Biến động mạnh trên thị trường trái phiếu mới chỉ trong giai đoạn đầu?
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ đáng ngạc nhiên và các tín hiệu trái chiều từ Fed đã thúc đẩy một trong những giai đoạn biến động mạnh nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, lo ngại về địa chính trị và sự gia tăng cung nợ cũng góp phần thúc đẩy biến động lợi suất trong nhiều tháng tới.
Được coi là “tài sản an toàn nhất thế giới”, trái phiếu chính phủ gần đây đã không đảm bảo được điều đó khi lợi suất biến động mạnh gần như hàng ngày. Trong tuần trước, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dao động trong biên độ gần 40 điểm cơ bản, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm doanh số bán lẻ phục hồi và số liệu thất nghiệp, một loạt bình luận từ các quan chức Fed và nhu cầu gia tăng đối với tài sản trú ẩn trong bối cảnh lo ngại xung đột leo thang tại Trung Đông.
Mike Schumacher, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Wells Fargo Securities, cho biết: “Đây sẽ là một chặng đường khó khăn”. Biến động lợi suất sẽ “vẫn ở mức khá cao, ít nhất là đến giữa năm sau, có thể hơn nữa khi xung đột ở Trung Đông lắng xuống” và cho đến khi thị trường hiểu rõ hơn về Fed.
Chỉ số ICE BofA MOVE, theo dõi những phần biến động dự báo của lợi suất trái phiếu chính phủ được định giá theo các quyền chọn kỳ hạn một tháng, đã tăng trong 5 tuần liên tiếp. Trên thực tế, biến động của lợi suất dài hạn đang ở mức cao nhất so với cổ phiếu trong ít nhất 18 năm, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Theo Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại Allianz SE, cho biết điều đó một phần là do Fed đang gặp khó khăn trong việc đưa ra tín hiệu về hướng đi của chính sách lãi suất trong dài hạn.
Ông nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục ở trong tình trạng bất ổn này vì không có định hướng rõ ràng về việc nền kinh tế này sẽ đi về đâu. Họ cần chuyển từ sự phụ thuộc quá nhiều vào dữ liệu sang phụ thuộc vào dữ liệu có thành phần hướng tới tương lai nhiều hơn”.
Giữa những tranh cãi vào tuần trước, không có gì gây ra hỗn loạn hơn bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm thứ Năm về hướng đi của chính sách tiền tệ. Ông đề xuất Fed nên giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tiếp theo, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất nếu các nhà hoạch định chính sách nhận thấy thêm dấu hiệu tăng trưởng kinh tế kiên cường.
Đáp lại, đường cong lãi suất càng dốc hơn, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn lao dốc trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài chạm đỉnh mới.
Địa chính trị và nguồn cung
Mức độ biến động cũng được thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng tăng rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas có thể lan rộng khắp khu vực, thậm chí có thể lôi kéo cả Mỹ.
Các báo cáo về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Iraq và Syria, các tên lửa hành trình do Houthi ở Yemen bắn về phía Israel và các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hamas và Hezbollah khiến lợi suất trái phiếu 10 năm giảm từ đỉnh xuống khoảng 4.91% vào cuối tuần.
Lo ngại về tương lai tài chính của Mỹ cũng ngày càng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Hoạt động phát hành nợ ngày càng tăng của chính phủ Hoa Kỳ đã nâng phần bù kỳ hạn lên hơn 1% trong 3 tháng qua, thúc đẩy lợi suất kỳ hạn dài tăng mạnh. Các trader đang chờ đợi Bộ Tài chính thông báo tăng quy mô đấu thầu vào ngày 1/11.
Trước mắt, việc các quan chức Fed bước vào giai đoạn blackout trước thềm cuộc họp chính sách ngày 1/11 có thể là sự giải tỏa cần có với các trader.
Tuy nhiên, những ngày tới sẽ có nhiều thông tin quan trọng về áp lực giá cả trong nền kinh tế, bao gồm dữ liệu CPI công bố ngày thứ Sáu.
Bloomberg