9 nhân tố thúc đẩy thị trường năng lượng năm 2024
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
2024 được đánh giá là một năm đầy biến động đối với thị trường năng lượng toàn cầu khi tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn kéo dài. Năm 2023 đã kết thúc với một thỏa thuận quan trọng tại COP28 nhằm cắt giảm lượng khí thải mê-tan toàn cầu.
Liệu mục tiêu về cắt giảm khí thải được nêu trong Thỏa thuận Paris có đạt được hay không? Công chúng hiện đang rất quan tâm tới kết quả của các cuộc bầu cử, các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự phát triển của các ngành công nghiệp mới trong năm nay.
Theo Jarand Rystad, Giám đốc điều hành Rystad Energy, 2023 là một năm quan trọng đối với thị trường năng lượng. Công suất năng lượng tái tạo gia tăng nhanh chóng, lần đầu tiên theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn cầu. Năng lượng điện quang Mặt Trời (PV) cần tăng thêm 220 gigawatt (GW) vào năm 2023 để đủ đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các số liệu mới nhất hiện nay chỉ ra rằng PV có thể đạt trên 400 GW. Nhu cầu than có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2023. Công nghệ năng lượng sạch hiện có chi phí phải chăng hơn. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch sẽ vẫn là một thành phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng trong những thập kỷ tới. Các quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan và Bồ Đào Nha đã gần đạt được mục tiêu phát triển ngành điện không carbon, giải quyết thành công các thách thức về đứt gãy nguồn cung. Tuy nhiên, việc triển khai năng lượng tái tạo vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại, chẳng hạn như lạm phát về chi phí trong ngành điện gió ngoài khơi. Chính phủ cần tăng cường kích thích để giải quyết vấn đề này. Năm nay có thể chứng kiến nhiều điểm mới trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với những tác động rõ ràng vào nửa sau của thập kỷ.
Rystad Energy đã chỉ ra 9 nhân tố định hình thị trường năng lượng trong năm nay.
1. Địa chính trị tác động tới thị trường dầu mỏ
Dầu mỏ là mặt hàng mang tính chính trị nhất trong tất cả các loại hàng hóa. Hơn 70 quốc gia, tương đương khoảng 4.2 tỷ người sẽ chứng kiến sự thay đổi chính trị từ cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Kết quả của các cuộc bầu cử sẽ có tác động lớn đến tình hình chính trị của từng quốc gia. Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường dầu mỏ.
Tương lai liệu Ukraine còn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ nữa hay không, các vấn đề liên quan tới tham vọng chính sách khí hậu của EU, căng thẳng ở Biển Đông, xung đột thương mại giữa Trung Quốc - phương Tây và các xung đột đang diễn ra ở Trung Đông đều có nguy cơ làm đảo lộn thị trường.
2. Khí tự nhiên đảm bảo đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng
Ông Xi Nan, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về khí đốt, cho rằng khí đốt sẽ tiếp tục là chìa khóa giải quyết bộ ba bất khả thi về năng lượng (an ninh, khả năng chi trả và tính bền vững) vào năm 2024. Sản lượng khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3% tương đương 130 tỷ mét khối. Đầu tư vào các dự án LNG ước tính sẽ chậm lại so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức mạnh để hỗ trợ nhu cầu toàn cầu, dự tính đạt 500 triệu tấn vào năm 2027. Khí đốt sẽ đóng vai trò hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện.
3.Sóng M&A đổ bộ vào chuỗi cung ứng ngành dầu khí
Làn sóng thâu tóm đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thượng nguồn dầu khí sẽ lan sang chuỗi cung ứng trong năm 2024. Khi lãi suất ổn định hoặc giảm, dòng tiền dồi dào sẽ khuyến khích các nhà cung cấp mua lại chiến lược để tăng công suất một cách tự nhiên. Điều này sẽ phù hợp đối với các dịch vụ dầu mỏ và thị trường năng lượng sạch, nơi việc mở rộng công suất hữu cơ có thể không phải là lựa chọn hiệu quả nhất.
4. Các dự án hydro sẽ khởi động vào năm 2024
Ông Artem Abramov, Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ sạch, cho biết hoạt động trong lĩnh vực hydro sạch đang gia tăng trên toàn cầu. Các dự án hydro được thúc đẩy thông qua các chính sách ở châu Âu và Hoa Kỳ. Một số nghiên cứu quan trọng sẽ được hoàn thành, hé lộ triển vọng hứa hẹn về việc tiêu thụ hydro. Tại Hoa Kỳ, dự kiến cả số lượng phê duyệt và khả năng bị hủy bỏ dự án hydro sạch (FID) sẽ tăng vọt, do tác động từ quy định tín dụng thuế 45V từ Sở Thuế vụ Nội địa (IRS). Vào năm 2024, một loạt các cuộc đấu thầu và tài trợ toàn cầu sẽ diễn ra. Kết quả của những sự kiện này sẽ làm sáng tỏ động lực định giá, tiến bộ công nghệ.
5. Tăng trưởng ngành đá phiến Mỹ ảm đạm
Giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Sản lượng đá phiến của Mỹ không tăng nhanh như những năm trước. Đầu tư vào khu vực đá phiến dự kiến sẽ không mạnh trong năm nay, giữ cho hoạt động và sản lượng tương đối ổn định, đồng thời cho phép OPEC điều tiết thị trường một cách hiệu quả. Điều này khiến giá dầu có thể ở mức cao trong thời gian dài.
6. Năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục
Carlos Torres Diaz, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng lượng & Năng lượng tái tạo cho biết năm nay dự kiến sẽ là một năm kỷ lục đối với thị trường năng lượng mặt trời và điện gió khi có thêm hơn 510 GW công suất trên toàn cầu. Hơn 900 TWH là đủ để đáp ứng cho tăng trưởng của thị trường, giúp hạn chế nhu cầu sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù công suất sẽ tiếp tục tăng nhưng Chính phủ cần đưa ra các biện pháp khuyến khích phù hợp cho các dự án năng lượng tái tạo để đảm bảo đà tăng trưởng tiếp tục.
7. Kỳ vọng cải cách cơ chế quản lý nguồn cung sản phẩm tinh chế
Ngành dầu mỏ hạ nguồn của Trung Quốc đã điều chỉnh lại chiến lược của mình, chuyển từ hạn ngạch nhập khẩu dầu thô hàng quý sang hàng năm và mở rộng trợ cấp xuất khẩu sản phẩm cho các nhà máy lọc dầu. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự linh hoạt và tự chủ cao hơn trong lĩnh vực lọc dầu của Trung Quốc, cả với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Thị trường đang kỳ vọng nguồn cung dầu sẽ tăng gần 15 triệu thùng/ngày (bpd), duy trì ở mức cao trong suốt cả năm và đạt đỉnh 16 triệu thùng/ngày vào tháng 9. Đáng chú ý, công suất lọc dầu tổng hợp của Trung Quốc, Trung Đông và Nga, tổng cộng khoảng 38 triệu thùng/ngày, đã vượt qua Bắc Mỹ và Châu Âu. Cải cách khung quản lý nguồn cung cho sản phẩm tinh chế, theo mô hình OPEC+, có thể là một xu hướng mới đáng chú ý trong năm tới.
8. Triển vọng dài hạn tích cực của điện gió ngoài khơi
Alexander Flotre, Phó Chủ tịch & Trưởng bộ phận điện gió ngoài khơi, cho biết năm ngoái, những thách thức như lạm phát, lãi suất và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã dẫn đến thất bại của dự án về năng lượng gió ngoài khơi. Mặc dù năm tới sẽ không có nhiều thay đổi, nhưng triển vọng có thể sẽ tích cực hơn khi lạm phát có tiến triển và các điều khoản thay đổi trong các buổi đấu thầu sắp tới. Lạm phát dường như đang hạ nhiệt. Năm 2023 chứng kiến một năm kỷ lục đối với FID - hơn 12 GW dự án gió ngoài khơi trên toàn cầu (trừ Trung Quốc), cho thấy tiềm năng hoạt động trong những năm tới. Hơn nữa, Chính phủ dự kiến sẽ duy trì các cam kết trong tương lai, nhấn mạnh vào hiệu quả của chuỗi cung ứng - tất cả sẽ bổ sung thêm động lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
9. Sản lượng điện than suy giảm do tăng trưởng châu Á chậm lại
Theo Steve Hulton, Trưởng phòng nghiên cứu Công nghiệp Than toàn cầu, sản lượng điện than toàn cầu sẽ giảm vào năm 2024, một phần nhờ vào sự phát triển của lưới điện châu Á. Sản lượng than trong ngành điện được dự báo sẽ giảm 33.7 TWh, tương đương 0.3% do châu Á bắt đầu cắt giảm số lượng dự án điện than mới. Mức giảm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng khi năm 2023 là năm đánh dấu sản lượng tiêu thụ cao kỷ lục. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia vẫn là những nước tiêu thụ than hàng đầu hiện nay, nhưng tình thế đang thay đổi. Việc tăng cường lắp đặt công suất năng lượng tái tạo mới và các nhà máy than cũ sẽ sớm chuyển sang các giải pháp thay thế không có nhiên liệu hóa thạch và tỷ trọng than trong cơ cấu năng lượng sẽ tiếp tục giảm.
ZeroHedge