10 sự kiện ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa năm 2021
Thị trường hàng hóa năm 2021 trải qua nhiều biến động giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh Covid và biến chủng mới Omicron. Hãy cùng Saigon Futures nhìn lại một năm 2021 đã trải qua những sự kiện kinh tế nổi bật nào, ảnh hưởng đến giá hợp đồng tương lai hàng hóa nhé!
Thị trường hàng hóa năm 2021 trải qua nhiều biến động giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh Covid và biến chủng mới Omicron. Hãy cùng Saigon Futures nhìn lại một năm 2021 đã trải qua những sự kiện kinh tế nổi bật nào, ảnh hưởng đến giá hợp đồng tương lai hàng hóa nhé!
1. Quan điểm “lạm phát nhất thời” của FED thay đổi vào phút cuối
Trong năm 2021, mặc dù giá cả hàng hóa tăng cao tạo nên áp lực lạm phát lớn đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ông Jerome Powell vẫn giữ vững lập trường rằng mức giá tăng cao chỉ là nhất thời mà không có bất kỳ động thái nào trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát, mặc dù các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đều tăng lãi suất để đối phó với giá cả tăng cao.
Nhưng kể từ sau khi tiếp tục được tại chức trên cương vị Chủ tịch Fed vào tháng 11, các quan điểm về lạm phát của ông đã dần có sự thay đổi. Vào tối ngày 30/11 giờ Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) Jerome Powell đã phát biểu rằng lạm phát không còn là vấn đề nhất thời và ra tín hiệu rằng Mỹ có thể đẩy nhanh quá trình thu mua tài sản, đồng thời nâng lãi suất sớm hơn so với dự báo.
Tại cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cuối cùng trong năm, FED quyết định tăng tốc gấp đôi việc cắt giảm chương trình thu mua tài sản từ mức 15 tỷ đô la Mỹ một tháng lên 30 tỷ đô la Mỹ một tháng, thực hiện ngay trong tháng 1 năm 2022. Các thành viên của FOMC kỳ vọng sẽ có 3 lần nâng lãi suất trong năm 2022.
2. Mỹ thông qua gói hạ tầng 1,200 tỷ đô la Mỹ trong lịch sử
Sau nhiều tháng điều trần điều chỉnh, kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng đã được Tổng thống Mỹ - Joe Biden ký thành luật. Phần lớn của gói chi tiêu với giá trị 1,200 tỷ đô la Mỹ sẽ được đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng bao gồm cả các con đường, những cây cầu đã quá cũ kỹ và xuống cấp. Thêm vào đó là gia tăng nguồn cung cấp nước sạch cho dân cư bằng việc thay thế các đường ống dẫn nước. Chi tiêu cho xu thế phát triển trong tương lai cũng được chú trọng như việc đầu tư vào hệ thống các trạm sạc xe điện hay đường truyền mạng Internet. Với giá trị 1,200 tỷ đô la Mỹ chi tiêu cho hạ tầng, đây được xem là khoảng đầu tư công lớn nhất trong vòng hơn 50 năm qua kể từ năm 1950.
3. Dịch Covid-19 và sự suy yếu của ngành bất động sản đè nặng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc trải qua một năm nhiều sóng gió với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khắc nghiệt từ chính phủ với mục tiêu kéo giảm số ca nhiễm Covid-19 bằng 0 thông qua chính sách “Zero-Covid”, khiến chuỗi cung ứng gián đoạn trầm trọng. Bên cạnh đó, sự kiện các khoản nợ lên đến 2% GDP Trung Quốc của tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc là Evergrande khiến giới đầu tư lo ngại về suy giảm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới co thể gây ra hiệu ứng dây chuyền cho cả thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, Trung Quốc đã có sự điều chỉnh các chính sách kinh tế trong đó ưu tiên sự ổn định thay vì tăng trưởng, siết chặt ngành bất động sản thông qua 3 mức kỷ luật thép của “Ba Lằn Ranh Đỏ”. Quý cuối cùng của năm Trung Quốc đã có những động thái hỗ trợ nền kinh tế như cắt giảm dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm cũng như hạ lãi suất cho vay cơ bản.
4. Khủng hoảng năng lượng diễn ra trên toàn cầu
Năm 2021 là một năng thị trường năng lượng thu hút được rất nhiều sự chú ý từ giới đầu tư. Các tác động lan tỏa khắp các châu lục. Trung Quốc với sự sụt giảm về sản lượng than đá, đồng thời gặp khó khăn trong nguồn cung nhập khẩu do các vấn đề căng thẳng với Úc, dẫn đến tình trạng thiếu điện trên diện rộng khắp các tỉnh thành của Trung Quốc.
Mặt khác, giá khí đốt tại châu Âu có giai đoạn phiên tăng từ 5 – 8 lần so với đầu năm do mùa đông trở khắc nghiệt hơn so với mọi năm nhưng nguồn cung khí kha chủ yếu từ Nga đã bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Nga được cho rằng Nga đang dùng nguồn cung khí đốt để có thể đạt được các giấy phép về đường ống “Dòng chảy Phương Bắc 2” từ châu Âu. Mặt khác, quý cuối cùng của năm châu Âu còn đối diện với tình trạng khủng hoảng về giá điện, với mức giá điện vượt mốc lịch sử tại các quốc gia lớn như Pháp và Đức.
Giá dầu thô thế giới cũng trong một xu hướng tăng mạnh trong năm 2021, thậm chí vượt mức trước dịch Covid-19 do các hoạt động kinh tế dần hồi phục trở lại cùng với cuộc khủng hoảng khí đốt trên toàn cầu. Bên cạnh đó là sự suy giảm trong hạ tầng khai thác và thiếu hụt lao động trong ngành năng lượng. Điều này tạo nên áp lực lạm phát lớn lên nền kinh tế. Mỹ đã phải thực hiện giải pháp chưa từng có trong tiền tệ là mở kho dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia cùng với các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ khác để đối phó với lạm phát tăng cao.
5. Giới đầu tư hoảng loạn bán tháo dầu thô trong ngày thứ 6 đen tối trước sự xuất hiện của chủng Covid-19 mới là Omicron
Thị trường dầu thô thế giới đã có một phen hoảng loạn vào cuối tháng 11 năm 2021 với các thông cáo từ Tổ chức Y tế thế giới về sự xuất hiện của một chủng virus mới có nguồn gốc từ Nam Phi là Omicron với tốc độ lây lan thậm chí còn nhanh hơn so với chủng Delta đã càng quét thế giới trước đó. Nhiều quốc gia đã phải tiến hành các biện pháp khóa chặt biên giới khẩn cấp để đối phó với sự xuất hiện của biến chủng này. Mặt khác, các nhà lãnh đạo của các hãng vắc-xin nổi tiếng toàn cầu như Pfizer hay Moderna cũng cho biết rằng biến chủng này có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin hiện có và cần có các mũi vắc-xin tăng cường.
Giá dầu thô WTI kỳ hạn có phiên giảm điểm mạnh nhất trong năm với hơn 13% trong ngày 26/11/2021, trong khi đó giá dầu Brent kỳ hạn cũng ghi nhận mức sụt giảm gần 9% trong cùng ngày. Đi cùng với giá dầu thô, giá các nông sản chủ chốt giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) cũng xuất hiện các áp lực bán tháo mạnh. Thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ.
6. Thời tiết bất thường tác động đẩy giá lương thực tăng chóng mặt
Giá lương thực thế giới đã tăng nóng trong năm 2021 với sự tác động của điều kiện thời tiết bất lợi diễn ra trên khắp các khu vực trồng trọt chủ chốt. Vụ mùa ngô tại Brazil – quốc gia xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới đã trải qua thời gian chịu diễn biến trái ngược bởi thời tiết. Vụ ngô quan trọng nhất và có sản lượng cao nhất tại Brazil là vụ ngô safrinha đã phải gieo trồng trễ do các cơn mưa bất thường diễn ra vào đầu quý 2, do đó đẩy thời gian thụ phấn quan trọng rơi vào giai đoạn thời tiết khắc nghiệt nhất vào tháng 5. Vụ ngô tiếp tục chịu tác động của các đợt sương giá vào cuối tháng 7. Tại Mỹ, vành đai ngô của quốc gia cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của điều kiện thời tiết khô hạn.
Các khu vực trồng trọt lúa mì trên khắp thế giới từ châu Âu cho đến châu Á đều đối diện với thời tiết bất lợi. Các khu vực trồng lúa mì vụ xuân 2021/22 tại Mỹ gần như ảnh hưởng trực tiếp hoàn toàn từ khô hạn dẫn đến sụt giảm năng suất nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong khi đó, các khu vực trồng lúa mì chủ chốt tại châu Âu như Pháp và Đức thì trải qua một đợt lũ lụt nghiêm trọng với khả năng làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Các khu vực trồng lúa mì chủ chốt như Volga, Serbia của Nga cũng gặp phải điều kiện khô hạn.
Cuối năm 2021, thời tiết bất lợi tiếp tục tác động đến các khu vực trồng lúa mì vụ đông 2022/23 khiến cho các lớp tuyết không đủ dày để bao phủ cho quá trình ngủ đông của cây, có thể khiến cho cây có bộ rễ nông và cây non nhỏ hơn. Các khu vực trồng lúa mì chính phía Nam, khu vực Volga của Nga cũng chịu tác động nhiệt độ quá lạnh, khi mà độ phủ của tuyết đối với các cây trồng lúa mì mùa đông của Nga đang không đủ và hầu như bằng không tại các khu vực trồng chính. Cây trồng của Nga một số khu vực chính đang trong giai đoạn ngủ đông
Các quốc gia trồng ngô lớn 2021/22 khu vực Nam Mỹ như Argentina và Brazil (đặc biệt là phía nam) cũng đang đối diện với tình trạng khô hạn làm suy giảm năng suất ngô trong giai đoạn từ cuối tháng 11/2021.
7. Tắc nghẽn kênh đào Suez đưa chuỗi cung ứng thế giới đi vào bế tắc
Những tháng đầu năm 2021, tình trạng chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gặp các sự cố trầm trọng hơn khi con tàu vận tải lớn nhất là Ever Given mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez - một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Đây cũng là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối khu vực châu Á và châu Âu.
Sự kiện này không những khiến cho hàng trăm tàu ùn ứ không thể di chuyển trong nhiều ngày liền mà còn làm đảo lộn dòng chảy các tàu hàng trên thế giới vốn được quản lý cẩn thận và chặt chẽ. Các tàu hàng là phải thay đổi lịch trình, đi đường vòng xuống cực nam châu Phi qua mũi Hảo Vọng, thậm chí các hàng tàu còn từ chối tiếp cận thêm các đơn hàng mới. Đẩy chi phí vận tải biển tăng phi mã. Chỉ số giá cước vận tải biển toàn cầu từ Freightos tăng từ mức 3,451 USD lên 9,437 USD trong năm 2021, tức tăng từ 2 đến 3 lần so với năm 2020.
8. Chính sách hạn chế xuất khẩu đẩy giá phân bón thế giới tăng vọt
Trong bối mất mùa đẩy giá nông sản thế giới tăng cao, Nga và Trung Quốc lại tiến hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón, đẩy giá phân bón thế giới lên mức cao. Điều này còn khiến cho chi phí đầu vào cho vụ mùa cũng tăng lên, đặc biệt là khu vực châu Mỹ khi Trung Quốc và Nga là hai quốc gia cung ứng phân bón chủ chốt. Nguyên nhân khiến cho cả Trung Quốc và theo sau đó là Nga thực hiện việc hạn chế xuất khẩu phân bón là nhằm đảm bảo cho nguồn cung nội địa trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao. Chỉ số giá phân bón của World Bank tăng 147% từ mức 82.96 trong tháng 1 lên mức 204.51 trong tháng 11. Trong chỉ số này giá phân Nitrogen chiếm 41.3%, giá photphat chiếm 21.7%.
9. Bão Ida tấn công các cảng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ trong mùa cao điểm, Trung Quốc chuyển hướng nhập khẩu đậu tương
Trong giai đoạn đầu tháng 9, một cơn bão với tên gọi là Ida với sức gió thậm chí mạnh hơn cả siêu bão Katrina đã tấn công vào các cảng khu vực vùng Vịnh của Mỹ. Nơi đây có cảng New Orleans xuất khẩu nông sản sôi động và quan trọng bậc nhất nước Mỹ với dòng đậu tương và ngô chủ yếu chảy theo sông Mississippi đến cảng. Cơn bão đã gây ra các thiệt hại nghiêm trọng đối với các cơ sở vật chất tại đây, làm tắc nghẽn một thời gian dài hoạt động xuất khẩu tại thời điểm hoạt động này thông thường ở mức cao.
Đây chính là lý do khiến cho Trung Quốc chuyển hướng sang nhập khẩu đậu tương (một trong những hàng hóa trao đổi quan trọng giũa hai quốc gia) từ các khu vực khác như Brazil – một động thái khác thường so với hàng năm. Đậu tương cũng là một phần trong số các hàng hóa nông sản được cam kết mua bổ sung theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm 2021 sắp kết thúc, mặc dù Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ với mức kỷ lục nhưng Trung Quốc vẫn chưa thực hiện đầy đủ các cam kết của mình theo Thỏa thuận thương mại được ký kết dưới thời tổng thống Donald Trump.
10. Trung Quốc tăng cường can thiệp vào thị trường hàng hóa
Trong năm 2021, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, sức cầu nội địa suy yếu và giá cả hàng hóa tăng không có điểm dừng. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện can thiệp vào thị trường hàng hóa từ các loại ngũ cốc, kim loại cơ bản cho đến giá dầu thô. Trung Quốc đã tiến hành giải phóng kho dự trữ dầu thô trong nước theo từng giai đoạn thông qua hình thức đấu giá cho các nhà máy lọc dầu trong nước giảm thiểu chi phí. Các kim loại cơ bản như đồng, nhôm, kẽm cũng được giải phóng từ kho dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và ổn định giá trong nước.
Đối với các lượng thực như ngô và lúa mì, chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện giải phóng kho dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kiềm chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong bối cảnh giá ngô tăng cao. Trung Quốc thực hiện động thái này thông qua các đợt đấu giá, mở bán từ Tập đoàn Dự trữ quốc gia Trung Quốc là Sinograin. Còn đối với thịt lợn, chính phủ Trung Quốc thực hiện mua vào nhằm hạn chế đà giảm không phanh của giá thịt lợn kể từ đầu năm 2021.
Saigon Futures