Tỷ giá hối đoái là gì?
Đức Nguyễn
FX Strategist
Tỷ giá hối đoái (đôi khi gọi tắt là tỷ giá) thường được hiểu là giá cả của một đồng tiền được biểu hiện thông qua một đồng tiền khác. Đây là tỷ lệ trao đổi, quy đổi, chuyển đổi giữa các đồng tiền, về thực chất là so sánh tương quan sức mua của các đồng tiền đó với nhau.
Tỷ giá hối đoái (đôi khi gọi tắt là tỷ giá) thường được hiểu là giá cả của một đồng tiền được biểu hiện thông qua một đồng tiền khác. Đây là tỷ lệ trao đổi, quy đổi, chuyển đổi giữa các đồng tiền, về thực chất là so sánh tương quan sức mua của các đồng tiền đó với nhau.
Ví dụ: Tại thời điểm ngày 20/02/2024 tỷ giá hối đoái của USD là 24.535 VND. Điều đó có nghĩa 1 USD có thể đổi được 24.535 VND.
Tỷ giá hối đoái được hình thành dựa trên quy luật cung cầu của thị trường, có sự quản lý và điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi bạn đến các quầy giao dịch tại ngân hàng, bạn sẽ thường xuyên thấy có 2 loại tỷ giá hối đoái là tỷ giá mua và tỷ giá bán.
Tỷ giá mua luôn cao hơn tỷ giá bán một lượng nhất định. Điều này có nghĩa rằng ngân hàng luôn thu mua ngoại tệ với giá rẻ hơn mà ngân hàng bán ra. Khoản chênh lệch này chính là tiền lãi mà ngân hàng kiếm được từ dịch vụ của mình.
Ví dụ: Tỷ giá hối đoái USD vào ngày 20/02/2024 có tỷ giá mua là 24.400 VND và tỷ giá bán là 24.700 VND. Như vậy, khi bán 1 USD cho ngân hàng thì bạn sẽ nhận được 24.400 VND (theo tỷ giá mua). Ngược lại, nếu mua 1 USD từ ngân hàng thì bạn phải bỏ ra số tiền là 24.700 VND (theo tỷ giá bán). Lúc này, khoảng chênh lệch 300 đồng chính là tiền lãi mà ngân hàng kiếm được.
Phân loại tỷ giá hối đoái
Theo cách xác định tỷ giá
- Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: là tỷ giá hối đoái được xác định không xét đến tương quan sức mua giữa hai đồng tiền và lạm phát giữa hai nước.
- Tỷ giá hối đoái thực: là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh theo sự thay đổi trong tương quan giá cả hàng hóa của nước có đồng tiền yết giá và giá cả hàng hóa của nước có đồng tiền định giá, phản ảnh giá cả hàng hóa tương quan có thể bán ra nước ngoài và hàng tiêu thụ trong nước. Tỷ giá này đại diện cho khả năng cạnh tranh quốc tế của nước đó.
Dựa vào hình thức ngoại tệ mua bán
- Tỷ giá tiền mặt: là tỷ giá dùng để tiến hành giao dịch mua bán ngoại tệ tiền mặt.
- Tỷ giá chuyển khoản: là tỷ giá áp dụng trong các giao dịch mua bán ngoại tệ chuyển khoản.
Dựa vào thời điểm mua bán ngoại tệ
- Tỷ giá mở cửa: là tỷ giá áp dụng khi thực hiện mua, bán món ngoại tệ đầu tiên vào giờ đầu giao dịch trong ngày trên các thị trường hối đoái.
- Tỷ giá đóng cửa: là tỷ giá áp dụng khi mua, bán món ngoại tệ cuối cùng trong ngày giao dịch trên các thị trường hối đoái.
Dựa vào phương thức mua bán, giao nhận ngoại tệ
- Tỷ giá kì hạn (Forward rate): là tỷ giá được thỏa thuận ngày hôm nay cho việc chuyển tiền giao dịch vào một ngày xác định trong tương lai.
- Tỷ giá giao ngay (Spot rate): là tỷ giá được thỏa thuận ngày hôm nay, nhưng việc thanh toán xảy ra trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo (T+2).
Dựa vào chế độ quản lý ngoại hối
- Tỷ giá chính thức: là tỷ giá do NHTW công bố và được áp dụng tính thuế xuất nhập khẩu; cơ sở để NHTM xác định tỷ giá kinh doanh trong biên độ cho phép...
- Tỷ giá thị trường: do các NHTM và sở giao dịch công bố hàng ngày.
tỷ giá thị trường = tỷ giá NHNN công bố + yếu tố liên quan trực tiếp đến kinh doanh
- Tỷ giá chợ đen: tỷ giá này hình thành từ các hoạt động mua bán ngoại tệ, ngoại hối lén lút để tránh sự kiểm soát của Nhà nước.
Các chế độ tỷ giá hối đoái
Nhìn chung, có 3 chế độ tỷ giá hối đoái điển hình trên thị trường là: tỷ giá cố định, tỷ giá thả nổi và tỷ giá thả nổi có điều tiết.
Tỷ giá cố định (Fixed Exchange Rate)
Chế độ tỷ giá cố định (tỷ giá neo) là chế độ mà tỷ giá được giữ ổn định; thậm chí là cố định trong một thời gian dài. Thông thường, ở đây tỷ giá chính thức do nhà nước quy định và được giữ ở mức cố định trong một khoảng thời gian dài.
Chế độ tỷ giá này góp phần tạo ra sự ổn định tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy thế, nếu tỷ giá được giữ cố định quá lâu sẽ không còn phù hợp với thực tế, dễ phát sinh tỷ giá ngầm.
Ví dụ: Khi VND mạnh hơn sẽ góp phần làm cho USD bị mất giá. Giả sử, lúc này 1 USD chỉ có thể đổi được 20.000 VND thay vì 23.000 VND như trước. Trong khi đó, chính phủ Việt Nam lại muốn tỷ giá này cố định ở mức 1 USD = 23.000 VND. Vậy nên, chính phủ sẽ thực hiện một số hành động để cân bằng lại tỷ giá giữa USD và VND.
Tỷ giá thả nổi (Floating Exchange Rate)
Chế độ tỷ giá thả nổi (tỷ giá linh hoạt) là chế độ mà tỷ giá dễ dàng biến động theo những tác động của thị trường. Hiểu một cách đơn giản thì tỷ giá thả nổi phụ thuộc hoàn toàn vào quy luật cung cầu. Nhà nước sẽ không can thiệp vào sự thay đổi của tỷ giá với bất kỳ hình thức nào.
Song, vì là linh hoạt nên chúng rất dễ biến động và có thể xảy ra những cơn “sốc” tỷ giá, thậm chí kéo theo là khủng hoảng tài chính - tiền tệ.
Ví dụ về tỷ giá thả nổi: Mỹ quyết định mua 1000 tấn cá của Việt Nam. Vì vậy, Mỹ phải đổi một số lượng lớn USD thành VND để trả tiền cho ngư dân Việt Nam. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu VND trên thị trường. Từ đó thúc đẩy VND tăng giá và trở nên mạnh hơn.
Lưu ý rằng trong trường hợp này, nhà nước Việt Nam sẽ không có bất kỳ động thái nào để can thiệp đến sự thay đổi của tỷ giá.
Tỷ giá thả nổi có điều tiết (Manage Exchange Rate)
Đây là một chế độ tỷ giá đặc biệt được kết hợp từ 2 chế độ trước. Tức là vừa thả nổi nhưng lại vừa có sự can thiệp của nhà nước. Sự can thiệp này nhằm ngăn chặn các cơn “sốc” tỷ giá bằng các biện pháp:
Can thiệp vào thị trường ngoại hối lúc cần thiết;
Quy định biên độ dao động tỷ giá.
Vậy nên, trong thực tế hầu hết các quốc gia sẽ áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có sự can thiệp, điều tiết của Chính phủ.
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng như thế nào đến các quan hệ kinh tế quốc tế?
Ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu
Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia hay có thể nói bao quát hơn là cả nền kinh tế của quốc gia đó.
Nếu tỷ giá tăng nhẹ, tức đồng nội tệ giảm giá nhẹ so với các đồng ngoại tệ, lúc này hàng hóa trong nước có giá rẻ hơn tương đối với giá thế giới, mặc dù giá tuyệt đối không thay đổi. Từ đó sẽ có tác động khuyến khích xuất khẩu.
Ngược lại, nếu tỷ giá giảm nhẹ, tức đồng nội tệ tăng giá nhẹ so với các đồng ngoại tệ, hàng hóa trong nước bị đắt lên tương đối, nên sẽ khuyến khích nhập khẩu.
Để dễ hiểu hơn thì bạn cần phải biết khi nào một đồng tiền sẽ trở nên mạnh hơn và ngược lại. Người ta sẽ nói đồng USD mạnh hơn khi đồng tiền này có thể đổi được nhiều VND hơn. Ví dụ, thay vì 1 USD = 23.000 VND thì nó đã có thể đổi được 25.000 VND. Lúc này, ta nói đồng USD đã trở nên mạnh hơn. Ngược lại, USD sẽ yếu hơn khi nó đổi được ít VND hơn.
Sự mạnh lên của đồng đô la Mỹ tạo lợi thế cho việc nhập khẩu vào Mỹ, vì sản phẩm của Việt Nam sẽ có giá cả phải chăng hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, khuyến khích họ tăng cường chi tiêu cho hàng hóa từ Việt Nam. Trái lại, một đồng đô la yếu sẽ hỗ trợ việc xuất khẩu làm giảm giá sản phẩm Mỹ trên thị trường quốc tế, thu hút khách hàng nước ngoài mua sắm nhiều hơn.
Ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài
Nếu tỷ giá tăng nhẹ, các đồng ngoại tệ sẽ tăng giá nhẹ so với đồng nội tệ, nên có lợi cho các dòng vốn ngoại tệ đầu tư vào, từ đó khuyến khích thu hút vốn quốc tế đầu tư vào. Ngược lại, nếu tỷ giá giảm nhẹ sẽ không khuyến khích thu hút vốn đầu tư quốc tế vào, mà khuyến khích các dòng vốn đầu tư ra.
Ảnh hưởng tới nợ nước ngoài và dịch vụ thu ngoại tệ của các quốc gia
Khi đồng tiền giảm giá làm cho số nợ của quốc gia tính bằng ngoại tệ tăng lên và ngược lại khi đồng tiền quốc gia tăng giá sẽ làm giảm số nợ của quốc gia.
Đối với thu nhập từ các nguồn ngoại hối như du lịch, một đồng tiền yếu hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế, vì họ có thể mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn với số tiền của mình. Điều này khuyến khích lượng khách du lịch tới quốc gia đó tăng lên.
Trong khi đó, một đồng tiền mạnh hơn có thể làm giảm sự hấp dẫn của quốc gia đối với du khách quốc tế, vì chi phí cho các hàng hóa và dịch vụ tại đó sẽ tăng lên, dẫn đến việc họ tiêu dùng ít hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái
Chênh lệch tỷ lệ lạm phát giữa các đồng tiền
Tỷ lệ lạm phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các đồng tiền. Vì vậy, trong một khoảng thời gian nhất định nếu hai đồng tiền nào đó có tỷ lệ lạm phát không giống nhau, giả sử các yếu tố khác không thay đổi thì tương quan sức mua giữa chúng thay đổi, tức là, tỷ giá đã thay đổi.
Đồng tiền nào có tỷ lệ lạm phát càng cao thì càng bị mất giá hơn so với đồng tiền kia và ngược lại.
Sự biến động của cung - cầu ngoại tệ
Trên thị trường ngoại hối của các quốc gia, tỷ giá chính là giá cả của các loại ngoại hối, mà chủ yếu là ngoại tệ, được đưa ra mua bán. Lúc này ngoại tệ là “hàng hóa”, tỷ giá là “giá cả” của ngoại tệ. Giá cả của bất cứ hàng hóa nào cũng đều phụ thuộc vào cung - cầu của hàng hóa đó.
Khi sức mua cao hơn khả năng cung cấp sẽ dẫn tới giá cả tăng, tỷ giá hối đoái sẽ tăng và ngược lại.
Sự can thiệp của Nhà nước
Thông thường, Nhà nước cũng là một nhân tố chủ quan tác động không nhỏ đến sự tăng, giảm hay ổn định tỷ giá. Sự can thiệp đó thường theo các chiều hướng sau:
Can thiệp để giữ tỷ giá ổn định trong một thời gian dài: Sự can thiệp này thể hiện rõ nét nhất khi Nhà nước chủ trương thực hiện chính sách tỷ giá cố định.
Và nhiều khi Nhà nước đã áp dụng các biện pháp chủ quan để can thiệp vào thị trường ngoại hối như: quy định biên độ dao động tỷ giá thấp; bán ngoại tệ ra với giá thấp khi tỷ giá có xu hướng tăng cao để kéo tỷ giá xuống; hoặc mua ngoại tệ vào với giá cao khi tỷ giá có xu hướng giảm thấp để kéo tỷ giá lên.....
Phá giá nội tệ: Đây là giải pháp mặc dù không phổ biến nhưng chính phủ của một số quốc gia vẫn chủ trương thực hiện.
Nội dung chính của giải pháp này là khi chính phủ bị lâm vào tình trạng bội chi NSNN một cách trầm trọng mà với các giải pháp đã có hầu như không thể xử lý được, lúc này chính phủ buộc phải phát hành một khối lượng lớn nội tệ vào lưu thông để bù đắp thiếu hụt NSNN và đồng thời tuyên bố phá giá đồng nội tệ.
Với động thái này, ngay lập tức tỷ giá có sự tăng lên đột biến thêm 10, 15, 30%...; thậm chí còn cao hơn nữa tuỳ theo khối lượng nội tệ được phát hành vào lưu thông và sự tác động kéo theo của các yếu tố khác.
Tâm lý dân chúng
Thông thường ở những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao và diễn ra thường xuyên trong một khoảng thời gian dài, tức là đồng nội tệ giảm giá nhanh và liên tục thì sẽ gây ra tâm lý thiếu tin tưởng vào đồng nội tệ của dân chúng.
Với tâm lý này, mọi người đều có xu hướng chối bỏ việc nắm giữ nội tệ, mà thay vào đó là tìm mọi cách để nắm giữ các loại hàng hóa có giá trị, vàng bạc, ngoại tệ... Trong đó, nhu cầu về nắm giữ ngoại tệ, đặc biệt là một vài đồng ngoại tệ mạnh nhiều khi là rất lớn.
Động thái này đã đẩy cầu về ngoại tệ tăng vọt một cách giả tạo, thị trường luôn rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ, kéo theo là tỷ giá bị đẩy lên cao.
Sự thay đổi lãi suất của các đồng tiền
Khi lãi suất của một quốc gia tăng tương đối so với các nước khác (trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi) sẽ làm nhu cầu về đồng tiền nội tệ của quốc gia đó tăng lên, dẫn đến tỷ giá hối đoái giữa đồng ngoại tệ so với đồng nội tệ giảm đi.
Ví dụ: Năm 2008, lãi suất huy động của tiền gửi ngân hàng ở Việt Nam tăng mạnh dẫn đến tỷ giá giữa USD và VND cũng giảm mạnh. Tỷ giá USD/VND có lúc tăng đến mức 19.000, nhưng do ảnh hưởng của cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi và giảm mạnh lãi suất tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã làm cho tỷ giá này giảm xuống còn 16.600.
Việc điều chỉnh lãi suất của một số đồng tiền còn gây ra tác động lớn về mặt tâm lý trên thị trường tiền tệ quốc tế. Ví như, khi FED của Mỹ công bố điều chỉnh lãi suất đồng USD, thì ngay sau đó các trung tâm giao dịch tiền tệ quốc tế lớn đã có những phản ứng tức thời thông qua tỷ giá của các đồng tiền khác so với USD tuỳ lãi suất được điều chỉnh tăng hay giảm.
Nạn đầu cơ tiền tệ quốc tế
Có những người kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ đã áp dụng biện pháp đầu cơ lũng đoạn tiền tệ để kiếm lời bất chính.
Hậu quả của nạn đầu cơ tiền tệ quốc tế là gây ra cơn sốc, thậm chí là khủng hoảng về tỷ giá, đồng nội tệ bị phá giá mạnh mẽ và tổn thương nặng nề. Thông thường, nạn đầu cơ này cũng tạo ra tâm lý dân chúng và cuối cùng chúng cộng hưởng với nhau, đẩy đất nước tới một cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ sâu sắc và toàn diện với hậu quả khôn lường.
Trong đó điển hình nhất là cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á xảy ra vào ngày 02/07/1997 tại Thái Lan, mà một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra là sự đầu cơ tiền tệ của nhà tỉ phú người Mỹ George Soros, một chuyên gia hàng đầu về đầu cơ quốc tế trên lĩnh vực tiền tệ.
Các yếu tố khác
Tình trạng dư thừa, thiếu hụt cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế là bảng thống kê ghi lại các khoản thu, chi bằng tiền của một nước với thế giới bên ngoài. Có thể được lập cho một thời điểm hay cho một năm.
Sự dư thừa cán cân thanh toán quốc tế (surplus) cũng đồng nghĩa với nguồn cung ngoại tệ tăng, do đó tỷ giá có xu hướng ổn định và có khả năng giảm (đồng nội tệ mạnh lên).
Sự thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (deficit) ngược lại sẽ làm tăng cầu về ngoại tệ và do đó tỷ giá hối đoái tăng (đồng nội tệ yếu đi).
Những yếu tố tác động đến cán cân thanh toán có thể là các yếu tố tác động đến cán cân thương mại (xuất khẩu hay nhập khẩu), hay các yếu tố tác động đến cán cân vốn (đầu tư, vay nợ)...
Thu nhập GNP thực tế tăng lên
Thu nhập quốc dân tăng lên, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì có thể làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cũng như nhu cầu tiêu dùng hàng ngoại (du lịch nước ngoài, du học nước ngoài...) do đó làm tăng nhu cầu ngoại tệ dẫn đến có thể làm cho giá ngoại tệ tăng.
Mẹo đọc tỷ giá hối đoái
Giá Bid và giá Ask là hai mức giá được nhìn dưới góc nhìn của nhà môi giới. Các nhà giao dịch mua ở giá Ask và bán ở giá Bid.
Đồng tiền yết giá là đồng tiền đầu tiên trong cặp tỷ giá, còn đồng tiền định giá là đồng tiền thứ hai.
Thay đổi nhỏ nhất đối với các cặp tiền không có đồng Yên Nhật (JPY) là 1 pip (thay đổi một chữ số ở vị trí thập phân thứ tư của giá niêm yết (thay đổi một chữ số ở vị trí thập phân thứ hai đối với các cặp có đồng JPY).
Chênh lệch (Spread) là khoản lỗ ban đầu (chi phí) mà các nhà giao dịch thấy rõ trong một giao dịch.
dubaotiente.com