Trung Quốc: Kế hoạch kích cầu kinh tế hay chỉ là "màn kịch" chính trị?
Trà Giang
Junior Editor
Gần ba tháng qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng những lời nói ấy chưa đi đôi với hành động cụ thể.
Tại cuộc họp Bộ Chính trị cuối tháng 9, lần đầu tiên kể từ năm 2018, Bắc Kinh chuyển trọng tâm sang bàn thảo về các vấn đề kinh tế. Cũng trong sự kiện này, chính phủ cam kết tăng cường chi tiêu tài khóa. Đến cuộc họp tháng 12 vừa qua, thông điệp được nâng tầm khi các nhà hoạch định chính sách hàng đầu tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp “nới lỏng tiền tệ vừa phải” trong năm 2025 – bước ngoặt lớn đầu tiên trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc kể từ năm 2011. Các quan chức cũng hứa sẽ “ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán”, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nhà ở đã bước sang năm suy giảm thứ tư liên tiếp.
Những thay đổi về mặt ngôn từ này là đáng chú ý, nhưng thực tế việc triển khai vẫn luôn đặt ra dấu hỏi lớn. Ngay cả những kỳ vọng lạc quan từ giới quan sát cũng bị dập tắt khi Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương – sự kiện được xem là thiết lập các định hướng kinh tế chủ chốt – chỉ dừng lại ở mức tuyên bố chung chung mà không có thêm chi tiết cụ thể. Thậm chí, chương trình hoán đổi nợ địa phương trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.4 nghìn tỷ USD) công bố vào tháng 11 vừa qua cũng không mang tính kích thích tài khóa thực sự, khi không tạo ra khoản vay mới nào. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh không sẵn sàng thực hiện các gói chi tiêu quy mô lớn do lo ngại nợ công gia tăng.
Sự biến động chỉ số CSI 300 từ 12/2023 đến 10/2024
Bộ máy chính sách của Trung Quốc: Liệu sự chậm trễ có phải là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng
Truyền thống hàng năm của Trung Quốc là công bố các chỉ số kinh tế quan trọng tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn ra vào tháng 3. Tại đây, chính phủ thường công bố các mục tiêu tăng trưởng GDP, mức thâm hụt ngân sách, và các chỉ tiêu kinh tế khác.
Tuy nhiên, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các quy tắc và thông lệ truyền thống đã có nhiều thay đổi. Ông có đã nhiều lần phá vỡ các thông lệ truyền thống trong quá khứ, sẵn sàng đưa ra các quyết định ngoài khuôn khổ thông thường khi ông cho rằng cần thiết.
Một lập luận khác là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang kỳ vọng rằng các tuyên bố lớn nhưng mơ hồ sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý tích cực, giúp khơi dậy "động lực" trong doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó đưa nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy giảm phát. Thực tế, cách tiếp cận này có một số cơ sở nhất định: giá nhà ở tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu đã có dấu hiệu chạm đáy. Thị trường chứng khoán cũng giữ vững đà tăng từ cuối tháng 9 và phản ứng tích cực trước các tin đồn lạc quan, mặc dù các tổ chức kinh tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2025. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index, theo dõi các cổ phiếu lớn nhất của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, đã tăng 8.5% - mức tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 9.
Rủi ro từ hiệu quả bộ máy quản trị
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng bộ máy chính sách từng giúp Trung Quốc đạt thành tựu kinh tế nay không còn duy trì được hiệu quả. Các vấn đề trong nội bộ bộ máy chính trị dường như đang làm giảm năng lực quản trị. Vụ điều tra Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân – người mới nhậm chức một năm sau khi người tiền nhiệm bị sa thải vì tham nhũng – đã làm dấy lên câu hỏi về cách thức Chủ tịch Tập chọn lựa nhân sự chủ chốt. Sự việc tương tự cũng xảy ra với cựu Ngoại trưởng Tần Cương, người bị cách chức sau những cáo buộc về đời sống cá nhân.
Những vấn đề trên có thể là dấu hiệu cho thấy những người nắm quyền cao nhất hiện tại chỉ nổi bật ở sự trung thành và khả năng “nói hay”, thay vì năng lực thực tế. Hệ quả của việc này có thể là rất nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thực đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Mặc dù giá nhà ở các thành phố hạng nhất đã có dấu hiệu ổn định, nhưng phân khúc này chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ - khoảng 4% - trong tổng khối lượng giao dịch bất động sản. Tại hàng trăm thành phố nhỏ hơn, vấn đề cung vượt cầu vẫn nghiêm trọng, với hàng loạt dự án, tòa nhà dang dở – xuất hiện khắp nơi.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc, với giá trị lên đến 10 nghìn tỷ USD, vẫn đang chịu áp lực khi giảm phát kéo dài đè nặng lên sản xuất. Quan trọng hơn, các lời hứa lớn của chính phủ, dù đã được lặp đi lặp lại, vẫn cần được cụ thể hóa bằng hành động thực tế.
Uy tín cá nhân của Chủ tịch Tập Cận Bình đang đứng trước thử thách quan trọng, khi việc giữ lời hứa và xử lý các vấn đề kinh tế sẽ quyết định đến triển vọng phát triển của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay. Khả năng lãnh đạo và cam kết của ông sẽ là yếu tố then chốt để Trung Quốc có thể vượt qua những khó khăn kinh tế đang hiện hữu hay không.
Bloomberg