốc 130 lần đầu tiên sau 20 năm!
Cuối cùng thì chúng ta cũng ở đây sau quyết định chính sách của BOJ trước đó. Thực tế là BOJ đang muốn chơi một trò chơi nguy hiểm trong việc cố gắng duy trì kiểm soát đường cong lợi suất, đây là một yếu tố tiêu cực lớn đối với tiền tệ.
Và từ góc độ kỹ thuật, sẽ không có nhiều mức cản ngăn chặn sự suy yếu của đồng Yên nếu tỷ giá vượt qua 130. Kháng cự quan trọng tiếp theo sẽ mức cao nhất năm 2002 gần 135.
Đồng USD đang nổi cơn thịnh nộ!
Hai yếu tố tạo ra lực đẩy mạnh cho đồng đô la Mỹ ngày hôm nay là sự giảm giá của đồng Yen Nhật sau khi BOJ cam kết duy trì kiểm soát đường cong lợi suất và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục lao dốc.
Tỷ giá EUR/USD chạm mức thấp nhất trong 5 năm xuống 1.0484:
Các yếu tố kỹ thuật đang cực kỳ thuận lợi cho đồng bạc xanh vào thời điểm hiện tại mà không có chút cản trở nào đối với việc đẩy cặp tiền xuống mốc 1.0400 tiếp theo. Trong khi đó, GBP/USD cũng đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Hai đồng Antipodean giảm mạnh trước giờ mở cửa phiên Âu
Đồng đô la vẫn đang tăng bền vững, sự lao dốc của đồng nhân dân tệ cũng có một chút tác động đến đồng Aussie và kiwi, cả hai đồng tiền này hiện đang giảm khá mạnh trước giờ mở cửa phiên Âu. Đồng nhân dân tệ trong nước vừa suy yếu xuống còn 6.61 so với đồng đô la và điều đó đang đưa đồng Aussie và kiwi xuống mức thấp nhất trong ngày.
AUD/USD giảm 0.7% xuống 0.7076 và có vẻ sẽ tiếp tục giảm xuống mức 0,7000.
NZD/USD:
Cặp tiền này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020, giảm hơn 1% xuống 0.6475. NZD/USD đang đạp qua mốc 0.6500 và đang hướng tới kiểm tra mức thoái lui tại 0.6467.
Đồng nhân dân tệ tiếp tục sụt giá và chưa có dấu hiệu dừng lại
Đồng nhân dân tệ tiếp tục sụt giá, cặp USD/CNH đã vượt qua mốc 6.60 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã suy yếu xuống còn 6.63 so với đồng đô la, mức yếu nhất kể từ tháng 11 năm 2020.
CPI tháng 4 của North Rhine Westphalia (Đức): +7.7%, cao hơn so với +7.6% trước đó
CPI của Đức là dữ liệu kinh tế đáng chú ý trong ngày hôm nay và các ước tính cho thấy áp lực giá cả sẽ tiếp tục ở mức như trong tháng Ba, các bang khác của nước này cũng sẽ lần lượt công bố chỉ số CPI trước khi CPI cả nước được công bố vào 12:00 GMT.