Bất đồng Arab Saudi - UAE và tương lai OPEC+
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Bất đồng chưa thể giải quyết giữa UAE và Arab Saudi làm dấy lên lo ngại về tương lai OPEC+.
Đại dịch Covid-19 tác động đáng kể đến ngành dầu. Khi các quốc gia áp biện pháp hạn chế với di chuyển nội địa và quốc tế, lực cầu dầu giảm sâu, giá dầu sụp đổ.
Để hỗ trợ ngành dầu tại Mỹ, cựu tổng thống Donald Trump công khai kêu gọi Arab Saudi và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới, hành động. Tháng 4/2020, Arab Saudi, Nga và các nước khác, gọi chung là OPEC+, họp và nhất trí giảm sản lượng nhiều kỷ lục.
Động thái này không phải để làm hài lòng tổng thống Mỹ.
Thỏa thuận của OPEC+ là giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6/2020. Tiếp đó, mức giảm này chỉ còn 7,7 triệu thùng cho đến hết năm 2021. Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, mức giảm dự kiến là 5,8 triệu thùng/ngày. Trump sau đó đăng trên Twitter lời cảm ơn đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Arab Saudi Salman.
OPEC+ thành công trong thực hiện kế hoạch trên, giúp giá dầu phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 vào tháng 3.
Với giá dầu tăng, Arab Saudi, dẫn đầu OPEC, và Nga, dẫn đầu nhóm nước đồng minh, nhất trí tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày và giữ múc cắt giảm còn lại đến hết năm 2022, thay vì tháng 4/2022.
Các tiểu vương quốc Arab Saudi (UAE), quốc gia sản xuất dầu mỏ tầm trung, bác bỏ đề xuất này. Thông tin trên gây sốc nhiều nhà phân tích và quan sát vùng Vịnh, bởi Abu Dhabi được coi là đồng minh vững chắc nhất của Riyadh.
UAE phản đối gì
UAE thực tế chỉ phản đối một phần thỏa thuận – gia hạn đến hết năm 2022.
UAE lo ngại đang chịu thiệt nhiều hơn so với các bên khác, hơn cả Arab Saudi. UAE lập luận rằng hạn mức của nước này được tính dựa trên sản lượng 3,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 10/2018. Từ tháng 4/2020, UAE bơm trung bình 2,55 triệu thùng/ngày để tuân thủ thỏa thuận, đồng nghĩa cắt giảm 18%. Trong giai đoạn này, UAE đã đầu tư vào năng lực sản xuất, nâng sức cung lên 3,9 triệu thùng/ngày.
Như vậy, nếu vẫn tuân thủ hạn mức cũ, UAE cho rằng họ đang phải cắt giảm tới 35% sức cung tối đa. Do đó, gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2022 là bất công với họ.
“Hoàn toàn bất công”, Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp UAE Suhail al-Mazrouei nói. “Với chúng tôi, ngay từ đầu đó đã là một thỏa thuận với các điều khoản tệ”. Nhưng UAE vẫn tuân thủ và giờ muốn điều chỉnh.
IEA cảnh báo thị trường dầu thế giới còn biến động sau khi cuộc đàm phán của OPEC+ sụp đổ, tạo ra tình thế không ai có lợi. Ảnh: Getty Images. |
Tương lai liên minh
Mâu thuẫn giữa UAE và Arab Saudi khiến nhiều nhà phân tích và bình luận vùng Vịnh hoài nghi về tương lai liên minh hai nước. Nhà bình luận nổi tiếng Kristian Coates Ulrichsen có bài viết với tiêu đề “Liên minh Saudi – UAE đang rạn nứt”. Nhiều nhà bình luận khác chung quan điểm.
UAE và Arab Saudi còn tồn tại một số khác biệt khác trong vấn đề khu vực cũng như quốc tế. Ví dụ, UAE không sẵn lòng hòa giải với Qatar hơn Arab Saudi và muốn phát triển quan hệ với Israel hơn. Hai nước còn ủng hộ hai phe khác nhau ở Yemen và Syria.
Quan trọng hơn, bối cảnh địa chính trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng khiến UAE và Arab Saudi phải hành động nhanh. Mỹ, đối tác an ninh truyền thống của vùng Vịnh, ngày càng kém tin cậy, Trung Quốc và Nga muốn gia tăng vị thế toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cứng rắn và mạnh lên về quân sự, Iran tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trung Đông “về cơ bản là một quả bom nổ chậm”.
Với tầm nhìn tương đồng, Arab Saudi và UAE cần nhau, hai bên không thể tìm thấy đồng minh đáng tin cậy hơn bên còn lại.
Không ai có lợi
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/7 cảnh báo thị trường dầu thế giới còn biến động sau khi cuộc đàm phán của OPEC+ sụp đổ, tạo ra tình thế không ai có lợi.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng gần đây nhất, IEA cho rằng các bên tham gia thị trường đang theo dõi sát kịch bản nguồn cung thiếu hụt nhiều hơn nếu OPEC+ không đạt thỏa thuận.
"Thị trường dầu còn biến động cho đến khi chính sách sản lượng của OPEC+ trở nên rõ ràng. Và biến động không giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra an toàn, có trật tự - không vì lợi ích của nhà sản xuất hay người tiêu dùng", IEA cho biết.
IEA dự báo lực cầu thế giới tăng 5,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, thêm 3 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Cơ quan này cảnh báo giá nhiên liệu tăng và lạm phát tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế còn mong manh.
Reuters ngày 14/7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết Arab Saudi và UAE đã đạt thỏa hiệp về chính sách sản lượng, giúp thị trường có thêm nguồn cung. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng UAE cho biết hai bên vẫn chưa nhất trí về đường sản lượng cơ bản và đang tiếp tục thương lượng.
Link gốc tại đây.
NDH tổng hợp theo Daily Sabah, Reuters