Tóm tắt những điểm đáng chú ý của thị trường tuần vừa qua, viễn cảnh tương lai sẽ như thế nào trong con mắt của các big boyz
Chúng ta hãy cùng xem các tổ chức lớn đánh giá như thế nào về tình hình thị trường hiện tại nhé
Chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ giảm nhẹ vào thứ 6 ghi nhận thêm một tuần ảm đạm nữa, sau khi những dữ liệu mới được công bố cho thấy mức độ thiệt hại do đại dịch gây ra đối với nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng lên.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp hôm qua cho thấy các nhà tuyển dụng đã loại bỏ tới 701,000 việc làm trong tháng 3 so với kỳ vọng 100,000 và đây có thể mới chỉ là khởi đầu của một đợt suy giảm trên thị trường lao động bắt nguồn từ đại dịch coronavirus. Đây chắc chắn là một cú sốc mạnh cho thị trường việc làm đang trong tình trạng bùng nổ khi chỉ mới vài tuần trước tình trạng thất nghiệp còn đang ở mức thấp nhất trong vài thập kỷ. Trong khi đó, Thống đốc Cuomo cho biết New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã chứng kiến sự gia tăng số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Chỉ số S&P500 giảm 38.25 điểm, tương đương 1.5% xuống mức 2488.65. Nasdaq Composite mất 114.23 điểm, tương đương 1.5%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.7% xuống 21,052.53 điểm. Các chỉ số chính của Hoa Kỳ đã kết thúc tuần với mức giảm khiêm tốn sau khi ghi nhận quý sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Cả ba chỉ số này đều đã giảm hơn 24% so với mức đỉnh vào giữa tháng Hai.
Các đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho số lượng việc làm đáng thất vọng do ảnh hưởng nặng nề của coronavirus đối với người dân, doanh nghiệp và thị trường trên toàn thế giới trong những tuần gần đây. "Tôi nghĩ sẽ không có ai ngạc nhiên rằng đó là một tháng tồi tệ", JJ Kinahan, chiến lược gia trưởng tại TD Ameritrade nói. "Chúng tôi biết rằng nó sẽ còn rất khốc liệt. Đây là thời điểm khó khăn."
Báo cáo hôm thứ Sáu đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2010 rằng các nhà tuyển dụng cắt giảm nhiều nhân viên hơn số họ tuyển thêm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những con số thậm chí còn ảm đạm hơn sẽ còn tiếp tục được đưa ra trong vài tuần tới. Báo cáo việc làm hàng tháng mới nhất còn chưa phản ánh hàng triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được nộp trong hai tuần cuối tháng Ba. Một con số kỷ lục 6.6 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần vừa rồi - tăng gấp đôi so với hai tuần trước đó, khi Mỹ đóng cửa một số bộ phận của nền kinh tế trong nỗ lực ngăn chặn virus.
Các nhà đầu tư cũng đang rất thận trọng với những dữ liệu mới công bố cho thấy sự lây lan mạnh mẽ của COVID 19 trên khắp Hoa Kỳ. Rusty Vanneman, giám đốc đầu tư của Orion Advisor Solutions, nói: "Chúng ta có thể bước vào đỉnh điểm của sự hoảng loạn trong vài tuần tới”, và " Tôi nghĩ rằng một số dữ liệu tồi tệ nhất vẫn còn chưa xuất hiện. "
Khi cổ phiếu bị bán tháo, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang kênh đầu tư an toàn đó là trái phiếu chính phủ. Lợi tức trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ 10 năm đã giảm xuống 0.587% sau khi dao động ở mức 0.624% trong phiên hôm trước, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp.
Các nhà đầu tư cho biết họ đang tiếp tục theo dõi các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bênh ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới. Họ cũng ghi nhận có một số sự hồi chuyển tích cực, dù nhỏ nhoi, là kết quả đến từ những hành động hỗ trợ thị trường của Cục Dự trữ Liên bang, điều mà họ nói rằng đã giúp cho việc giao dịch giữa các loại tài sản trở nên dễ dàng hơn.
Tại châu Âu, dữ liệu công bố vào thứ Sáu đã cho thấy tác động kinh hoàng mà coronavirus đang gây ra đối với tăng trưởng kinh tế. Chỉ số PMI khu vực dịch vụ tại Eurozone giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ số chứng khoán tổng hơp châu âu Stoxx 600 giảm 1 %.
Ở châu Á, các chỉ số chứng khoán phần lớn dao động trong biên động hẹp. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giảm 0.6%. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần được hỗ trợ mặc dù mọi người đã trở lại làm việc. Để khuyến khích cho vay nhiều hơn, tổ chức này này đã cắt giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ xuống 1 điểm phần trăm, và hạ lãi suất cho dự trữ vượt mức của ngân hàng thương mại xuống 0.35% từ 0.72%.
Hôm thứ Năm, Dầu thô Brent ghi nhận bước nhảy vọt vọt 21%, đánh dấu mức tăng trong một ngày lớn nhất lịch sử tính theo điểm phần trăm, dựa trên dữ liệu từ năm 1988. Tổng thống Trump nói rằng ông hy vọng Nga và Ả Rập Saudi sẽ đồng ý cắt giảm sản lượng. Moscow từ chối nói chuyện với Saudis, nhưng các quan chức của quốc gia dầu mỏ Trung Đông cho biết họ sẽ xem xét cắt giảm sản lượng đáng kể nếu các quốc gia khác cũng cùng tham gia vào nỗ lực này. Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Pictet Asset Management, cho biết sự sụt giảm của cổ phiếu vào thứ Sáu vừa qua cho thấy thị trường vẫn đang hoài nghi về viễn cảnh cắt giảm sản lượng dầu, điều mà đòi hỏi hành động phối hợp từ tất cả các nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm cả Hoa Kỳ, để tạo ra sự khác biệt trong dài hạn. "Nếu có thỏa thuận cắt giảm sản xuất, tôi sẽ cho đó là một điều tích cực", ông nói.