Akihiro Fukutome: Kinh tế Nhật Bản đối mặt "rủi ro kép" từ Mỹ và Trung Quốc
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Theo Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản, Akihiro Fukutome, nền kinh tế Nhật Bản đang gặp rủi ro bởi áp lực lạm phát từ hai đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Ông Fukutome cho biết, mối đe dọa từ Trung Quốc là giảm phát, trong khi từ Mỹ, ông lo ngại lạm phát sẽ gia tăng nếu Donald Trump quay lại nắm quyền và thực hiện các chính sách của mình.
Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại, Nhật Bản rất nhạy cảm với những biến động kinh tế từ các nước khác. Xuất khẩu thép và hóa chất giá rẻ từ Trung Quốc có thể gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa của Nhật, trong khi việc cắt giảm thuế ở Mỹ có khả năng đẩy giá cả hàng hóa lên cao hơn.
Ông Fukutome cho biết: "Rủi ro lớn nhất là lạm phát ở Mỹ tăng trở lại. Kịch bản tồi tệ nhất là lợi suất dài hạn tăng, mặc dù khả năng xảy ra vẫn thấp."
Ông cho rằng quyết định chính sách gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) về việc chấm dứt lãi suất âm và bình thường hóa chính sách tiền tệ khó có khả năng gây ra gián đoạn lớn cho nền kinh tế của Nhật Bản, bởi động thái này đã được dự báo trước.
Tuy nhiên, với việc BoJ thắt chặt chính sách và Fed dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, ông Fukutome nhận thấy khả năng thị trường bị xáo trộn do các chính sách đi theo hướng ngược nhau.
Ông Fukutome bày tỏ lo ngại về những biến động lớn có thể xảy ra trên thị trường ngoại hối, chứng khoán và các thị trường khác do các quyết định chính sách không kịp thời. Ông cho rằng đây là một yếu tố rủi ro lớn.
Ông Fukutome, tân chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Nhật Bản, cũng kêu gọi nới lỏng quy định nhằm hỗ trợ các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Theo truyền thống, các ngân hàng Nhật Bản thường do dự trong việc cấp vốn cho startup do thiếu lịch sử hoạt động để đánh giá tín dụng. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi và các ngân hàng đang mở rộng tài trợ cho startup trong những năm gần đây theo lời kêu gọi từ Chính phủ.
Quy định hiện hành cho phép các ngân hàng nắm giữ cổ phần trên 5% tại các startup dưới 10 năm hoạt động thông qua các công ty con đầu tư. Tuy nhiên, Fukutome cho biết nhiều startup triển vọng, đặc biệt trong lĩnh vực "deep tech" lại có tuổi đời lớn hơn, do các doanh nghiệp này thường cần nhiều thời gian hơn để hình thành một mô hình kinh doanh khả thi do giai đoạn nghiên cứu và phát triển kéo dài.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã hỗ trợ các startup bằng nguồn vốn vay, tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư của ngân hàng vào các startup vẫn còn rất hạn chế. Chúng tôi mong muốn được nới lỏng quy định hơn một chút để có thể đóng góp nhiều hơn nữa."
Tại Nhật Bản, ngoại trừ startup và một số trường hợp ngoại lệ, các ngân hàng bị cấm sở hữu hơn 5% cổ phần của một công ty.
Bloomberg