USD - Đồng Đô la Mỹ
Đức Nguyễn
FX Strategist
Đồng đô la Mỹ (USD) là đồng tiền định danh chính thức của Hoa Kỳ. Đồng thời, đây cũng là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trong thương mại toàn cầu và là đồng tiền dự trữ chính của thế giới.
Đồng USD là gì?
USD là đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ
USD là tên viết tắt của Đồng đô la Mỹ, đơn vị tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ cũng như nhiều vùng lãnh thổ và khu vực khác. Ký hiệu phổ biến nhất cho đơn vị này là dấu $. Đồng USD còn được biết đến rộng rãi với một số cái tên khác như Green, Buck,...
USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Theo cuộc khảo sát ba năm một lần năm 2022 do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thực hiện, USD chiếm 88% tổng khối lượng giao dịch ngoại hối toàn cầu.
USD cũng đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu, được các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia sử dụng để dự trữ như một tài sản an toàn giúp cho họ có thể linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định tỷ giá.
USD gồm 2 loại là tiền kim loại và tiền giấy
Tiền kim loại được đúc bởi Sở đúc tiền Hoa Kỳ (United States Mint). Hiện nay đang được lưu hành có tiền kim loại 1¢ (penny), 5¢ (nickel), 10¢ (dime), 25¢ (quarter), 50¢ (nửa đô la, không thịnh hành) và $1 (không thịnh hành).
Tiền giấy được in bởi Cục Khắc và In (Bureau of Engraving and Printing) cho Cục Dự trữ Liên bang. Tiền giấy được in thành các mệnh giá $1, $2, $5, $10, $20, $50, và $100. Tuy nhiên cũng có thời gian tiền Hoa Kỳ gồm có năm loại có mệnh giá lớn hơn, gồm có $500, $1.000, $5.000, $10.000 và $100.000.
USD được quản lý bởi Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve)
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm điều hành và quản lý đồng USD nhằm tạo ra một hệ thống tài chính tiền tệ ổn định, linh hoạt cho nước Mỹ. Nhiệm vụ chung của Fed là thiết lập chính sách tiền tệ và giám sát hoạt động kinh tế, để mục tiêu cuối cùng là phục vụ lợi ích quốc gia.
Fed có thể ảnh hưởng đến giá trị của USD thông qua những thay đổi trong kỳ vọng lãi suất, khiến USD tăng hoặc giảm so với các đồng tiền khác.
Ví dụ, nếu thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất, USD nhiều khả năng sẽ tăng do lãi suất cao thường là yếu tố có lợi cho đồng tiền. Ngược lại, kỳ vọng Fed giảm lãi suất có thể gây áp lực giảm lên USD.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan giám sát các hoạt động thị trường mở của Hệ thống Dự trữ Liên bang, sẽ đặt mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) tại các cuộc họp của FOMC. Đây là mức lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng, FOMC có thể ảnh hưởng đến lãi suất này theo ba cách chính:
- Nghiệp vụ thị trường mở: Đây là việc mua và bán trái phiếu chính phủ để điều tiết lượng cung tiền trong nền kinh tế. Khi Fed mua vào trái phiếu chính phủ, một lượng tiền lớn được đưa vào lưu thông, cung tiền tăng, lãi suất sẽ giảm. Ngược lại, bán trái phiếu làm giảm cung tiền tệ với mục đích tăng lãi suất.
- Lãi suất chiết khấu: Đây là lãi suất mà các ngân hàng phải trả để vay tiền từ Fed. Khi lãi suất này thấp hơn, thì nhiều khả năng lãi suất quỹ liên bang cũng sẽ thấp hơn.
- Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đây là khoản tiền Fed quy định các ngân hàng thành viên phải dự trữ dựa trên số tiền đã huy động được. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, lượng tiền các NHTM có thể cho vay giảm và phải yêu cầu mức lãi suất cao hơn. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, các ngân hàng có thể cho vay nhiều tiền hơn và yêu cầu lãi suất thấp hơn.
USD có tầm ảnh hưởng quốc tế đáng kể
USD là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong giao dịch quốc tế, khoảng 60% giá trị thương mại toàn cầu được định giá bằng đồng USD nên mọi thay đổi dù là nhỏ nhất của giá trị USD cũng có ảnh hưởng lớn đối với thị trường tài chính quốc tế bao gồm thị trường ngoại hối, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, Fed là cơ quan duy nhất có quyền in, phát hành và điều chỉnh lãi suất USD nên các quyết định trong chính sách tiền tệ của Fed cũng có ảnh hưởng đến lãi suất, đến việc vay mượn, đầu tư quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Sức mạnh của đồng USD được đo lường bằng chỉ số DXY
Chỉ số DXY từ năm 1999 đến nay
Chỉ số DXY là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền của những quốc gia đang là đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm: Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Bảng Anh (GBP), Dollar Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sĩ (CHF), trọng số như sau:
Đồng tiền | Trọng số | Quốc gia/Khu vực |
EUR | 57.60% | Eurozone |
JPY | 13.60% | Nhật Bản |
GBP | 11.90% | Anh |
CAD | 9.10% | Canada |
SEK | 4.20% | Thụy Điển |
CHF | 3.60% | Thụy Sĩ |
Từ trọng số trên có thể thấy EUR có tầm quan trọng hơn hẳn so với các đồng tiền còn lại. EUR có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số DXY bởi các nước Châu Âu là những đối tác thương mại chính và lớn nhất của Mỹ.
Chỉ số DXY có mức cơ sở là 100.00. Nếu DXY đạt giá trị 120, điều này có nghĩa rằng USD đã tăng giá 20% so với rổ tiền tệ. Nói một cách đơn giản, DXY tăng, đồng nghĩa với việc sức mạnh hoặc giá trị của USD tăng so với các loại tiền tệ khác. Ngược lại, nếu DXY ở giá trị 80, có nghĩa là nó đã giảm giá 20%.
Lịch sử hình thành và phát triển của USD
Giai đoạn từ thế kỷ 16 - giữa thế kỷ 19, đồng USD đầu tiên được ra đời
USD lần đầu tiên được thiết lập như một loại tiền tệ quốc gia là dựa trên đồng đô la Tây Ban Nha, đồng tiền mà đã được sử dụng ở các thuộc địa Bắc Mỹ của Vương quốc Anh trong hơn 100 năm trước Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Đến năm 1792, Đạo luật đúc tiền mới của Quốc hội đã xác lập USD là đơn vị tiền tiêu chuẩn của đất nước, đồng thời Sở đúc tiền Hoa Kỳ được thành lập đã phát hành đồng đô la đầu tiên. Các đồng tiền này được đúc dựa trên hình thức của đồng xu 8 đô la hoặc đồng đô la Tây Ban Nha, và chúng được lưu hành rộng rãi khắp châu Mỹ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19.
Những đồng xu Mỹ này được làm với hàm lượng bạc tương tự như các đồng bạc được đúc ở Mexico và Peru, đồng thời chúng được lưu hành song song ở Hoa Kỳ cùng với đồng xu Tây Ban Nha và đồng peso của Mexico. Tuy nhiên, sau Đạo luật đúc tiền năm 1857, cả đồng đô la Tây Ban Nha và đồng peso Mexico đều bị loại khỏi lưu thông dưới dạng tiền tệ hợp pháp ở Mỹ.
Mặt khác, chính phủ Mỹ đã không phát hành tiền giấy chính thức cho đến năm 1861. Khi Nội chiến bắt đầu, chính phủ cần tiền để tài trợ cho chiến tranh, đã thông qua Đạo luật ngày 17 tháng 7 năm 1861, cho phép Bộ Tài chính in và lưu hành tiền giấy. Những tờ tiền này còn được gọi là “đồng bạc xanh” vì màu xanh lục của chúng.
Giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 - thế kỷ 20, USD gắn với bản vị vàng
Vào cuối thế kỷ 19, việc phát hiện ra các mỏ bạc lớn ở miền Tây Hoa Kỳ đã tạo ra một cuộc tranh cãi chính trị, khi mà lượng bạc đổ vào lớn, giá trị nội tại của bạc trong đồng tiền của quốc gia có thể giảm mạnh. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Hoa Kỳ đã chuyển sang chế độ bản vị vàng, biến cả vàng và bạc trở thành đồng tiền đúc hợp pháp của Hoa Kỳ.
Duy trì chế độ này đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã trở thành một cường quốc mạnh nhất thế giới về ngoại thương, và là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới (chiếm khoảng ¾ tổng dự trữ vàng của toàn bộ thế giới). Đây cũng chính là yếu tố tạo nên thế mạnh cho đồng đô la Mỹ trên trường quốc tế, từ đó đưa đồng tiền này lên thành đồng tiền chủ chốt của thế giới.
Đến tháng 7 năm 1944, Hiệp định Bretton Woods được ký kết, trong đó các nước thành viên cam kết sẽ giữ cho tỷ giá của đồng tiền của mình ổn định so với đồng đô la Mỹ và do đó được liên kết gián tiếp với bản vị vàng. Trong giai đoạn này, đồng đô la Mỹ giữ vai trò đồng tiền mạnh, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế quan trọng, và được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế.
Giai đoạn từ cuối thế kỷ 20 - nay, giá trị USD được thả nổi
Hệ thống Bretton Woods đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát và thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đô la Mỹ. Cuối cùng, Hoa Kỳ đã phải rút khỏi hệ thống Bretton Woods cho phép giá trị đồng đô la Mỹ được thả nổi.
Đồng đô la ngay lập tức bị mất giá sau đấy. Các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách khôi phục lại hệ thống Bretton Woods bằng một hiệp định có tên gọi Hiệp định Smithson năm 1971, nhưng cố gắng này đã thất bại. Năm 1973, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chấp thuận cho phép tỷ giá hối đoái nước họ thả nổi.
dubaotiente.com