750 tỷ euro cho kế hoạch phục hồi Châu Âu - Làm sao để chi tiêu hiệu quả?
Những người ủng hộ kế hoạch phục hồi lên tới 750 tỷ euro của Liên minh châu Âu cần một cái đầu tỉnh táo để đảm bảo sự đoàn kết của họ không đem đến thất bại.
Rất nhiều nhà kinh tế ca ngợi nỗ lực vực dậy của khối EU sau đại dịch Corona, nhưng đồng thời cũng cảnh báo rằng kế hoạch này cần phải được thực hiện nhanh chóng. Nó phải đạt được mục tiêu kép bao gồm khôi phục sản lượng, và tăng cường sức mạnh của toàn khối nhằm vượt qua những giông bão trong tương lai.
“Tốc độ là yếu tố quan trọng nhất”, Pietro Reichlin, giáo sư kinh tế tại Đại học Luiss ở Rome cho biết. “Việc cần làm hiện nay là kích cầu tiêu dùng, tránh để những tổn thất kinh tế từ các doanh nghiệp bị đóng cửa trở thành một cuộc suy thoái kéo dài do cú sốc tiêu dùng. Để làm được điều đó, tiền cần đến tay mọi người một cách nhanh chóng".
Bên cạnh đó, vẫn tiềm ẩn một rủi ro có thể chi phối các cuộc đàm phán chính trị sắp tới, đó là rủi ro đạo đức - các chính phủ lấy tiền mặt dễ dàng và sử dụng nó không hiệu quả. Ý, từ lâu đã bị chỉ trích vì những yếu kém trong cải cách nền kinh tế, lại nhận được phần tiền cứu trợ lớn nhất.
Ý sẽ nhận được 81.8 tỷ euro tiền tài trợ theo đề xuất của Ủy ban EU, Tây Ban Nha sẽ nhận 77.3 tỷ euro.
Kế hoạch phục hồi ít nhất giải quyết phần nào thiếu sót trong cấu trúc của liên minh Châu Âu, khiến nó dễ bị tổn thương hơn các nền kinh tế tiên tiến khác trong đại dịch: một chính sách tài khóa chung để bổ sung cho chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Đây là một trong những gói kích thích đột phá về quy mô – cùng với chương trình 540 tỷ euro và 1,1 nghìn tỷ euro được công bố trước đó. Điểm đặc biệt là số tiền sẽ được trao dưới dạng các khoản tài trợ, và nó được bảo đảm bởi trái phiếu đồng sở hữu. Nó có thể đã cứu liên minh khỏi một cuộc khủng hoảng nợ, thậm chí nguy cơ sụp đổ.
Mặc dù vậy, chương trình phải chờ tới năm 2021 mới được khởi động, và 27 quốc gia thành viên vẫn phải tranh luận về thiết kế của gói kích thích, vì vậy gánh nặng hiện nay vẫn đè lên các chương trình hỗ trợ quốc gia và gói kích thích tiền tệ của ECB. Ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng ước tính rằng nền kinh tế sẽ thu hẹp từ 8% đến 12% trong năm nay.
“Sự thúc đẩy tài chính và kinh tế vĩ mô tức thời mà chúng ta có được từ chương trình này có thể khiêm tốn hơn so với nhiều người tưởng tượng.” theo Christian Odendahl, nhà kinh tế trưởng Trung tâm Cải cách Châu Âu có trụ sở tại Berlin. "Điều quan trọng là chính phủ các quốc gia cần dùng số tiền này cho những nhu cầu thực tế của chính đất nước họ".
“Chúng ta cần xác định năng lực sản xuất của quốc gia và duy trì nó, ông Maria Demertzis, phó giám đốc của công ty Bruegel think tank, có trụ sở tại Brussels cho biết. "Để duy trì năng lực sản xuất, bạn nên bỏ tiền ra trước. Về mảng đầu tư, bạn cần thực hiện đúng thời điểm. Thời điểm tốt không phải lúc nào cũng xuất hiện, nhưng không vì thế mà chần chừ”
Các nhà kinh tế học Bloomberg nói gì?
Kế hoạch kích thích của Uỷ ban Châu Âu nhằm khôi phục kinh tế hậu đại dịch, đặc biệt hướng tới những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử của khối trong việc đối mặt với những thách thức chung.
Đề xuất của Ủy ban bao gồm các yếu tố có thể cho phép giao tiền mặt nhanh chóng cho những người có nhu cầu, chẳng hạn như gói phục hồi trị giá 560 tỷ euro và 55 tỷ euro khác cho "các biện pháp khắc phục khủng hoảng và hỗ trợ các đối tượng thiệt hại nhiều nhất"
Mặc dù vậy, mục tiêu cuối cùng vẫn là cải tổ nền kinh tế cho thế hệ tiếp theo, trong đó tập trung vào "công cuộc chuyển giao xanh và số hoá" cũng như phát triển các nền tảng "công nghệ cốt lõi".
Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã đưa ra một thông điệp tương tự vào thứ Tư, giúp làm dịu đi mối lo ngại về khoản nợ chính phủ khổng lồ tại Châu Âu, mà các nhà kinh tế học của Bloomberg ước tính sẽ lên tới ít nhất 1 nghìn tỷ euro nếu gói kích thích của chính phủ được đưa vào hoạt động. "Điều quan trọng là số tiền này sẽ được dùng vào mục đích gì", bà nói.
Khoản nợ khổng lồ
Nợ công của EU được dự đoán sẽ tăng tương đương 102,5% GDP toàn khu vực
Mặc dù Ủy ban đã đề xuất các mức chi tiêu, nhưng các quốc gia sẽ có kế hoạch phục hồi của riêng của họ và nhận tài trợ để thực thi kế hoạch này. Và đây là lúc rủi ro đạo đức xuất hiện.
"Nếu một số quốc gia gặp khó khăn trong việc đưa mức nợ và tăng trưởng quay trở lại mốc chấp nhận được sau khủng hoảng, nếu họ không thực hiện cải cách, thì chuyện gì sẽ xảy ra?" Rosamaria Bitetti, nhà kinh tế tại Đại học Luiss cho biết. “Những lo ngại tập trung vào thiệt hại lâu dài mà dự án này có thể gây ra cho dự án châu Âu.”
Tuy nhiên, Bitetti và hầu hết các đồng nghiệp của bà đều đồng ý rằng cần thiết phải có một gói kích thích mạnh mẽ để đưa ra những tín hiệu chính trị cũng như kinh tế.
“Sẽ tốt hơn nếu các quốc gia đưa ra kế hoạch để có một cơ chế kiểm soát chung”, theo ông Carsten Brzeski, một nhà kinh tế tại ING ở Frankfurt, người từng làm việc cho Ủy ban Châu Âu. “Kế hoạch này được xem là quá muộn để xử lý những vấn đề cấp bách, nhưng không quá muộn để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế châu Âu.”