Virus Corona: Mối họa cho sức khỏe nhân loại và nền kinh tế
Quỳnh Nguyễn
Currency Analyst
Tôi bắt gặp cảnh báo về virus Corona (sau đây xin gọi tắt nCoV) từ trung tuần tháng 12, khi nhiều bài báo nước ngoài lo ngại về 1 chủng virus tương tự như SARS có diễn biến phúc tạp ở Trung Quốc.
“Holiday mood” thời điểm đó khá cao nên tôi cũng thờ ơ, xem như 1 bài báo bâng quơ mà thôi. Nhưng thật bất ngờ, ngay ngày cuối năm sát tết âm lịch Trung Quốc, giới Trader toàn cầu trở nên cực kỳ nhạy cảm trước các tin tức về nCoV, và giá vàng phi mã không chỉ bị dẫn dắt bởi rủi ro địa chính trị, mà còn bởi lo ngại về dịch bệnh và sức khỏe toàn cầu.
Giới đầu cơ toàn cầu thật nhạy bén, dù cho đôi lúc có phản ứng thái quá trước nhiều sự kiện, nhưng họ rất nhanh nhạy trong việc đánh giá tác động của bất cứ điều gì có thể kiềm hãm/đe dọa triển vọng kinh tế ngắn và dài hạn.
Tôi không nói đến ảnh hưởng của nCoV lên sức khỏe con người (không phải chuyên môn, và cũng chưa đủ hiểu biết sâu để bình luận). Điều tôi muốn nhấn mạnh là tác động của virus này lên sức khỏe kinh tế toàn cầu. Các bạn nên biết rằng ngay cả Trader tại các ngân hàng lớn trên thế giới cũng chỉ có thể đánh giá định tính và định lượng phần nào dựa trên kỳ vọng về các sự kiện lịch sử đã từng diễn ra, và họ sẽ ra quyết định giao dịch dựa trên cả các báo cáo phân tích, đánh giá thực hiện bởi bộ phận “Research” về các sự kiện chính trị hay dịch bệnh tác động.
Nhìn lại thì 2019 là năm của mâu thuẫn lợi ích, thấy rõ qua vấn đề thương mại Mỹ-Trung và đàm phán Brexit của Anh-EU. Bức tranh kinh tế tương đối “èo uột” (trừ Mỹ và một số quốc gia tại thị trường mới nổi trong đó có cả Việt Nam), IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trên một lần. Tuy nhiên thật đáng tiếc, năm “Canh Tý” lại bắt đầu với một đại dịch nguy hiểm, mà nguồn gốc lại đến từ Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới vốn đang chiến đấu với sự suy giảm kinh tế và chiến tranh thương mại.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ cần 1 mắt xích có vấn đề thì hiệu ứng Domino sẽ lan tỏa trên diện rộng, chưa kể mắt xích lớn thứ hai toàn cầu, công xưởng của thế giới, lại vừa phải đối đầu thương mại với Mỹ, vừa là tâm bão của dịch bệnh, thì hậu quả cho cả năm có thể không mấy khả quan.
Hoạt động giao thương buôn bán trì trệ, du lịch tạm ngưng, sản xuất bị ảnh hưởng, đầu tư kinh doanh bị hoãn lại, dấu hiệu của giảm phát đang đến khi mặt bằng lạm phát toàn cầu đang ở mức thấp. Trung Quốc “cảm lạnh” thì Úc, Đức hay Canada cũng phải “nhíu mày” (bởi mối liên kết thương mại gần gũi). Điều này cũng phản ánh rõ nét cho áp lực giảm giá của các đồng EUR, AUD, CAD và NZD mà thị trường thường gọi là “High Beta Curencies”. Cho dù Janet Yellen, cựu Chủ tịch Fed đã nói rằng đại dịch nào cũng chỉ ảnh hưởng khiêm tốn trong dài hạn, thì khởi đầu năm mới cho các đồng tiền của các nền kinh tế đã đề cập ở trên đang gặp thử thách lớn. Và Aussie thậm chí là đồng chịu áp lực lớn nhất trong nhóm G-10 do tác động kép của đại dịch cháy rừng tại quốc gia này.
Động thái giải cứu kinh tế gần nhất của Trung Quốc là hàng loạt các gói kích thích, bao gồm cả cả tiền tệ và tài khóa. Các nước khu vực Đông Nam Á như Philippin, Mã Lai và Thái Lan mới đây đều đã hạ lãi suất cơ bản, sắp tới có thể là Indonesia. Các đồng tiền SGD và THB liên tục mất giá mạnh vài phiên trở lại đây, vì thế cũng không khó hiểu khi VND cũng chịu áp lực phần nào. Nền kinh tế tại các quốc gia châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch đang chịu tác động tiêu cực nhất bởi Corona, trong khi Mỹ có vẻ chịu ảnh hưởng ít hơn, điều này thể hiện qua diễn biến của thị trường chứng khoán trong 2 tuần qua.
Cho đến khi thực sự có thuốc điều trị chính thức, Corona vẫn đang hủy hoại sức khỏe không chỉ của nhân loại mà của cả nền kinh tế toàn cầu!