Tương lai của Bitcoin và thị trường tiền mã hóa
Bitcoin, Tether
(Tung Trinh tổng hợp từ Bloomberg Intelligence)
Xu hướng tăng của Bitcoin cũng như sự mở rộng vốn hóa của Tether - đồng stablecoin ngang giá Dollar Mỹ, đang ngày càng bền vững, điều này cũng là yếu tố khiến hàng ngàn đồng tiền mã hóa khác có nguy cơ trở thành rác. Trái ngược với Bitcoin có độ biến động giá cao và nhắm tới đầu cơ tăng giá cũng như thu hút sự chấp nhận rộng rãi của thị trường, đồng Tether có mục đích sử dụng thuần túy hơn nhờ tính bình ổn của nó.
1. Bitcoin - nơi cất giữ giá trị. Tether - phương tiện trao đổi thanh toán
Trong số các đồng tiền mã hóa, Bitcoin đứng đầu về đặc tính cất giữ giá trị, đây là yếu tố ủng hộ cho Bitcoin tăng giá và được so sánh như phiên bản điện tử của vàng, còn Tether luôn được biết đến là phương tiện trao đổi phổ biến nhất.
Kể từ cuối năm 2018, giá Bitcoin đã tăng 120%, còn vốn hóa Tether tăng tới 140%, trong khi chỉ số hiệu suất thị trường tiền mã hóa Bloomberg Galaxy Crypto Index chỉ tăng chưa đầy 20%.
2. Nguồn cung lớn tác động tới giá tiền mã hóa
Nguồn cung quá mạnh cũng đang là một yếu tố tác động lớn tới giá của tiền mã hóa nói chung. Nhưng đối với Bitcoin, nguồn cung của đồng coin này lại bị giới hạn ở 21 triệu coin và đã được đào gần hết, cộng thêm việc nhận được sự chấp nhận rộng rãi từ người dùng sẽ là yếu tố quan trọng tác động tới cấu thành giá Bitcoin.
Biểu đồ dưới đây thể hiện tương quan giữa số lượng tiền mã hóa được thống kê trên Coinmarketcap, và chỉ số MVIS Cryptocompare Digital Assets – Chỉ số thể hiện hiệu suất của 100 loại tiền mã hóa trong nhóm vốn hóa trung bình. Vào tháng 1 năm 2020, có thể thấy khi tổng số tiền mã hóa vượt con số 5,000 cũng là lúc hiệu suất MVIS ở mốc thấp nhất. Tuy nhiên chỉ số hiệu suất lại phân kỳ với giá của Bitcoin, kể từ năm 2017 tới nay, khi chỉ số này giảm 70% thì Bitcoin vẫn tăng 200% giá trị
3. Hash rate đang phản ánh ưu thế vốn hóa của Bitcoin
Hash rate hay còn gọi là tỷ lệ băm, là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị dùng để khai thác (đào) các đồng tiền mã hóa.
Trong khảo sát của Digital Asset, trong hầu hết năm 2018, giá Bitcoin và Bitcoin hashrate có sự tương quan âm. Trong khi giá có xu hướng giảm thì Bitcoin hashrate lại thể hiện xu hướng tăng. Tuy nhiên, sự tương quan này đã bắt đầu đổi chiều kể từ cuối năm 2018. Theo thời gian, giá Bitcoin và Bitcoin hash rate càng cho thấy sự tương quan dương mạnh mẽ hơn. Tỷ lệ hash rate tăng thể hiện ưu thế vốn hóa và sự chấp nhân rộng rãi của thị trường đối với Bitcoin.
Nhìn trên biểu đồ, có thể thấy hash rate của Bitcoin tăng đều đặn và chạm mức cao kỷ lục. Trong khi hash rate của Etherium – đồng tiền có vốn hóa đứng thứ 2 trên Coinmarketcap đã giảm 40% so với đỉnh 2018, chung tình trạng với hầu hết các đồng coin khác.
4. Bitcoin gia nhập thị trường tương lai và quyền chọn, bước đệm tiến tới ETF
Sự gia tăng số lượng hợp đồng mở (open interest) Bitcoin trên thị trường tương lai là tín hiệu cho thấy sự trưởng thành của đồng coin cũng như chấp nhận rộng rãi hơn từ phía thị trường. Đây là nhân tố mở đường cho Bitcoin trở thành phiên bản điện tử của vàng. Đối với tài sản có nguồn cung chạm đỉnh như Bitcoin, sự chấp nhận của thị trường là yếu tố cơ bản trong cấu thành giá. Biểu đồ của chúng tôi cho thấy số lượng hợp đồng mở của Bitcoin gần đây đang tăng mạnh và tiến tới đỉnh của năm 2018, sau khi sản phẩm quyền chọn Bitcoin ra mắt thị trường. Khả năng thanh khoản của tài sản cơ sở là điều kiện tiên quyết để hình thành nên hợp đồng quyền chọn.
Bước đi tiềm năng tiếp theo của Bitcoin là ra mắt chứng chỉ quỹ ETF Bitcoin phái sinh, một dạng quỹ hoán đổi danh mục theo dõi giá trị Bitcoin giao dịch trên thị trường tương lai. Tuy nhiên ETF Bitcoin vẫn đang vấp phải rào cản lớn về pháp lý và chưa được sự chấp thuận của ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), do khối lượng lớn Bitcoin đang được giao dịch trên các sàn chưa được SEC cấp phép.
Hiện nay chỉ có hợp đồng tương lai Bitcoin được chấp thuận và giao dịch trên sàn CME, được ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ (CFTC) cấp phép, với khối lượng trung bình 240 triệu Dollar Mỹ hàng tháng, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
5. Bitcoin tăng trong biên độ giá thiết lập từ năm 2019
Rất có thể Bitcoin sẽ trải qua một năm nữa dao động tích lũy trong biên độ, nhưng vẫn có cơ hội lớn cho đồng coin này tăng giá. Hiện tại giá Bitcoin đang trong xu hướng tăng trung hạn và hướng tới mốc 14,000 Dollar Mỹ, đỉnh của năm 2019.
Biểu đồ của chúng tôi sử dụng số địa chỉ ví Bitcoin hoạt động trung bình trong 30 ngày làm thước đo lực cầu của thị trường, chỉ số này đang ở mức ổn định và tương đương với thời điểm giá Bitcoin trên 7,000 Dollar năm 2019.
Bên cạnh đó, chúng tôi thống kê được rằng lực cung của Bitcoin ra thị trường sẽ giảm dần và tới năm 2021 sẽ chỉ còn dưới 2%. Tổng số Bitcoin đào được cho tới cuối năm 2019 ở mức 18.1 triệu coin và đang tiệm cận với giới hạn 21 triệu coin.
6. Lực cung gần đạt đỉnh cùng lực cầu tăng đang ủng hộ giá Bitcoin
Nhân tố cơ bản đang ủng hộ đà tăng của Bitcoin là nguồn cung bị giới hạn, đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Bitcoin với hầu hết các đồng tiền mã hóa khác. Sự chấp thuận ngày càng rộng rãi của thị trường là nhân tố thứ hai tác động tới cán cân cung cầu, và giúp đồng tiền mã hóa đứng trước cơ hội lớn trở thành vàng phiên bản điện tử. Đối với một tài sản non trẻ như Bitcoin, nhiều nhận định và kỳ vọng của nhà đầu tư có thể đi chệch hướng, nhưng chỉ cần giữ vững hai yếu tố cơ bản: sự chấp nhận của thị trường và nguồn cung giới hạn, giá Bitcoin rất có thể sẽ duy trì ổn định và tiếp tục tăng.
Để so sánh Bitcoin với thị trường tiền mã hóa nói chung, chúng tôi sử dụng biểu đồ tổng hợp, trong đó tổng số lượng tiền mã trên Coinmarketcap.com được thể hiện trên đường parabol ngày càng dốc lên, còn đường cong lực cung của Bitcoin lại tăng chậm dần và tiệm cận giới hạn 21 triệu coin. Nguồn cung dồi dào có thể là nhân tố khiến hiệu suất của thị trường nói chung, thể hiện qua chỉ số Bloomberg Galaxy Crypto Index đang ở mức tiêu cực hơn so với Bitcoin.