Bản lĩnh thép của nhà đầu tư nhỏ lẻ: Đứng vững giữa bão táp thị trường

Bản lĩnh thép của nhà đầu tư nhỏ lẻ: Đứng vững giữa bão táp thị trường

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

01:29 19/08/2024

Sự hoảng loạn nào cơ chứ? Phố Wall tuần này đã xóa sạch mọi tổn thất từ khởi đầu ác mộng của tháng 8, khiến người ta đùa rằng mùa hè quả thật nên dành để tận hưởng bãi biển hơn là theo dõi sát sao những drama trên thị trường. Tuy nhiên, ngay cả trong đợt bán tháo vừa qua, vẫn có một nhóm giữ vững tinh thần, đó chính là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Các nhà giao dịch cá nhân thường được cho là những người cuối cùng nhảy lên "chuyến tàu" đầu tư, nghĩa là họ sẽ là những người đầu tiên hoảng loạn khi lợi nhuận của họ bị đe dọa bởi bất kỳ sự biến động nào trên thị trường, nhất là khi họ mua vào gần đỉnh. Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giao dịch hàng ngày những năm gần đây, hành vi của họ càng trở nên quan trọng hơn đối với thị trường rộng lớn.

Vậy liệu sự kiên định gần đây của họ nên được xem là một ví dụ về lòng can đảm, hay chỉ là sự tự tin mạo hiểm chỉ có lợi cho đến khi mọi chuyện trở nên tồi tệ?

Hãy cùng nhìn lại nhanh tình hình: Cổ phiếu đã sụt giảm mạnh trong hai ngày giao dịch đầu tiên của tháng 8, châm ngòi cho một cơn hoảng loạn khiến chỉ số chứng khoán Tokyo mất 12% khi mở cửa trở lại vào thứ Hai. Điều này kích hoạt thêm làn sóng bán tháo ở New York, khiến chỉ số S&P 500 trong thời điểm tệ nhất đã mất hơn 7% chỉ trong vòng 3 ngày. Kể từ đó, thị trường phần lớn đã hồi phục, dù không đồng đều.

Tuy nhiên, có vẻ như ngay cả trong giai đoạn tồi tệ nhất của đợt bán tháo, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn không hề nao núng.

Steve Sosnick, Chiến lược gia thị trường trưởng tại Interactive Brokers, chia sẻ: "Khách hàng của chúng tôi đã mua vào trước khi thị trường sụt giảm. Họ tiếp tục mua trong lúc thị trường đang giảm và họ vẫn đang mua khi thị trường đang hồi phục. Niềm tin của họ không hề bị lung lay chút nào."

Dữ liệu tuần này từ các chuyên gia phân tích dòng tiền đầu tư Vanda Research cho thấy lượng tiền đổ vào cổ phiếu Mỹ từ các nhà đầu tư cá nhân trong tháng này đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một năm qua. Ngay cả khi có giảm nhẹ trong những ngày gần đây, con số này vẫn gần như đạt đỉnh.

Marco Iachini, chuyên gia từ Vanda Research nhận xét: "Chúng tôi hiếm khi thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ đi ngược xu hướng lịch sử một cách đột ngột như vậy, đặc biệt là trong nửa cuối năm." Thông thường, các nhà đầu tư cá nhân đổ tiền nhiều nhất vào cổ phiếu vào tháng Một, và sau đó tốc độ dòng tiền ròng giảm dần một cách ít nhiều đều đặn. Có thể có yếu tố "bắt kịp" sau nhiều tháng dòng tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ chậm chạp.

Tuy nhiên, theo Steve Quirk, giám đốc môi giới của Robinhood, khách hàng của họ đã đổ nhiều tiền vào mua cổ phiếu nhất vào ngày thứ Hai - thời điểm mà thị trường sụt giảm sâu nhất - so với bất kỳ phiên giao dịch nào khác trong năm nay.

"Nếu một nhà đầu tư cá nhân muốn mua cổ phiếu Apple hoặc một quỹ ETF đa dạng ở mức giá hấp dẫn, thị trường vừa mang đến cho họ một cơ hội tuyệt vời và họ đã nắm bắt cơ hội đó," ông nói.

Cổ phiếu Apple đã giảm gần 5% vào ngày thứ Hai đó và, tại mức thấp nhất, đã giảm 17% so với đỉnh của 3 tuần trước đó. Nvidia, nhà sản xuất chip và cũng là một cổ phiếu yêu thích của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đã giảm 31% trong cùng kỳ.

Thị trường hoảng loạn nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn "tâm bất biến", ùn ùn đổ tiền vào

Có một luận điểm cho rằng sự thay đổi trong hành vi của các nhà đầu tư cá nhân có thể đang thúc đẩy tâm lý "mua khi giá giảm", đặc biệt là do kết quả của giao dịch cổ phiếu phân số. Phương thức này cho phép các nhà đầu tư bỏ ra số tiền nhỏ hơn giá của một cổ phiếu, tạo điều kiện đầu tư đều đặn giống như tiết kiệm. Nếu không có cách này, một nhà đầu tư tiềm năng với nguồn lực hạn chế có thể phải đợi cho đến khi họ có đủ 400-500 USD để mua một cổ phiếu đơn lẻ của, chẳng hạn như Microsoft hoặc Meta Platforms (chủ sở hữu của Facebook).

"Khách hàng của chúng tôi nhìn vào các tiền lệ lịch sử và nói rằng: 'Chắc chắn, tôi có thể gặp một số biến động trong suốt 25 năm sự nghiệp đầu tư của mình, nhưng nếu tôi mua những cổ phiếu này trong dài hạn, không có lý do gì mà điều này lại không có lợi'," Quirk chia sẻ. Nếu việc "mua khi giá giảm" cũng đồng nghĩa với "mua và nắm giữ", điều đó hoàn toàn có lợi cho thị trường, và có khả năng mang lại lợi nhuận cho các cổ đông.

Tuy nhiên, điều này không loại bỏ một rủi ro lớn - đó là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí còn hơn cả các nhà đầu tư lớn, dường như đang tăng gấp đôi đầu tư vào cùng những cái tên công nghệ hàng đầu như trước đây.

Iachini - chuyên gia từ VandaTrack lưu ý rằng dòng tiền lớn nhất đổ vào các cổ phiếu công nghệ phổ biến, trong khi Nvidia và Tesla dẫn đầu giao dịch tại Interactive Brokers, theo sau là một quỹ ETF rủi ro được thiết kế để tăng cường lợi nhuận ngắn hạn từ cổ phiếu chip thông qua đòn bẩy.

"Chiến lược này đang hiệu quả với họ, tôi không thể phủ nhận điều đó," Sosnick - chuyên gia từ Interactive nhận xét. "Tuy nhiên, điều khiến tôi lo ngại là họ đã được thưởng vì tuân theo phần đầu trong châm ngôn của Warren Buffett - hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Nhưng có vẻ họ lại không mấy quan tâm đến phần sau - hãy sợ hãi khi người khác đang tham lam."

Đợt bán tháo mùa hè này diễn ra ngắn ngủi và cho đến nay đã tránh được việc leo thang thành một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, bất kể quy mô lớn nhỏ, có thể sẽ không may mắn đến vậy trong lần tiếp theo khi bản lĩnh của họ bị thử thách.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt
Quế Anh

Quế Anh

Junior Editor

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh tăng vọt

Số vụ kiện đòi bình đẳng thu nhập tại Anh đã tăng hơn 30%. Dữ liệu này cho thấy việc các nhà bán lẻ lớn ở quốc gia này liên tục bị kiện có thể đã thúc đẩy người lao động lên tiếng về vấn đề bất bình đẳng tại nơi làm việc.
Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo
Nguyễn Tuấn Đạt

Nguyễn Tuấn Đạt

Junior Analyst

Fed "gây bão" với việc cắt giảm 50 bps lãi suất: Thị trường chao đảo

Fed bất ngờ cắt giảm lãi suất 50 bps, khiến thị trường chao đảo. Mặc dù Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ không suy thoái, chứng khoán nhanh chóng lao dốc khi ông cảnh báo không nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay. Quyết định này đã gây ra phản ứng trái chiều và lo ngại về hướng đi tiếp theo của Fed.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ