Tổng hợp và đánh giá thị trường Realtime
Tùng Nguyễn, CFA, CMT
Economist
Euro tiếp tục bị bán tháo trên diện rộng, tỷ giá EUR/USD chạm mức thấp nhất 1.0827 sáng nay, và thị trường sẽ hướng mắt tới mốc 1.070-1.072, là việc “fill gap” từ tháng 4/2017.
Theo ghi nhận của Bloomberg, các quỹ phòng hộ tiếp tục tăng vị thế Short Euro khi EU cho biết virus Corona là rủi ro chủ đạo với nền kinh tế khu vực. Trước đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của Eurozone gây thất vọng mạnh. Cùng với triển vọng tiêu cực về đàm phán EU-UK mang tính dai dẳng, tôi cho rằng EUR/USD giảm về 1.07 chỉ là vấn đề sớm muộn trong những phiên tới.
Bảng Anh tăng mạnh nhất nhóm G-10 sau thông tin Sajid Javid, bộ trưởng tài chính của UK từ chức trong chiến dịch cải tổ nội các của thủ tướng Johnson, điều này làm tăng đồn đoán về việc nước này sẽ sớm thông báo các biện pháp tăng cường nới lỏng tài khoá. Chênh lệch lợi suất TPCP 10 năm của US/UK đã giảm xuống mức 95 điểm cơ bản, thấp nhất từ tháng 10/2017. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ giá GBP/USD tăng tới 0.6%, ghi nhận từ áp lực “Short Covering” trên thị trường. Vùng 1.307 là kháng cự của Sterling, và đà phục hồi hiện nay có thể là các cơ hội để “Fade the Rally”, tôi kỳ vọng Bảng Anh sẽ sớm giảm lại do triển vọng dai dẳng tiêu cực từ đàm phán EU-UK.
Tâm lý “Risk off” vẫn duy trì trên diện rộng sau nhiều thông tin khá “mixed”, điều này giúp vàng tăng lên mức 1578. Chỉ số Dowjones giảm 0.43%, SP500 giảm 0.16% hôm qua. Chỉ số Nikkei sáng nay cũng đang giảm 0.52%. Lợi suất kho bạc 10 năm của Mỹ hôm qua có lúc giảm về dưới 1.58%, phục hồi lên mức 1.62% sau báo cáo CPI của Mỹ và dao động quanh 1.605%. Tối qua, CPI tháng 1 của Mỹ tăng 2.5% so với cùng kỳ năm ngoái (cao hơn dự báo 2.4%), trong khi CPI lõi duy trì ở ổn định ở mức +2.3% y/y.
Sáng qua Hồ Bắc công bố có hơn 15k nhiễm bệnh mới do sự thay đổi về phương pháp luận thống kê. Tâm lý lo ngại rủi ro tiếp tục xấu đi khi phóng viên của Fox News tweet tối qua tiết lộ thông tin Nhà Trắng tin rằng có ít nhất 100k ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc và hoài nghi về con số công bố tử vong của Trung Quốc. Tuy nhiên WHO sau đó lên tiếng xoa dịu khi cho biết hơn 13.000 trường hợp được cho là nhiễm virus Corona theo phương pháp báo cáo mới ở Trung Quốc là từ số liệu của nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước, và không thể hiện sự gia tăng đột biến trong các ca nhiễm mới. Chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua cũng khẳng định Trung Quốc có đủ khả năng để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch cúm do virus Corona gây nên.
Liên quan đến các diễn biến mới về Virus Corona, Nhật Bản đã có 1 trường hợp tử vong, Mỹ có ca nhiễm bệnh thứ 15. Trong khi đó, Hồ Bắc báo cáo 4.823 ca nhiễm mới và 116 trường hợp tử vong trong ngày thứ hai thay đổi phương pháp thống kê. Số liệu này thấp hơn nhiều so với con số tăng thêm 14.840 ca ngày trước đó, tuy nhiên ở mức cao hơn gấp đôi so với trung bình ngày trước khi sử dụng phương pháp tính mới. Theo thống kê mới nhất, cả thế giới đã có 56.767 trường hợp nhiễm bệnh, 1.487 ca tử vong và 6.992 ca phục hồi.
Các đồng tiền hàng hoá như AUD và NZD đều chịu áp lực giảm hôm qua, trong khi CAD đi ngang do giá dầu tăng nhẹ. Giá dầu thô WTI hiện duy trì ổn định quanh mức $51.38/thùng.
Tỷ giá USD/CNY được coi là thước đo tốt - “Risk Barometer” về dịch cúm Corona. CNY hiện tại chỉ giảm nhẹ 0.12% so với chiều qua và đang giao dịch ở mức 6.9855.
Đánh giá cá nhân:
Các tiêu đề liên quan đến virus Corona chắc chắn sẽ làm thị trường tiếp tục biến động giật khó lường. Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm có thể thời khắc xấu nhất của dịch bệnh đã qua đi, và tâm lý rủi ro sẽ phục hồi sau đó. Vàng hiện tiệm cận vùng bán kỳ vọng dài của tôi từ giờ đến tháng Ba ở 1578-1590, và tôi vẫn kỳ vọng việc giá đẩy lên theo thông tin liên quan tới Covid-19 sẽ là các cơ hội để “Sell on rally” hướng về 1530. Bên cạnh đó, tôi vẫn duy trì quan điểm đồng Dollar sẽ tiếp tục tăng, và việc canh Short EUR/USD hướng về vùng 1.070-1.072 sẽ là chiến lược được ưu tiên, vùng kháng cự lý tưởng để bán hiện tại nằm ở 1.088-1.090.
Quan điểm tổ chức:
Citibank khuyến nghị Short EUR/JPY - xu hướng giảm tuân theo sự phân kỳ về chính sách tiền tệ, khi BOJ sẽ không có thêm động thái nới lỏng hơn nữa trong khi ECB có thể phải tăng cường nới lỏng để cải thiện tình trạng trì trệ về kinh tế khu vực. Bên cạnh đó, Citi cũng khuyến nghị Long AUD/NZD. Mặc dù thị trường đang nhận định khả năng cắt lãi suất của RBA cao hơn RBNZ trong vòng 12 tháng, nhưng RBNZ sẽ ngăn chặn đồng Kiwi tăng mạnh để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi tỷ giá AUD/NZD đang ở mức “rẻ” trong tương quan với chênh lệch lợi suất TPCP 10 năm giữa 2 quốc gia này.