5 tin tức quan trọng các trader chú ý trong tuần 13.03 - 17.03
Nguyễn Vũ Phương Nam
Junior Analyst
Sự sụp đổ của SVB, báo cáo CPI Mỹ, quyết định lãi suất của ECB, ngân sách mới của Anh và dữ liệu kinh tế Trung Quốc sẽ là tâm điểm chú ý trong tuần này
Trong bối cảnh vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giới đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo lạm phát Mỹ được công bố trong tuần này. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng khi thị trường vẫn đang chịu áp lực từ những lo ngại về việc Fed kiềm chế lạm phát. Ở những nơi khác, ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất với quy mô lớn, BoE sẽ đưa ra ngân sách mới và Trung Quốc sẽ công bố một loạt dữ liệu kinh tế.
1. Sự lây lan
Sau sự sụp đổ nghiêm trọng của SVB hôm thứ Sáu, giới đầu tư đang lo lắng rằng việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ gia tăng những lỗ hổng trong hệ thống tài chính.
Trái phiếu của SVB, ngân hàng tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ, đã giảm kỷ lục do lãi suất cao. Kế hoạch tăng giá trị cổ phần không thành công, gây ra làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng này trước khi các nhà quản lý đóng cửa và đưa ngân hàng vào diện tiếp quản hôm thứ Sáu.
Sự sụp đổ nhanh chóng đã khiến thị trường toàn cầu lo lắng và các cổ phiếu ngành ngân hàng lao dốc trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan trong lĩnh vực tài chính và hơn thế nữa.
Michael James, giám đốc điều hành giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities, cho biết: “Những vấn đề bắt nguồn từ lĩnh vực tài chính đang lan rộng khắp thị trường. Sự sụp đổ của Silvergate với Ngân hàng Thung lũng Silicon đang làm gia tăng lo ngại về sự ổn định của thị trường."
2. Dữ liệu lạm phát Mỹ
Trong khi báo cáo NFP của Mỹ vào thứ Sáu đã làm giảm lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới, việc dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến vào thứ Ba tuần này có thể ảnh hưởng đến tâm lý giới đầu tư sau sự thất bại của SVB.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng chỉ số CPI MoM tháng Hai tăng 0.4% sau con số 0.5% trong tháng trước với dữ liệu CPI YoY là 6.0%.
Tuần trước, Chủ tịch Jerome Powell nói rằng Fed có khả năng tăng lãi suất cao hơn dự kiến nếu dữ liệu sắp tới cho thấy nền kinh tế vẫn nóng sau gần một năm thắt chặt, nhưng họ vẫn chưa có quyết định nào về cuộc họp tháng 3 sắp tới.
Các dữ liệu kinh tế tháng Hai khác cần theo dõi trong tuần này bao gồm doanh số bán lẻ, chỉ số PPI, số liệu khởi công nhà ở và sản xuất công nghiệp.
3. Quyết định lãi suất của ECB
ECB có khả năng sẽ đưa ra động thái 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào thứ Năm sau khi đã tăng lãi suất tổng cộng 300 điểm cơ bản kể từ tháng Bảy nhằm kiềm chế lạm phát.
Dữ liệu CPI lõi của Khu vực Eurozone cao hơn dự kiến vào tháng trước đã làm gia tăng mối lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Thị trường hiện định giá ECB sẽ tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 4/5 và biên bản cuộc họp tháng 2 của ECB cũng đang thúc đẩy triển vọng này.
Biên bản cuộc họp ECB cho biết: “CPI lõi và các thước đo khác có thể cho thấy lạm phát đang trở nên dai dẳng hơn, khi tính đến nay có rất ít bằng chứng về đà giảm bền vững. Cần phải tiếp tục tăng lãi suất lên mức hạn chế."
Chủ tịch ECB Christine Lagarde có khả năng sẽ đặt vấn đề về mức lãi suất dài hạn tại cuộc họp báo hôm thứ Năm.
4. Anh công bố ngân sách
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố Ngân sách mùa xuân vào thứ Tư. Sau cuộc khủng hoảng thị trường vào tháng 9 khi người tiền nhiệm Kwasi Kwarteng và cựu Thủ tướng Liz Truss đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế bất ổn, các nhà dự báo kỳ vọng ông Hunt sẽ ưu tiên giữ vững sự ổn định tài chính công.
Với quan điểm đó, tâm điểm của thị trường sẽ là dự báo tăng trưởng và cho vay sẽ được công bố cùng với ngân sách.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR) đã nhận định tăng trưởng GDP là 1.3% vào năm 2024. BoE dự báo về sự thu hẹp nhẹ. Việc OBR hạ dự đoán tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến GBP, nhưng đồng tiền này đang biến động chủ yếu do chênh lệch lãi suất dự kiến của Mỹ và Anh.
Khoản vay của chính phủ Anh dự kiến sẽ giảm, có khả năng hỗ trợ trái phiếu, nhưng việc mở rộng kế hoạch hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình có thể thúc đẩy lạm phát.
5. Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ lần đầu tiên trong năm 2023 vào thứ Tư, sẽ cung cấp thêm thông tin về mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5% của Bắc Kinh.
Dữ liệu được đưa ra sau khi ông Tập Cận Bình phá vỡ tiền lệ tái đắc cử với tư cách là Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba vào thứ Sáu trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Lý Cường, nổi tiếng với việc giám sát các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 đã trở thành tân thủ tướng, thay thế ông Lý Khắc Cường, người đã bị loại bỏ khi ông Tập thắt chặt kiểm soát nền kinh tế.
Nhiệm vụ của Thủ tướng Lý bây giờ sẽ là định hướng sự phục hồi trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Investing