Áp lực sẽ tiếp tục tích tụ trên vai Fed?
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Chỉ vài tuần sau khi thước đo lạm phát của Hoa Kỳ cho thấy giá tiêu dùng tăng cao nhất trong gần 13 năm, một thước đo áp lực giá cả khác được Cục Dự trữ Liên bang ưa thích trong tuần này có thể sẽ gây thêm áp lực lên ngân hàng trung ương, vốn đã thay đổi kỳ vọng các đợt tăng lãi suất lên sớm hơn 1 năm trong tuần trước.
Theo các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cho tháng 5, sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này bởi Bộ Thương mại, sẽ cho thấy mức tăng 0.6% so với tháng trước ở chỉ số lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động cao). Vào tháng 4, chỉ số này đã tăng 0.7% so với tháng trước đó và mang đến mức tăng mạnh nhất tính theo năm kể từ những năm 1990, ở mức 3.1%.
Mặc dù cả Fed và các nhà đầu tư phần nhiều đã xem xét xong các dữ liệu như vậy, tin rằng bất kỳ áp lực lạm phát đáng kể nào cũng sẽ giảm đi khi đại dịch lắng xuống. Cuộc họp chính sách tuần trước chỉ ra rằng ngân hàng trung ương có vẻ đã ý thức hơn với rủi ro lạm phát tăng cao, so với những gì đã thông báo trước đó.
Dự báo lãi suất được Fed công bố vào tuần trước đã báo hiệu ít nhất 2 lần tăng lãi suất trong năm 2023 - một dự báo khác xa so với dự đoán của nhiều nhà đầu tư. Nhưng chủ tịch Jay Powell nhấn mạnh rằng các ước tính đó không đại diện cho một kế hoạch tăng lãi suất chính thức.
Brian Rose, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho biết triển vọng cũng rất không chắc chắn, có nghĩa là cuộc tranh luận lạm phát có thể sẽ không có kết quả chỉ trong một thời gian ngắn.
Rose nói: “Đó chắc chắn là một môi trường rất khó khăn để Fed đưa ra các dự báo. Đó là lý do tại sao họ sẽ tiếp tục dựa nhiều vào dữ liệu hơn là vào các mô hình dự báo của họ."
Colby Smith, FT