Trump tuyên bố cốt lõi của "Trumponomics 2.0": Đâu là điểm đáng lưu tâm?
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Trước vụ ám sát "hụt" và cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã đưa ra các nguyên lý cốt lõi của Trumponomics 2.0 trong một bài phỏng vấn với Bloomberg TV. Dưới đây là những điểm nổi bật chính:
Theo cuộc phỏng vấn, nếu Trump thắng, ông sẽ:
- Thực thi các lệnh trừng phạt song phương mạnh tay mặc dù ông tuyên bố “Tôi không thích các lệnh trừng phạt".
- Cho phép Jerome Powell tiếp tục nhiệm kỳ chủ tịch Fed kéo dài đến tháng 5 năm 2026
- Sẽ giảm thuế suất doanh nghiệp xuống mức thấp nhất ở 15%
- Bổ nhiệm Jamie Dimon làm Bộ trưởng Tài chính
Mặc dù những nét chung của Trumponomics 2.0 không quá khác biệt so với những gì xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, nhưng điểm mới là tốc độ và hiệu quả mà ông dự định khi ban hành các chính sách này. Ông tin rằng giờ đây ông đã hiểu sâu hơn về đòn bẩy quyền lực, bao gồm cả tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng người cho đúng công việc. “Chúng tôi có những người tuyệt vời, nhưng tôi có một số người mà tôi sẽ không chọn lần thứ hai. Bây giờ tôi biết tất cả mọi người và thực sự có kinh nghiệm.”
Danh sách các cố vấn kinh tế của Trump
Trong một thế giới mà mọi thứ khác đều đã được thử - và đã đẩy nợ công của Mỹ lên mức gần như đảm bảo rằng Mỹ sẽ mất vị thế dự trữ USD trong những năm tới, Trump đang đánh cược rằng chương trình nghị sự không chính thống của ông về cắt giảm thuế, thêm dầu, ít quy định hơn, mức thuế quan cao hơn và ít cam kết tài chính nước ngoài hơn sẽ thu hút đủ cử tri ở các bang trung lập. Và nó đang phát huy tác dụng: cuộc tranh luận đầu tiên với Joe Biden và vụ ám sát được đẩy sang một bên, cuộc thăm dò gần đây cho thấy những ngươif đàn ông da đen và gốc Tây Ban Nha đang chuyển sang Đảng Cộng hòa khi đã quá mệt mỏi với giá thực phẩm, nhà ở và khí đốt cao kỷ lục. Hiện có tới 20% đàn ông da đen ủng hộ Trump trong khi Biden đang vật lộn để giữ chân những cử tri chủ chốt do thành tích kinh tế thảm họa của ông. Đó là còn chưa kể đến nỗi lo lắng của cử tri về tuổi tác của Biden. Trong khi Trump gần như được đảm bảo sẽ giành chiến thắng vào tháng 11 theo các thị trường dự đoán trực tuyến, nhiều nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ ngày càng lo ngại rằng Đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện cùng với Nhà Trắng. Với kết quả như vậy, Trump sẽ có đòn bẩy chưa từng có để định hình nền kinh tế Mỹ, môi trường cho các doanh nghiệp toàn cầu và thương mại với các đồng minh trong nhiều thập kỷ tới.
Nhưng có một trở ngại: trong khi Trump hứa đảm bảo các doanh nghiệp sẽ có một môi trường với sự ổn định và chắc chắn, các công ty lại không có được nhiều điều đó trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông. Lần này, chiến dịch tranh cử của ông được điều hành chuyên nghiệp hơn, nhưng ông vẫn chưa đưa ra một chương trình nghị sự chính sách kinh tế chi tiết để trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng tới sự ủng hộ Trump của các doanh nghiệp.
Vì vậy, Trump đã tận dụng cuộc phỏng vấn để đi thẳng vào một số mục chính:
Fed
Vào cuối tháng 4, một số cố vấn chính sách không chính thức của Trump đã tiết lộ cho tờ Wall Street Journal một dự thảo gây chấn động nhằm hạn chế nghiêm trọng tính độc lập của Fed. Người ta suy ra rằng Trump đã tán thành ý tưởng này khi dự luật tương đồng với những cuộc tấn công trước đó của ông nhằm vào chủ tịch Fed đương nhiệm Powell. Trên thực tế, chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định ông không tán thành đề xuất cũng như vụ rò rỉ thông tin, và những người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông rất tức giận về điều đó. Tại Mar-a-Lago, Trump nói rõ rằng ông chán ngấy việc đưa tin tự do “Có rất nhiều thông tin sai lệch"
Trump khẳng định sẽ không đá Powell ra khỏi vị trí người đứng đầu Fed giữa nhiệm kỳ. Vào tháng 2, Trump nói với Fox News rằng ông sẽ không tái bổ nhiệm chủ tịch Fed. Bây giờ, ông tuyên bố rõ ràng sẽ để Powell kết thúc nhiệm kỳ của mình “Tôi sẽ để anh ấy thực hiện điều đó, đặc biệt nếu tôi nghĩ anh ấy đang làm điều đúng đắn.”
Dù vậy, Trump vẫn có những suy nghĩ về chính sách lãi suất, ít nhất là trong thời gian tới. Ông cảnh báo Fed nên tránh cắt giảm lãi suất trước cuộc bầu cử tháng 11 như một động thái thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ Biden. Đó sẽ là một vấn đề lớn khi thị trường đã định giá không phải một mà là hai lần cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm (lần đầu tiên là vào tháng 9). “Đó là điều mà Fed biết mình không nên làm” ông nói.
Lạm phát
Trump đã chỉ trích nặng nề khả năng quản lý nền kinh tế của Biden. Nhưng ông cũng nhận thấy rằng cơn tức giận do giá cả và lãi suất cao tạo ra là một cơ hội để thu hút những cử tri thường không ủng hộ đảng Cộng hòa, chẳng hạn như đàn ông da đen và gốc Tây Ban Nha. Trump nói rằng ông sẽ giảm phát bằng cách mở cửa cho Mỹ khai thác dầu khí nhiều hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức thuế quan mà ông dự định áp đặt chắc chắn sẽ dẫn đến giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn. Một báo cáo từ Viện Peterson ước tính rằng chế độ thuế quan của Trump sẽ làm tăng chi phí lên 1,700 USD cho một gia đình có thu nhập trung bình. Oxford Economics ước tính rằng sự kết hợp giữa thuế quan, hạn chế nhập cư và cắt giảm thuế doanh nghiệp kéo dài của Trump cũng có thể làm tăng lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế. Bernard Yaros, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Hoa Kỳ tại Oxford Economics, cho biết mục đích xuyên suốt của các chính sách này là gây ra gia tăng kỳ vọng lạm phát.
Nhập cư
Trump tin rằng việc ngăn chặn nhập cư trái phép mạnh tay là chìa khóa để thúc đẩy tiền lương và việc làm trong nước. Ông mô tả các hạn chế nhập cư là yếu tố lớn nhất trong cách ông định hình lại nền kinh tế, với những lợi ích đặc biệt cho các nhóm thiểu số mà ông mong muốn giành được. Ông nói: “Người da đen sẽ bị đe dọa bởi hàng triệu người đang đến đất nước này. Họ đã cảm nhận được điều đó rồi. Tiền lương của họ đã giảm rất nhiều. Công việc của họ đang bị những người nhập cư trái phép cướp đi". Trump nhấn mạnh: “Người da đen ở đất nước này sẽ chết vì những gì đã xảy ra và sẽ xảy ra với công việc của họ, nhà ở của họ, mọi thứ. Tôi muốn dừng việc đó lại.”
Thâm hụt ngân sách
Mong muốn của Trump là gia hạn Đạo luật Việc làm và Cắt giảm Thuế năm 2017 cũng như giảm thêm thuế doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là tăng thâm hụt ngân sách, vốn đã ở mức rất cao. Cùng với áp lực tăng lãi suất mà các nhà kinh tế mong đợi từ các chính sách bảo hộ của ông, các kế hoạch của Trump có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công của đất nước. Tuy nhiên, cuối cùng, các chính sách của Trump có thể đủ sức thuyết phục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đứng về phía ông. Harold Hamm, một người ủng hộ Trump và là chủ tịch điều hành của tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Continental Resources, viết trong một email: “Chính quyền Biden không để thị trường tự do điều tiết. Kết quả là vốn bị ứ đọng. Vốn bị ứ đọng là hệ quả của sự không chắc chắn về quy định và trong một số trường hợp, sự thù địch rõ ràng với các quy định trong một số lĩnh vực nhất định.” Hamm trích dẫn việc Biden tạm dừng các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng vào tháng 1 làm ví dụ. Ông dự đoán: “Khi Trump tái đắc cử, số vốn ứ đọng sẽ được giải phóng”.
Bộ trưởng Tài chính Jamie Dimon
Không có gì bí mật rằng hầu hết các CEO của Fortune 1000 chưa bao giờ là người hâm mộ Trump, nhưng tình thế đang dần thay đổi. Chỉ qua một đêm, người giàu nhất thế giới, Elon Musk, tuyên bố sẽ quyên góp 45 triệu USD mỗi tháng cho Trump PAC. Mong đợi nhiều người khác làm theo. Nhưng lời khen ngợi lớn nhất dành cho Trump trong những tháng gần đây lại đến từ một đảng viên Đảng Dân chủ và Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ: “Hãy trung thực,” Jamie Dimon nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng Giêng. “Ông ấy đã đúng về NATO, khá đúng về vấn đề nhập cư. Ông ấy đã phát triển kinh tế khá tốt. Cải cách thuế đã có hiệu quả. Ông ấy đã đúng về một số vấn đề ở Trung Quốc. Ông ấy đã không sai về một số vấn đề quan trọng này và đó là lý do tại sao họ bỏ phiếu cho anh ấy.” Theo Bloomberg, Trump thích thú với lời khen này. Ông đã thay đổi quan điểm của mình về người mà ông đã tấn công trên Truth Social vào năm ngoái và giờ đây nói rằng ông có thể bổ nhiệm Dimon, người được cho là đang dự tính theo đuổi sự nghiệp chính trị, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính của mình. “Ông ấy là người mà tôi sẽ cân nhắc” Trump nói.
Thuế quan và chính sách đối ngoại
Với tư cách là tổng thống, Trump đã phá vỡ quan điểm chính thống lâu đời của Đảng Cộng hòa ủng hộ thương mại tự do. Ông nói rằng sẽ mạnh tay hơn nếu tái đắc cử. Với Bloomberg, ông đưa ra lời khẳng định quyết liệt đối với chính sách thuế quan của Mỹ. Trump cho biết đang nghiên cứu chính sách của cựu Tổng thống McKinley và gọi ông là "Vua thuế quan". Trump thể hiện rõ rằng có ý định tăng thuế không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với cả Liên minh châu Âu. Trump nói: “McKinley đã làm cho đất nước này trở nên giàu có. Ông ấy là vị tổng thống bị đánh giá thấp nhất.” Theo cách đọc lịch sử của Trump, những người kế nhiệm McKinley đã phung phí di sản của ông vào các chương trình tốn kém của chính phủ như Thỏa thuận Mới và hủy hoại một công cụ quan trọng trong quản lý kinh tế: thuế quan.
Một sự kiện cho thấy Trump đã đúng: bất chấp những lời chỉ trích tràn lan, Biden vẫn duy trì mức thuế quan của Trump đối với Trung Quốc, thậm chí tăng thuế đối với thép, nhôm, chất bán dẫn, xe điện, pin và các hàng hóa khác. Yaël Ossowski, phó giám đốc Trung tâm Lựa chọn Người tiêu dùng, một nhóm vận động phi đảng phái, cho biết vào tháng 5: “Điều này sẽ làm tăng lạm phát trên diện rộng" Và chắc chắn, trong Trumpworld, hành động của Biden được coi là sự xác nhận rằng Trump đã đúng và những người chỉ trích ông thuộc đảng Dân chủ đã sai về mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra đối với nền kinh tế và an ninh Hoa Kỳ. Trump rất mong muốn mạnh tay hơn, kể cả cho các đồng minh châu Âu. Ngoài việc nhắm mục tiêu vào Trung Quốc bằng các mức thuế quan mới từ 60% đến 100%, ông nói rằng ông sẽ áp dụng mức thuế tổng thể 10% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Trump nói: “‘Liên minh châu Âu là đồng minh tốt. Chúng tôi yêu Scotland và Đức. Chúng tôi yêu những người bạn tại Eurozone. Những cần mạnh tay hơn." Ông đề cập đến việc châu Âu miễn cưỡng nhập khẩu ô tô và các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt thương mại hơn 200 tỷ USD, một thống kê mà ông coi là thước đo quan trọng về sự công bằng kinh tế.
Crypto
Trump cũng bất ngờ thay đổi quan điểm về thị trường tiền điện tử. Cách đây không lâu, ông đã chỉ trích Bitcoin là một công cụ lừa đảo và một thảm họa đang chực chờ xảy ra. Bây giờ ông nói rằng Bitcoin và các loại tiền điện tử khác nên được sản xuất tại Hoa Kỳ”. Ông chỉ ra rằng: “Nếu chúng ta không làm điều đó, Trung Quốc sẽ tìm ra cách và Trung Quốc sẽ có được crypto - hoặc ai đó khác sẽ có được”.
Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp tiền điện tử – bị Đảng Dân chủ hắt hủi – giờ đây đã tìm được đường đến với Trump. Justin Slaughter, giám đốc chính sách của công ty đầu tư tập trung vào tiền điện tử Paradigm, cho biết: “Phần lớn nhờ vào hành động của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, chính quyền Biden đã trở thành người chống tiền điện tử. Chỉ khoảng 20% đảng viên Đảng Dân chủ sở hữu tiền điện tử, chủ yếu là giới trẻ và không phải người da trắng, điều này là không khôn ngoan về mặt chính trị.” Trump đã hành động để chớp lấy sự ủng hộ, tuyên bố trong một bài phát biểu vào tháng 5 rằng ông sẽ “ngăn chặn chiến dịch nghiền nát tiền điện tử của Joe Biden”. Sau tuyên bố đó, Trump đã nhận được hỗ trợ từ những người khai thác Bitcoin tại buổi gây quỹ ở Mar-a-Lago. Chiến dịch tranh cử của Trump sau đó tuyên bố sẽ “xây dựng một đội quân tiền điện tử” và hiện chấp nhận đóng góp bằng tiền điện tử.
Zerohedge