Vàng giờ đây như một chiếc xe thiếu động cơ, hay chính là một động lực "thực sự" và chỉ có thể lăn bánh khi thả dốc
Thành Duy
Junior editor
Vàng sập mạnh gần 40 USD/ounce và gần như xóa sạch đà tăng vọt của phiên ngày hôm qua sau khi dữ liệu PMI của Mỹ được công bố cao hơn dự kiến. Dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ của Mỹ vẫn mạnh mẽ, làm dấy lên nỗi lo lạm phát dai dẳng và nguy cơ lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Dữ liệu PMI công bố tăng vọt, nỗi lo lạm phát và đi kèm là nguy cơ lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn
Giá vàng (XAU/USD) đã đảo chiều giảm mạnh sau cả ngày giao dịch với sắc xanh và thủng đường SMA 50 lần nữa khi dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ do S&P Global công bố cho thấy hoạt động trong cả hai lĩnh vực vẫn mạnh mẽ vào tháng 6.
Chỉ số PMI Sản xuất S&P Global sơ bộ tăng lên 51.7 trong tháng 6 từ 51.3 trong tháng 5, trong khi PMI Dịch vụ tăng lên 55.1 từ 48.3 trước đó. Cả hai con số đều cao hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Dữ liệu công bố cho thấy lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức cao, dẫn đến việc Fed có thể phải neo lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Lãi suất thấp hơn có lợi cho vàng vì sẽ làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng - tài sản phi lợi suất, so với các tài sản khác như trái phiếu hay tiền gửi. Do đó, bất kỳ sự trì hoãn nào trong lộ trình lãi suất đều sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.
Vàng vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu từ các ngân hàng trung ương
Theo một cuộc khảo sát các nhà quản lý dự trữ ngoại hối từ những ngân hàng trung ương lớn do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thực hiện, vàng có vẻ sẽ tiếp tục được hưởng lợi bởi một yếu tố "không mấy xa lạ" đó là nhu cầu từ chính các ngân hàng trung ương. Kết quả khảo sát cho thấy 81% trong số được hỏi cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục gia tăng lượng nắm giữ vàng trong năm 2024 và đây cũng là tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2019.
Trong đó, lực mua chính đến từ các ngân hàng trung ương châu Á tích trữ vàng để phòng ngừa rủi ro đồng nội tệ mất giá trước đồng USD. Theo biểu đồ “dot plot” gần nhất, Fed chỉ dự kiến cắt giảm lãi suất một lần trong năm 2024 so với ba lần hồi đầu năm, gây áp lực lớn lên nhiều đồng tiền châu Á.
Sự chia rẽ ngày càng tăng giữa khối BRICS và phương Tây cũng hỗ trợ cho vàng
Xu hướng sử dụng vàng làm bộ đệm chống lại sức mạnh của đồng USD đã được khuếch đại bởi sự chia rẽ ngày càng gia tăng về thương mại thế giới giữa các quốc gia BRICS và phương Tây. Một trong những chính sách quan trọng của BRICS và các đồng minh là phá vỡ sự thống trị của USD để đồng tiền này không thể được sử dụng như một “vũ khí” chống lại thành viên của họ trong các lệnh trừng phạt (bao gồm Nga và bây giờ là Iran). Một trong số ít sự thay thế hợp lý cho đồng USD sẽ là tiến hành giao dịch bằng tài sản tài chính được định giá bằng vàng.
Hơn nữa, sự chia rẽ giữa các nước BRICS với phương Tây càng được đẩy nhanh bởi chiến sự Nga - Ukraine và Hamas - Irael. Xét thấy các cuộc xung đột này sẽ còn kéo dài và có thể tiếp tục tạo ra lực cầu tiềm năng đối với vàng, cả với vai trò là phương tiện trao đổi và là tài sản trú ẩn.
Phân tích kỹ thuật
Hôm qua ngày 20/06, vàng đã có một pha đột phá chạm đến mức cao 2,365 USD/ounce, lấy lại đường SMA 50 và break-out trendline giảm ngắn hạn trên khung ngày. Nhưng chỉ mới đây, vàng đã không thể giữ được lợi thế khi sụt mạnh gần 40 USD/ounce và xóa bỏ gần như toàn bộ đà tăng trước đó. Về dài hạn, giá vẫn sẽ đi lên nhưng rõ ràng ở thời điểm hiện tại, vàng lại đang thiếu vắng một động lực "thực sự".
Giờ đây, mô hình vai đầu vai trên khung ngày có thể sẽ chi phối tâm lý nhà đầu tư và mốc 2,277 USD tiếp tục là hỗ trợ cực kỳ quan trọng, hội tụ nhiều yếu tố kỹ thuật quan trọng bao gồm cả ngưỡng Fibonacci thoái lui 38.2%, đáy tháng 5 và đường viền cổ của mô hình. Ngược lại, đường SMA 50 sẽ là kháng cự gần tại 2,345 USD, cao hơn sẽ là các mốc 2,380 USD, 2,400 USD và đỉnh lịch sử 2,450 USD.
XAU/USD đồ thị ngày
FXStreet