Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và tăng trưởng năm 2023
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Giới đầu tư và công ty Goldman Sachs cảnh báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến sẽ tạo áp lực ngắn hạn đến lực lượng lao động và chuỗi cung ứng
Theo phân tích của các nhà kinh tế tại Goldman Sachs, “tăng trưởng Trung Quốc có thể suy yếu khi việc nhanh chóng nới lỏng các chính sách chống Covid đã dẫn đến số ca nhiễm gia tăng, tình trạng thiếu lao động tạm thời và sự gián đoạn chuỗi cung ứng".
“Trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị mở cửa trở lại, thách thức đối với hệ thống y tế có thể đã gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực nội địa và nông thôn kém phát triển khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới,” các nhà kinh tế của Goldman bao gồm Lisheng Wang và Hui Shan cho biết, đồng thời dự đoán số ca nhiễm của Trung Quốc đại lục sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.
Vào thứ Bảy, nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã tạm ngừng sản xuất do công ty phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid mới trong lực lượng lao động Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 10% vào thứ Ba và tiếp tục dao động quanh mức thấp nhất của năm 2022.
Cổ phiếu các công ty châu Á cung cấp cho Tesla là LG Chem tại Hàn Quốc và Contemporary Amperex Technology của Trung Quốc đã giảm hơn 3% trong phiên Á vào thứ Tư. Cổ phiếu Panasonic của Nhật Bản cũng giảm nhẹ.
Theo các nhà kinh tế, hoạt động sản xuất của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm vào tháng 12 khi Cục Thống kê Quốc gia công bố dữ liệu PMI sản xuất vào thứ Bảy.
Các nhà kinh tế dự đoán chỉ số này sẽ đạt 48, dưới mức 50 ngăn cách giữa tăng trưởng với suy yếu và bằng con số tháng trước.
Áp lực ngắn hạn đối với hệ thống y tế
Goldman Sachs nói thêm rằng việc xoay trục chính sách Zero Covid đột ngột sẽ ảnh hưởng đến hệ thống y tế của Trung Quốc.
“Các định hướng mới là một bước quan trọng trong việc mở cửa trở lại hoàn toàn, nhưng cần thận trọng với những thách thức đang gia tăng của hệ thống y tế Trung Quốc trong thời gian tới,” các nhà kinh tế cho biết.
“Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra nhiều chính sách hơn nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine cho người cao tuổi và cung cấp các nguồn lực y tế khác,” chẳng hạn như giường bệnh trong khoa chăm sóc đặc biệt, thuốc và nhân viên y tế.
Các cơ quan y tế vào đầu tuần này cho biết giường ICU và nguồn lực của quốc gia này sắp hết khi số ca nhiễm tăng cao.
Triển vọng tích cực cho GDP và CNY
Bất chấp những thách thức ngắn hạn khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các nhà kinh tế vẫn có kỳ vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
“Kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2023 được cải thiện có thể ảnh hưởng đến thị trường nhiều hơn các yếu tố bất lợi như suy giảm cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ,” Goldman Sachs cho biết.
Những động thái mới nhất về việc mở cửa trở lại đã khiến công ty này nâng dự báo GDP Trung Quốc cả năm 2023 từ 4.5% lên 5.2% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 1.7% trong quý IV/2022 .
“Mặc dù chúng tôi tin rằng tăng trưởng GDP sẽ tăng lên sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng vẫn còn những khó khăn về tình hình Covid, hành vi của người tiêu dùng và phản ứng của các nhà hoạch định chính sách, từ đó quyết định tốc độ và mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới,” Goldman Sachs cho biết vào ngày 16/12.
Công ty nói thêm rằng các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng tích cực đối với CNY, và họ kỳ vọng đồng tiền này chỉ giảm nhẹ trong năm tới để duy trì mức 6.90 so với USD.
Các hoạt động du lịch quốc tế trở lại
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết các biện pháp mới nhất có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nước xung quanh khi Trung Quốc bình thường hóa việc di chuyển.
Trong một báo cáo ngày 11/12, các nhà kinh tế cho biết Hồng Kông và Singapore có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất, với GDP tăng lần lượt là 2.7% và 1% – ảnh hưởng của việc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước và hỗ trợ GDP Trung Quốc tăng 5%.
Các nền kinh tế Đài Loan, Úc và Malaysia cũng sẽ tăng vừa phải, khoảng 0.4%.
Iris Pang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING, hy vọng các chuyến du lịch đến Trung Quốc đại lục sẽ hoạt động trở lại vào dịp lễ Phục sinh.
“Tác động tích cực của việc nới lỏng các biện pháp này không chỉ với khách du lịch quốc tế,” bà Pang nói.
Bà cho biết sự gia tăng lượng khách du lịch quốc tế nói chung sẽ thúc đẩy các ngành liên quan, chẳng hạn như hàng không, khách sạn và dịch vụ ăn uống.
“VIệc nới lỏng các chính sách cũng có thể làm giảm mức độ lo lắng về Covid của người dân và dần dần họ sẽ không coi Covid là mối đe dọa lớn – điều này sẽ làm tăng nhu cầu di chuyển trong nước từ quý I/2023, và do đó, ảnh hưởng đến cả tiêu dùng,” bà Pang nói.
CNBC