BlackRock cảnh báo viễn cảnh tiêu cực về việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp Mỹ
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư BlackRock, Larry Fink, đã có một thông điệp rõ ràng cho một vị khán giả: Mặc dù mọi thứ đang xảy ra rất tệ với các công ty Mỹ trong những tuần gần đây, tình hình vẫn có thể trở nên xấu hơn.
Phá sản hàng loạt, các máy bay thì trống rỗng, người tiêu dùng thận trọng và tăng thuế doanh nghiệp lên tới 29% chỉ là một phần trong viễn cảnh mà Fink đã phác thảo trong một cuộc điện đàm tuần này. Thông điệp từ nhà lãnh đạo của công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới hoàn toàn trái ngược với sự sôi nổi trên thị trường chứng khoán khi đã phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp gần đây.
Trong số những ngôi sao sáng ở Phố Wall, Fink vẫn là một người có tầm ảnh hưởng đặc biệt. Ông đã tư vấn cho Tổng thống Donald Trump về cách điều hướng các tác động của đại dịch coronavirus. Và BlackRock đang đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm ổn định thị trường, giúp ngân hàng trung ương mua hàng tỷ đô la tài sản.
Fink cho biết trong cuộc gọi với các khách hàng của một công ty tư vấn đầu tư rằng các ngân hàng đã nói với ông họ đoán rằng sẽ có hàng loạt các vụ phá sản tấn công nền kinh tế Mỹ, và ông tự hỏi liệu Fed có cần phải làm nhiều hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp hay không. Một phát ngôn viên của BlackRock từ chối bình luận về điều này.
Ngay cả khi nước Mỹ đang chìm sâu vào ảm đạm kinh tế, thì nước này vẫn sẽ phải tăng thuế để có tiền chi trả cho các nỗ lực giải cứu khẩn cấp các ngành đang vật lộn với khó khăn để phục hồi trở lại, ông cảnh báo .
Trong số các dự đoán của ông có: nâng thuế doanh nghiệp từ mức 21% đã ký trong năm 2017 lên khoảng 28% hoặc 29% vào năm tới. Fink cho biết ông dự đoán mức thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ tăng lên.
Tăng thuế sẽ làm sụp đổ thành tựu to lớn nhất của ông Trump trong thời gian tại chức, khi ông và một Quốc hội chịu sự chi phối của đảng Cộng hòa đã tạo nên những thay đổi quan trọng nhất đối với chính sách thuế trong nhiều thập kỷ qua.
Giảm thuế doanh nghiệp đã làm tăng lợi nhuận cũng như lợi ích cho các cổ đông thông qua việc tăng cổ tức và mua lại cổ phần. Hiện nay, tại thời điểm mà nhiều người đóng thuế không có khả năng gánh vác mức thuế cao hơn, chính phủ có thể buộc phải trích lấy một phần lớn hơn từ các công ty và thu nhập cá nhân.
Sự lây lan của coronavirus và các biện pháp được thực hiện để giảm thiểu nó đã hãm phanh nền kinh tế. Trong khi Trump thúc đẩy mở cửa thương mại trở lại và các quan chức của ông dự đoán về việc phục hồi nhanh chóng, thì các chuyên gia y tế công cộng và một số nhà kinh tế lại tỏ ý nghi ngờ rằng khủng hoảng sẽ sớm kết thúc.
Các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế đang đứng trước rủi ro gây ra bởi phản ứng hạn chế của cơ quan liên bang, điều này có thể đẩy nhanh sự sụp đổ của các công ty nhỏ và phá hủy nguồn tài chính của thành phố dùng để chi trả cho các trường học, cơ quan thực thi pháp luật và cơ sở hạ tầng.
Điều đó không phải là sự căng thẳng duy nhất đối với các công ty. Nhiều nơi có thể sẽ phải hoạt động chỉ với khoảng một nửa số nhân viên của họ ở văn phòng trong vòng hơn một năm tới. Đối với nhân viên văn phòng, hàng triệu người đang phải làm việc từ xa. Thật khó để thấy một sự phục hồi hoàn toàn mà khi mà xét nghiệm trên diện rộng vẫn chưa sẵn sàng.
Có một nguy cơ rằng dịch bệnh bùng phát ở Mỹ sẽ nghiêm trọng đến mức để lại tác động lâu dài đến tâm lý người Mỹ, làm họ tránh sử dụng các phương tiện công cộng và máy bay. Ông Fink chỉ ra rằng không thấy bất kỳ đồng nghiệp CEO nào đang lên kế hoạch cho các chuyến bay quốc tế trong năm nay.
Nhấn mạnh quan điểm trên, tuần này, nhà lãnh đạo trong lĩnh vực chia sẻ nhà Airbnb và công ty gọi xe Uber Technologies đã công bố kế hoạch sa thải hàng loạt khi họ đang vật lộn với nhu cầu sụt giảm và triển vọng mờ nhạt trong phần còn lại của năm.
Rất nhiều trong số 30 triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã phải vật lộn để có được sự cứu trợ mà họ cần. Nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, khoảng 25% các công ty đó có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn trước cuối năm, theo một báo cáo trong tháng 4 do Main Street America, một mạng lưới bao gồm khoảng 300.000 doanh nghiệp nhỏ, công bố.
Các nhà hàng thường hoạt động với biên lợi nhuận thấp sẽ phải vật lộn để tồn tại khi họ vạch ra những kế hoạch để thu hút khách hàng trong khi các biện pháp cách ly xã hội vẫn đang được thực hiện, Fink nói.
Fink cũng cho biết ông lo ngại tình trạng kinh tế xấu đi có thể khiến ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc trở nên tồi tệ hơn. Tác động tàn phá từ coronavirus có thể sẽ khiến nó trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với trật tự toàn cầu, ông nhận định.