Top 10 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính trong năm 2020
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Năm 2021 sắp đến gần. Hãy cùng nhìn lại những sự kiện đáng chú ý nhất trên thị trường tài chính 2020.
1. Đại dịch COVID-19
Tôi tin rằng sau khoảng 10-20 năm nữa hay thậm chí nhiều hơn thế, khi bạn được hỏi năm 2020 có gì, bạn có thể quên nhiều thứ nhưng chắc chắn bạn không thể không nhắc tới đại dịch COVID-19. Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 mới đã khiến cả thế giới phải chao đảo: hơn 80 triệu người mắc bệnh với các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, gần 2 triệu người tử vong và hàng triệu người nguy cấp phải điều trị dài ngày tại bệnh viện. Cùng với đó, các lệnh cách ly, hạn chế đi lại cũng như lệnh phong tỏa được chính phủ các nước áp dụng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của virus, trực tiếp khiến các trường học, nhà hàng, văn phòng làm việc và nhiều nhà máy phải đóng cửa, các chuyến tàu hỏa, chuyến bay bị cắt đứt. Điều này đã làm nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, khi nhiều hoạt động kinh tế phải tạm ngừng.
Nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 được cho là có từ một loài dơi, virus đã tiến hóa để có thể lây nhiễm sang cho người và khiến họ mắc bệnh. Những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào ngày 31/12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó lây lan với tốc độ chóng mặt trên đất nước này, rồi lây đến các nước khác như Thái Lan, Phillipines, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đến cuối tháng 2, số ca nhiễm COVID-19 tại các nước châu Âu và Mỹ gia tăng một cách chóng mặt, số người tử vong tăng lên từng ngày, nhiều bệnh viện bị quá tải, đặc biệt là tại Italy. Chính phủ các nước đã phải áp dụng các lệnh giới nghiêm, cũng như khuyến cáo các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chính thức công bố COVID-19 là Đại dịch toàn cầu.
Từ đó đến nay, số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng và với tốc độ ngày càng lớn. Tại các điểm nóng đại dịch tại các vùng kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp, số ca nhiễm COVID-19 một ngày đạt đỉnh vào tháng 4 sau đó giảm dần. Tưởng chừng đại dịch đã được kiểm soát tại các nước này, tuy nhiên làn sóng đại dịch thứ 2 đã quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, số ca nhiễm liên tục đạt mức kỷ lục, các lệnh giới nghiêm đã được tái áp dụng.
Càng về cuối năm nay, chúng ta đều được chứng kiến những tin vui về vaccine COVID-19, và có thể giúp chúng ta có niềm tin hơn vào việc kiểm soát đại dịch trong năm 2021. FDA Hoa Kỳ đã chính thức phê duyệt khẩn cấp vaccine của Pfizer và Mordena, và chúng đang được dần dần phân phối đến tay người tiêu dùng.
2. Nền kinh tế toàn cầu lao dốc
Với việc các hoạt động trong nền kinh tế bị đình trệ, GDP của nhiều quốc gia trong các quý 1 và 2 không thể tránh khỏi sự sụt giảm, đặc biệt là trong quý 2, nền kinh tế nhiều khu vực bị tổn thương nặng nề, GDP sụt giảm với tốc độ kỷ lục. Tại Mỹ, sự suy thoái đã được xác nhận khi GDP giảm trong 2 quý liên tiếp, với mức giảm lần lượt 5% và 31.4% so với quý trước (theo tiêu chuẩn hóa), đây cũng là khoảng thời gian dịch bênh bùng phát mạnh mẽ nhất tại nước này, và Tổng thống Trump đã yêu cầu đóng cửa nền kinh tế. Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh cũng chứng kiến sự suy thoái tương tự.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù đây là nơi khởi nguồn của dịch COVID-19, nhưng nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả của chính phủ, ảnh hưởng của dịch bệnh đã nhanh chóng bị xóa nhòa. GDP của Trung Quốc giảm tới 10% trong quý 1, sau đó hồi phục nhanh chóng trong 2 quý sau đó.
Không chỉ sản lượng sụt giảm, thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng sâu sắc. Trong tháng 4, lần đầu tiên nước Mỹ bị mất đi 20.8 triệu việc làm phi nông nghiệp chỉ trong vòng 1 tháng, và tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 14.7%, con số cao nhất từ trước tới giờ. Với việc sản xuất bị tạm dừng, các doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động nhằm giảm thiểu chi phí, dẫn đến nhiều người dân không có việc làm.
Các nhà làm luật không thể ngồi yên chứng kiến nền kinh tế sụp đổ. Rất nhiều biện pháp kích thích tiền tệ cũng như tài khóa mạnh mẽ đã được áp dụng, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn. Cùng với việc các lệnh phong tỏa, cách ly được dỡ bỏ, GDP trong quý 3 tại nhiều quốc gia đã hồi phục với tốc độ kỷ lục.
3. Các công cụ chính sách chưa từng có trong tiền lệ
Chính sách tiền tệ
Năm 2020 chứng kiến cuộc đua nới lỏng tiền tệ của các NHTW toàn cầu. Trong đó, Fed tỏ ra “mạnh tay” hơn cả so với phần còn lại của thế giới, với việc hạ lãi suất chính sách Fed funds rate khẩn cấp từ mức 1.50-1.75% xuống mức 0-0.25%, cùng với việc công bố chương trình cho vay Main Street và gói QE không giới hạn. Mức lãi suất này sẽ được duy trì trong thời gian dài, nhằm hướng đến mục tiêu lạm phát trung bình 2%.
Ngoài Fed, các NHTW khác cũng tỏ ra quyết liệt trong việc đưa ra các chính sách nới lỏng, thậm chí nhiều chính sách được áp dụng chưa từng có tiền lệ. Có thể kể đến một số ví dụ:
- ECB duy trì lãi suất chính sách ở mức 0%, cùng với tung ra chương trình mua tài sản PEPP trị giá 750 tỷ Euro lần đầu tiên trong lịch sử. Quy mô của gói PEPP hiện đã được mở rộng lên 1.75 nghìn tỷ Euro.
- BoE hạ lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục 0.1%, đồng thời mở rộng quy mô gói QE thêm 200 tỷ Bảng Anh kể từ tháng 3/2020. Cho đến nay, BoE đã có thêm hai lần mở rộng quy mô của gói này, tổng cộng BoE đã tung ra 450 tỷ Bảng Anh kể từ khi đại dịch bùng phát.
- Lãi suất điều hành tại RBA và RBNZ cũng đã được cắt giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, trong tháng 3, hai NHTW này đều hạ lãi suất xuống mức 0.25%, đồng thời tung ra các chương trình mua tài sản. Riêng đối với RBA, họ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức 0.1% trong cuộc họp tháng 11, cùng với đặt mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ Úc 3 năm ở mức 0.1%.
Chính sách tài khóa
Bên cạnh các NHTW, các chính phủ cũng đều vào cuộc với những biện pháp kích thích tài khóa. Hoa Kỳ đã tung ra gói kích thích khổng lồ CARES Act trị giá 2.3 nghìn tỷ USD vào tháng 3, đây cũng là gói kích thích tài khóa lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ. Sau đó là một gói kích thích 900 tỷ USD vào năm 2021 vừa mới được phê duyệt trong vài ngày qua, mặc dù vẫn còn một số điều khoản còn phải sửa đổi. Nhìn vào đó, ta có thể thấy nỗ lực của chính phủ Mỹ là lớn đến nhường nào nhằm đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái. Bên cạnh đó, EU cũng đã tung ra gói cứu trợ trị giá 750 tỷ Euro vào tháng 7 năm nay, và thêm một gói tài khóa trị giá 1.8 nghìn tỷ Euro trong tháng 12 này.
4. Chứng khoán: Xuống bằng thang máy, lên bằng… thang máy
Không ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán toàn cầu rơi tự do sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành mạnh mẽ vào tháng 2. Chỉ số chứng khoán toàn cầu World MSCI Index đã giảm tới 32% kể từ mức đỉnh vào ngày 10/02/2020, chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 cũng giảm tới 34% từ mức đỉnh. Trong chuỗi ngày giảm điểm đó, các hợp đồng tương lai các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã liên tiếp phải sử dụng công cụ “Circuit Breaker” (buộc cho thị trường tạm ngừng giao dịch trong vòng 15 phút nếu như các chỉ số giảm quá 7%). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1997 công cụ này được sử dụng trở lại.
Tuy vậy, đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như các thị trường khác hầu hết đều kết thúc vào ngày 23/03, khi Fed tung ra gói QE không giới hạn ra thị trường nhằm cứu lấy nền kinh tế. Kể từ đó, thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới hồi phục mạnh mẽ trở lại, chỉ số S&P 500 chỉ mất 5 tháng để vươn lên mức đỉnh cao khi đó. 5 tháng để thị trường chứng khoán xóa bỏ mức giảm 34%, trong khi rủi ro về đại dịch vẫn còn tiềm tàng, quả thực là hết sức điên rồ.
Bất chấp số ca dương tính với SARS-CoV-2 vẫn gia tăng mạnh mẽ tại các điểm nóng đại dịch trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán có vẻ như không còn sợ virus nữa. Chứng khoán vẫn tăng không biết mệt mỏi, Dow Jones, S&P 500 liên tiếp lập đỉnh, VN-Index vượt qua mốc 1,000 lần đầu tiên trong năm 2020 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi vẫn nghe những người xung quanh nói đùa “chừng nào còn bơm tiền, chứng khoán vẫn cứ lên”, và quả thực đúng như vậy.
5. Giá dầu âm và thỏa thuận lịch sử của OPEC
Dầu thô là một loại hàng hóa gắn liền với các hoạt động trong nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng lớn lên và khiến giá dầu tăng. Ngược lại, khi nền kinh tế rơi vào suy thoái như tháng 2-3 năm nay, giá dầu sẽ giảm. Với việc các nền kinh tế bị đóng cửa do sự càn quét của đại dịch COVID-19, nhu cầu biến mất, các kho chứa dầu luôn ở trong trạng thái quá tải. Điều này khiến cho giá dầu liên tục giảm xuống mức rẻ chưa từng thấy. Nhằm cứu lấy giá dầu, ngày 12/04/2020, OPEC+ đã chính thức thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử, giảm nguồn cung đi 9.7 triệu thùng/ngày.
Tuy vậy, điều đó là chưa đủ. Cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ cũng không thể khiến nhu cầu quay trở lại, và giá dầu vẫn tiếp tục giảm. Đặc biệt, ngày 20/04/2020, thời điểm hợp đồng tương lai dầu thô WTI tháng 5 đáo hạn, giá dầu đã lao dốc không phanh xuống mức -$37.63/thùng, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu âm. Ngoài việc nhu cầu biến mất như đã đề cập, việc các nhà đầu cơ liên tục đổ tiền vào dầu thô nhằm “bắt đáy” trước đó không lâu đã khiến cho khối lượng hợp đồng mở (open interest) tăng đột biến, cùng với việc chẳng ai muốn thực hiện việc giao nhận dầu thật (vì họ không có kho chứa), dẫn đến các vị thế bị đóng ồ ạt ngay trước thời điểm hợp đồng tương lai này đáo hạn, thị trường bị mất thanh khoản và giá dầu tụt xuống mức âm.
Tuy vậy, với sự hồi phục trở lại của nền kinh tế sau đại dịch, giá dầu cũng hồi phục ấn tượng, hiện đang giao dịch xung quanh mức $48/thùng.
6. Dollar suy yếu xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm
2020 quả là một năm đáng buồn của đồng Dollar. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 tại 89.73. Trong khoảng thời gian đầu tháng 3, DXY bất ngờ tăng vọt lên mức 103, khi các tài sản rủi ro toàn cầu bị bán tháo, áp lực mua USD nhằm phục vụ cho các mục đích thanh toán là vô cùng lớn, dẫn đến thanh khoản của đồng Dollar trở nên vô cùng căng thẳng. Tuy vậy, kể từ khi gói QE không giới hạn được tung ra vào ngày 23/03, vấn đề này đã được cải thiện và đồng bạc xanh bước vào xu thế giảm cho đến tận bây giờ. Đà giảm của Dollar trong năm nay được tạo nên từ rất nhiều yếu tố khác nữa, có thể kể đến gói kích thích tài khóa 2.3 nghìn tỷ USD và gói kích thích thứ 2 của Mỹ trong năm 2021, với quy mô 900 tỷ USD. Tâm lý rủi ro toàn cầu tốt lên (được thể hiện qua thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ) cũng khiến Dollar chịu áp lực, theo lý thuyết Dollar Smile Curve. Ngoài ra, việc Joe Biden trúng cử Tổng thống Mỹ cũng không ủng hộ đà tăng của USD.
Với việc USD suy yếu xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018, vị thế của đồng tiền dự trữ số 1 thế giới đang bị đe dọa nặng nề. Cùng với đó, các đồng tiền đối trọng chính cũng tăng giá mạnh so với USD, có thể kể đến như EUR tăng 8.68%, CHF tăng 7.90%.
7. Vàng lần đầu tiên vượt mốc $2,000/oz
Với việc các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa liên tục được tung ra trong năm nay, vàng đã trở nên vô cùng hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhờ vai trò trú ẩn lạm phát. Hiện tại, giá vàng đang được giao dịch ở mức $1,870/oz, cao hơn tới khoảng 22% so với đầu năm. Gói QE của Fed đã vô tình đặt ra giới hạn trần cho lợi suất trái phiếu Kho bạc, cùng với kỳ vọng lạm phát tăng lên khiến lợi suất thực giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. Sự tương quan nghịch giữa giá vàng và lợi suất thực là không phải bàn cãi.
Việc Dollar suy yếu cũng khiến giá vàng được hưởng lợi. Vàng đã vượt mức đỉnh được thiết lập cách đây 7 năm trước vào tháng 7 năm nay, sau đó thiết lập mức đỉnh cao của mọi thời đại tại $2,075/oz. Cùng với đà tăng ấn tượng của vàng, các quỹ ETF cũng đã nâng mức nắm giữ kim loại quý này lên con số kỷ lục trong tháng 10, gần 3,500 tấn. Tổng khối lượng mua ròng trong năm nay đang ở mức 715 tấn.
8. Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
Sự kiện 4 năm một lần được cả thế giới mong chờ cũng đã diễn ra trong năm 2020. Đây thực sự là một cuộc bầu cử đặc biệt, bởi nó diễn ra khi đại dịch COVID-19 vẫn còn hoành hành, nước Mỹ đã áp dụng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện. Sự căng thẳng, kịch tính của cuộc bầu cử đến ngay từ cuộc tranh luận Tổng thống đầu tiên vào ngày 29/09/2020, khi ông Trump liên tiếp công kích đến đối thủ Biden. Tuy vậy, khá đen đủi cho Trump khi ông dương tính với COVID-19, cuộc tranh luận thứ 2 đã bị hủy bỏ và tỷ lệ người dân bỏ phiếu cho ông Biden thông qua đường bưu điện tăng lên. Công cuộc kiểm phiếu trong ngày bầu cử 03/11 cũng thực sự gay cấn hơn bao giờ hết. Theo số liệu được cung cấp bởi Politico, Biden đã dẫn trước ngay từ những giây phút đầu tiên, tuy nhiên sau đó Trump đã lấy lại được lợi thế nhờ giành chiến thắng tại các bang chiến trường như Texas hay Florida. Tỷ lệ đặt cược tại các nhà cái cũng thay đổi chóng mặt. Nhưng chung cuộc, với việc chiến thắng tại các bang lớn khác như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Georgia, Biden đã chắc chắn đắc cử ngôi vị Tổng thống Hoa Kỳ, với tỷ số chung cuộc 306-232.
Điều đáng nói trong cuộc bầu cử lần này đó là các nhân viên kiểm phiếu phải mất tới gần 5 ngày làm việc để có thể xác định người chiến thắng, điều này đã nhận được sự phản ứng gay gắt của Đương kim Tổng thống Donald Trump, ông cho rằng những lá phiếu được kiểm đếm sau ngày 03/11 là không hợp lệ và kết quả phải được giữ nguyên (Trump khi đó đang dẫn trước). Không chỉ có vậy, ông Trump còn gây áp lực đối với cuộc bầu cử, khi liên tiếp cáo buộc có sự gian lận trong cuộc kiểm phiếu, yêu cầu một số bang kiểm phiếu lại. Tuy vậy, những điều này chắc chắn không thể thay đổi kết quả cuối cùng, Tòa án đã bác bỏ cáo buộc của ông Trump, nước Mỹ đã chính thức xác định được cái tên của Tổng thống mới nhiệm kỳ 2021-2024 thông qua cuộc bỏ phiếu Cử tri đoàn, đó là Joe Biden.
9. Thỏa thuận thương mại hậu Brexit được thông qua sau gần 1 năm đàm phán
Ngày 31/01/2020, lá cờ nước Anh chính thức được hạ xuống tại tòa nhà trụ sở EU tại Brussel, chấm dứt 47 năm Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu. Brexit chính thức có hiệu lực, Anh và EU bước vào giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit trong năm 2020, đây là lúc hai bên tiến tới bàn đàm phán nhằm duy trì mối quan hệ thương mại. Các cuộc đàm phán liên tục rơi vào bế tắc trong suốt năm nay, với ba vấn đề khúc mắc chính đó là hạn ngạch đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và trợ cấp chính phủ liên tục không được giải quyết một cách triệt để. Chỉ đến ngày 24/12, các quan chức hai bên mới có thể nhất trí một thỏa thuận thương mại Brexit, chấm dứt các cuộc đàm phán kéo dài ròng rã 1 năm trời. Thỏa thuận này đã được Quốc hội Anh cũng như EU phê duyệt vào ngày 30/12 và chính thức có hiệu lực, kết thúc một giai đoạn chuyển đổi Brexit trong êm đẹp.
10. Bitcoin bùng nổ, chạm mức $29,000 lần đầu tiên trong lịch sử
Tiền điện tử là một trong số những tài sản tăng giá mạnh nhất năm nay, trong số đó không thể không nhắc đến Bitcoin. Đồng tiền kỹ thuật số này đang dần dần được chấp thuận rộng rãi như một phương tiện thanh toán, khi vị thế của Dollar đang lụi tàn.
Từ mức $7,200 vào đầu năm, Bitcoin đã có lúc giảm mạnh xuống gần $3,780 khi các tài sản rủi ro toàn cầu bị bán tháo vào tháng 3, nhưng sau đó tăng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong giai đoạn tháng 10-12, Bitcoin tăng phi mã và lần đầu tiên trong cuộc đời, chúng ta được nhìn thấy con số $29,000 hiển thị trên giá của đồng crypto này.
Năm 2020 sắp qua đi, 2021 sắp đến. Dubaotiente xin chúc quý độc giả một năm mới tốt lành, an khang hạnh phúc!