Vàng lập kỷ lục mới, được ủng hộ bởi dữ liệu kinh tế và tình hình địa chính trị
Ngọc Lan
Junior Editor
Giá vàng chạm mức kỷ lục khi các dấu hiệu cho thấy Fed đang tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất, điều này càng thúc đẩy đà tăng vốn đã được củng cố bởi căng thẳng địa chính trị và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Vàng thỏi đã tăng vọt lên mức 2,265.73 USD/oz vào thứ Hai, tăng 1.6% so với mức đóng cửa của ngày thứ Năm, sau khi thiết lập một loạt các đỉnh mới trong các phiên giao dịch gần đây.
PCE lõi đã giảm vào tháng 2, theo dữ liệu được công bố vào thứ Sáu khi nhiều thị trường đóng cửa. Điều này củng cố thêm khả năng cắt giảm lãi suất, mặc dù ngân hàng trung ương Mỹ vẫn duy trì thái độ thận trọng.
Giá vàng đạt kỷ lục mới
Một loạt yếu tố tích cực đã đẩy giá vàng tăng khoảng 14% kể từ giữa tháng Hai. Triển vọng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và Ukraine đã hỗ trợ cho đợt phục hồi này. Ngoài ra, còn có lực mua lớn từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở Trung Quốc, trong khi người tiêu dùng nơi đây cũng đang tích trữ vàng thỏi trong bối cảnh những khó khăn đang diễn ra tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Sau khi các số liệu lạm phát được công bố, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chúng "khá giống với kỳ vọng của chúng tôi", và không có lý do gì để vội vàng cắt giảm lãi suất. Cuối tuần này, các nhà đầu tthêm dữ liệu để đánh giá triển vọng của nền kinh tế Mỹ và chính sách của ngân hàng trung ương, với dự báo bảng lương hàng tháng sẽ tăng ít nhất 200,000 trong tháng thứ tư liên tiếp.
Thị trường swaps đang định giá 61% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6, tăng so với mức 57% vào thứ Năm. Lãi suất thấp hơn thường có lợi cho vàng, vì vàng là tài sản không sinh lãi.
Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV cho biết: "Dữ liệu lạm phát và đặc biệt là bình luận của Powell đã hỗ trợ thêm cho vàng, khi thị trường ngày càng tin tưởng rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6." Tuy nhiên, ông nói, "sẽ không cần nhiều xúc tác để chứng kiến giá vàng giảm trở lại trong ngắn hạn", và điều đó có thể là báo cáo việc làm của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Nhu cầu từ Trung Quốc
Giá vàng giao ngay tăng 1.4% lên 2,261.14 USD/oz, sau khi tăng 3% vào tuần trước. Chỉ số RSI 14 ngày của vàng đang ở gần vùng 79, vượt qua mốc 70, điều này cho thấy với một số nhà đầu tư, giá vàng có thể đã tăng quá xa và quá nhanh. Chỉ số Dollar Spot của Bloomberg giảm 0.1%, trong khi bạc, bạch kim và paladi đều được giao dịch cao hơn.
Nhu cầu vàng ở Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt trong các quý gần đây. Ngân hàng trung ương của nước này đã bổ sung một lượng lớn vàng thỏi vào dự trữ của mình, tăng lượng nắm giữ trong 16 tháng qua. Ngoài ra, việc mua vàng đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc.
Triển vọng tích cực của vàng đã được nhiều ngân hàng hàng đầu ủng hộ. Trong số đó, JPMorgan Chase cho biết vào tháng trước rằng vàng là lựa chọn hàng đầu của họ trong thị trường hàng hóa, và giá vàng có thể đạt 2,500 USD trong năm nay. Goldman Sachs Group thì cho biết họ thấy tiềm năng đạt mức 2,300 USD.
Tuy nhiên, đà tăng của vàng vẫn chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư ưa thích tiếp cận kim loại này thông qua quỹ ETF vàng. Theo thống kê của Bloomberg, tổng lượng vàng nắm giữ trên toàn thế giới trong các quỹ ETF này đã giảm hơn 100 tấn trong quý I, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2019 vào giữa tháng 3, trước khi tăng nhẹ.
Bloomberg