Bên cạnh lợi suất, yếu tố nào khiến vàng mất đi sức hấp dẫn của mình?
Nguyễn Ngọc Mai
Analyst
Lợi suất trái phiếu tăng sốc, và ngay cả khi một số quan chức của Fed nhấn mạnh rằng họ chưa kế hoạch thắt chặt chính sách, sức “hấp dẫn” của vàng - cũng đã giảm đi rất nhiều.
Mức giảm gần đây nhất của vàng được quan sát khi lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm tăng nhanh lên trên 1.6% vào thứ Năm vừa qua. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard, cùng với Raphael Bostic của Atlanta và Esther George của Fed Kansas, cho biết vẫn còn quá sớm để bắt đầu thảo luận về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu khổng lồ của ngân hàng.
Tính đến nay, Vàng đã giảm hơn 6% khi các nhà đầu tư đặt nhiều quan tâm vào sự phục hồi sau đại dịch, lợi suất tăng cao và dòng tiền lớn rút khỏi các quỹ ETF vàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, con đường đến mục tiêu toàn dụng lao động và lạm phát của Hoa Kỳ vẫn còn khá xa. Điều này báo hiệu rằng Fed sẽ duy trì chính sách nới lỏng trong thời gian tới, bất chấp triển vọng về một nền kinh tế “hồi sinh” nhờ quá trình tiêm chủng tích cực.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp, cho biết: “Kim loại quý đang khởi đầu năm mới khó khăn và điều duy nhất có thể “cứu” được vàng lúc này là việc NHTW kiểm soát đà tăng của lợi suất nhằm ngăn chặn nó tăng vọt, tuy nhiên, có vẻ như họ vẫn chưa có kế hoạch làm vậy. "
Giá Vàng giao ngay ở mức $1.767/oz, giảm 4,1% trong tháng này. Giá Bạc đã tăng cao hơn, trong khi giá Bạch kim và Palladium đi ngang. Chỉ số DXY hướng tới mức tăng liên tiếp.
Moya cho biết: “Tốc độ gia tăng trong lợi suất trái phiếu khó có thể duy trì lâu, vì vậy vàng sẽ sớm bắt đầu ổn định trở lại. Vàng sẽ tiếp tục giảm thêm 5% nếu đà bán tháo trái phiếu tiếp tục và kim loại quý này phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng ở mức $1,750/oz".