Trung Quốc loay hoay tìm "phương thuốc" cho nền kinh tế
Quỳnh Chi
Junior Editor
Thị trường bất động sản sụp đổ đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thắt chặt hầu bao và giới kinh doanh ngày càng dè dặt, khi quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi mở cửa nền kinh tế.
Năm 2004, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu nổi lên như một thế lực toàn cầu, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành các cuộc khảo sát trên toàn quốc, nhằm hỏi người dân Trung Quốc rằng liệu họ có cảm thấy khá giả hơn so với 5 năm trước không.
Tỷ lệ người cảm thấy giàu có hơn tăng dần qua các cuộc khảo sát mỗi 5 năm sau đó và tiếp tục tăng vào năm 2014, đạt mức cao nhất là 77%.
Tuy nhiên, đến năm ngoái, khi được hỏi cùng câu hỏi, con số này đã sụt giảm mạnh xuống còn 39%.
Kết quả của cuộc khảo sát có tên "Vươn lên trong Trung Quốc ngày nay: Từ lạc quan đến bi quan" cho thấy một thực tế mới. Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ kể từ khi mở cửa hơn 40 năm trước. Sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ đưa nền kinh tế bùng nổ trở lại, nhưng thực tế chỉ là một tiếng thở dài.
Vài năm trước, Bắc Kinh quyết tâm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào thị trường bất động sản quá nóng - vốn là trụ cột cho tiết kiệm của các gia đình, ngành ngân hàng và tài chính của chính quyền địa phương. Giờ đây, lĩnh vực này lâm vào khủng hoảng. Các nhà phát triển dự án thất bại, để lại các khoản nợ chồng chất, hàng nghìn công trình còn dang dở, hàng loạt căn hộ ế ẩm và tình trạng thất nghiệp lan rộng.
Người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã có thói quen tiết kiệm, nay càng thắt chặt chi tiêu hơn. Các doanh nghiệp vừa trải qua tác động tàn khốc của các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, nay đã buộc phải cắt giảm lương và thu hẹp quy mô tuyển dụng. Hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động đang đối mặt với cơ hội mong manh và triển vọng ảm đạm. Thêm vào đó, dân số Trung Quốc đã sụt giảm hai năm liên tiếp. Ở một đất nước mà phần lớn người dân chỉ quen với sự tăng trưởng thần tốc của nền kinh tế và điều kiện sống ngày càng cải thiện, niềm tin đang dần bị bào mòn.
The NewYork Times