5 tin tức quan trọng trong tuần 3/7 - 7/7
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang vào thứ Tư và báo cáo NFP vào thứ Sáu sẽ là tâm điểm của tuần tới.
Thị trường chứng khoán bước vào nửa cuối năm đầy thuận lợi sau khi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng Dự trữ Úc chuẩn bị đưa ra quyết định lãi suất mới nhất trong khi dữ liệu PMI từ Trung Quốc có thể nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích.
1. Bảng lương phi nông nghiệp Hoa Kỳ
Dữ liệu việc làm của Hoa Kỳ vào thứ Sáu sẽ là sự kiện chính, với các nhà kinh tế kỳ vọng nền kinh tế sẽ có thêm 200,000 việc làm mới trong tháng Sáu, so với con số 339,000 vượt xa dự báo của tháng trước.
Sức mạnh của thị trường lao động nhấn mạnh quan điểm đã hỗ trợ thị trường trong năm nay: nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tránh được suy thoái nghiêm trọng bất chấp Fed thắt chặt chính sách.
Omar Aguilar, giám đốc điều hành và đầu tư của Schwab Asset Management, chia sẻ với Reuters: “Thị trường lao động có lẽ sẽ là xúc tác lớn cho những điều có thể xảy ra theo định hướng của thị trường và cả chính sách tiền tệ”.
Trước báo cáo việc làm vào thứ Sáu, báo cáo bảng lương khu vực tư nhân ADP, cơ hội việc làm của JOLTS và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sẽ được công bố.
2. Biên bản cuộc họp của Fed
Vào thứ Tư 5/7, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp ngày 13-14/6 - lần đầu tiên giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, nhưng chỉ ra rằng sẽ có thêm hai đợt thắt chặt nữa trong năm nay.
Vào thứ Sáu, chỉ số PCE lõi đã cho thấy áp lực giá cả đang giảm bớt, thúc đẩy hy vọng Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Biên bản sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc tranh luận về cân bằng rủi ro giữa việc làm quá ít và đi quá xa trong việc thắt chặt chính sách.
Trong bài phát biểu vào thứ Năm tuần trước, ông Powell đã nhắc lại rằng đa số các nhà hoạch định chính sách của Fed kỳ vọng rằng họ sẽ cần tăng lãi suất ít nhất 2 lần nữa vào cuối năm nay.
3. “Hiệp hai” bắt đầu
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023, bất chấp khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng và lo ngại về viễn cảnh suy thoái.
S&P 500 đã tăng 15.9% kể từ đầu năm và Nasdaq Composite đã tăng 31.7%, đây là mức tăng nửa đầu năm lớn nhất trong 40 năm.
Mona Mahajan, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Edward Jones nói: "Thị trường khá ổn định trong nửa đầu năm nay. Nhưng vẫn cần phải trả lời một câu hỏi lớn là nền kinh tế sẽ như thế nào ở chặng đường còn lại của năm 2023”.
Các nhà đầu tư đang hy vọng rằng pha tăng mạnh trong nửa đầu năm sẽ “bàn đạp” hỗ trợ khi thị trường bước sang nửa cuối năm, nhưng tháng này sẽ có một số sự kiện có thể làm thay đổi thị trường - báo cáo việc làm vào thứ Sáu, mùa báo cáo thu nhập quý II cùng với báo cáo lạm phát quan trọng vào tuần tới trước quyết định chính sách tiếp theo của Fed vào ngày 26/7.
4. Quyết định của RBA
Ngân hàng Dự trữ Úc tổ chức cuộc họp chính sách tháng 7 vào thứ Ba 4/7 và thị trường không chắc liệu họ sẽ nâng lãi suất lên 4.1% hay tạm dừng để đánh giá tác động của việc thắt chặt trong quá khứ.
RBA đã tăng lãi suất lên tới 400 điểm cơ bản trong những năm qua để hạ nhiệt nhu cầu và kiềm chế lạm phát.
Dữ liệu doanh số bán lẻ ổn định vào thứ Năm tuần trước đã gợi ý về một đợt tăng lãi suất khác. Dữ liệu lạm phát tháng 5 đã chạm mức thấp nhất trong 13 năm, kéo theo kỳ vọng thắt chặt giảm mạnh.
Trước đó, báo cáo việc làm nóng hơn dự kiến vào giữa tháng đã khiến kỳ vọng thắt chặt tăng vọt, rồi giảm xuống sau những lập trường ôn hòa bất ngờ từ cuộc họp tháng 6, cho thấy quyết định tăng lãi suất hoặc giữ là một 9 một 10.
5. PMI sản xuất của Trung Quốc
Trung Quốc sẽ công bố chỉ số PMI sản xuất Caixin vào thứ Hai, đưa ra thông tin cập nhật về sức mạnh của lĩnh vực sản xuất khi sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chững lại.
Dữ liệu có khả năng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp kích thích nhiều hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu cả trong và ngoài nước cùng đồng tiền suy yếu.
Đồng nhân dân tệ đã trượt dốc gần 5% so với USD trong năm nay, trở thành một trong những đồng tiền châu Á có hiệu suất kém nhất.
Chênh lệch lợi suất ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, do sự phân kỳ trong chính sách tiền tệ ngày càng tăng đang gây áp lực lên nhân dân tệ.
Investing.com