5 tin tức quan trọng các trader cần nắm được trong tuần giao dịch 26.09 - 30.09
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Sau một tuần thị trường tài chính biến động do các ngân hàng trung ương và chính phủ tiếp tục cuộc chiến kiềm chế lạm phát, giới đầu tư sẽ cần chuẩn bị tinh thần cho những sự kiện mới trong tuần này.
Một số quan chức Fed sẽ phát biểu sau khi ngân hàng trung ương này tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp. Tâm điểm lịch kinh tế Mỹ sẽ là dữ liệu tiêu dùng và thu nhập cá nhân vào thứ Sáu, bao gồm cả số liệu lạm phát PCE. Tại Eurozone, dữ liệu lạm phát hôm thứ Sáu có khả năng gây áp lực lên ECB. Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ điều trần trước các nhà lập pháp ở Brussels vào thứ Hai, trong khi kết quả cuộc bầu cử của Ý vào Chủ nhật cũng đáng chú ý. JPY sẽ vẫn là tâm điểm sau khi BoJ can thiệp vào thị trường ngoại hối. Trong khi đó, dữ liệu PMI của Trung Quốc vào thứ Sáu sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về tình hình của nền kinh tế số hai thế giới.
1. Các quan chức Fed phát biểu và dữ liệu kinh tế Mỹ
Các thành viên Fed James Bullard, Loretta Mester, Charles Evans, Raphael Bostic và Phó Chủ tịch Lael Brainard đều sẽ phát biểu trong tuần này, với giới đầu tư đang cảnh giác về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ tư vào tháng 11.
Lịch kinh tế bao gồm báo cáo về đơn đặt đặt hàng lâu bền, niềm tin người tiêu dùng, cùng với dữ liệu về doanh số bán nhà mới và chờ được xử lý.
Tâm điểm sẽ là dữ liệu về thu nhập và chi tiêu cá nhân tháng 8 được công bố vào thứ Sáu, bao gồm chỉ số PCE.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng lạm phát PCE sẽ hạ nhiệt do chi phí nhiên liệu giảm, nhưng PCE lõi dự kiến sẽ tăng.
2. Tình trạng bán tháo cổ phiếu
Các chỉ số chính của Phố Wall đã bị đạp nặng nề trong tuần trước với Nasdaq giảm 5.03% - tuần thứ hai liên tiếp giảm hơn 5% - trong khi S&P 500 giảm 4.77% và Dow giảm 4%.
Chỉ số Dow Jones cũng xém gia nhập S&P 500 và Nasdaq bước thị trường gấu, khi đã giảm gần 20% từ đỉnh.
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã tạo áp lực lên thị trường cổ phiếu khi giới đầu tư điều chỉnh lại danh mục của họ trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và lãi suất tăng. Các nhà đầu tư đã mất cảnh giác khi Fed dự báo lãi suất cao sẽ kéo dài đến năm 2023.
Trong khi dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối ổn định, giới đầu tư lo ngại việc Fed thắt chặt sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: “Chúng ta cần đánh giá lại chính xác xem Fed sẽ tăng lãi suất đến bao nhiêu và điều đó gây khó khăn cho nền kinh tế như thế nào.”
"Tình huống dễ xảy ra nhất là nền kinh tế Mỹ sẽ hạ cánh cứng và đó là một viễn cảnh tồi tệ đối với thị trường chứng khoán."
Ngoài việc thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn thế giới, tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một loạt các vấn đề khác bao gồm xung đột ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
3. CPI của Eurozone
Eurozone sẽ công bố CPI tháng 9 vào thứ Sáu với lạm phát toàn phần được dự đoán sẽ tăng lên mức cao kỷ lục mới là 9.6%, tạo áp lực lên ECB khi họ đang phải chật vật với việc tăng lãi suất trong bối cảnh một cuộc suy thoái đang rất gần.
Trước đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde sẽ điều trần trước Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ (ECON) ở Brussels vào thứ Hai, bà có thể sẽ trả lời câu hỏi liệu ECB có kế hoạch gì để kiềm chế lạm phát khi họ đang đối mặt với viễn cảnh suy thoái.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi kết quả cuộc bầu cử của Ý vào Chủ nhật, dự kiến sẽ là chính phủ thiên hữu kể từ Thế chiến thứ hai.
Các nhà lãnh đạo EU, muốn duy trì sự thống nhất sau khi Nga xâm lược Ukraine, lo ngại rằng Ý sẽ trở nên khó đoán, trong khi thị trường tài chính lo ngại về khả năng chính phủ mới xử lý khoản nợ lên tới khoảng 150% GDP.
4. Sự can thiệp vào JPY
Các quan chức Nhật Bản cuối cùng đã can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên kể từ năm 1998.
JPY chốt tuần tăng 0.3% trong hơn một tháng so với USD sau động thái này.
Tuy nhiên, USD đã tăng hơn 20% so với JPY trong năm nay do BoJ tiếp tục duy trì lãi suất âm, trong khi Fed có vẻ sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ cho đến khi kiềm chế được lạm phát.
Vì vậy, USD vẫn tiếp tục mạnh lên. Nhật Bản, cùng với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc đang cố gắng giảm đà tăng của USD, sẽ thấy mình đang chống lại mọi thứ, từ phân tích cơ bản, tâm lý thị tường, và Fed.
Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda sẽ phát biểu vào thứ Hai, dự kiến sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về quyết định can thiệp của Nhật Bản.
5. PMI của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu PMI vào thứ Sáu, và sẽ cho thấy liệu đà hồi phục có tiếp tục kéo dài vào tháng 9 hay không.
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy khả năng phục hồi trong tháng 8 với sự tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng trong sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ, nhưng khủng hoảng bất động sản đã ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.
Với một vài dấu hiệu Trung Quốc sẽ sớm nới lỏng chính sách zero-COVID, một số nhà phân tích dự đoán nước này sẽ chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1976, không bao gồm mức 2.2% trong đợt COVID đầu tiên vào năm 2020.
Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ kinh tế từ cuối tháng 5 nhưng sự suy yếu nhanh chóng của CNY trước USD đã khiến chính sách tiền tệ nới lỏng phần nào gặp nhiều phức tạp.
Investing