Bloomberg: Ngành thép bước vào thời hoàng kim sau "thập kỷ mất mát"

Bloomberg: Ngành thép bước vào thời hoàng kim sau "thập kỷ mất mát"

16:53 18/07/2021

Có lẽ đây là thời điểm tốt nhất để vào ngành thép.

Kể từ đầu năm đến nay giá thép đã bùng nổ trên toàn thế giới, liên tiếp chinh phục hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Đứng sau đà tăng là nhu cầu từ ngành công nghiệp gia tăng mạnh mẽ, với các nhà máy đang cố gắng chạy hết công suất để tăng nguồn cung sau khi gần như phải đóng băng trong suốt đại dịch. Bên cạnh đó còn là nguyên nhân đến từ phía nguồn cung, khi các nước sản xuất hàng đầu thế giới như Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu thép để đáp ứng nhu cầu nội địa.

"Nếu 6 tháng trước bạn hỏi tôi tầm nhìn lạc quan nhất cho nửa đầu năm 2021 là gì, tôi cũng không thể nghĩ là tầm nhìn đó lại trở thành hiện thực gần đến vậy", Carlo Beltrame, lãnh đạo của AFV Beltrame cho biết. Công ty thép này đang có kế hoạch xây 1 nhà máy luyện thép trị giá 295 triệu USD ở Romania có công suất lên đến 600.000 tấn mỗi năm.

Bloomberg: Ngành thép bước vào thời hoàng kim sau thập kỷ mất mát - Ảnh 1.

Giá thép tăng mạnh trên khắp thế giới từ đầu năm đến nay.

Sau 1 thập kỷ ảm đạm với nhiều nhà máy bị buộc phải đóng cửa và sa thải nhân công vì nhu cầu quá thấp, ngành thép châu Âu đang bước sang trang mới. Đó cũng là bức tranh chung của các công ty thép trên khắp thế giới, khi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn chi rất nhiều tiền cho cơ sở hạ tầng còn Liên minh châu Âu EU thì muốn đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải xuống bằng 0.

Các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Nucor Corp, U.S. Steel Corp và SSAB AB đều dự báo sẽ lãi lớn. Theo giới phân tích, ArcelorMittal SA, công ty thép lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, sẽ có lãi hơn cả những công ty tiêu dùng như McDonald’s hay PepsiCo.

Nhiều người dự báo thời hoàng kim của ngành thép sẽ chỉ kéo dài hết năm 2022. Keybanc Capital Markets và Bank of America tin rằng những điểm tắc nghẽn khiến giá thép Mỹ tăng mạnh sẽ bắt đầu được tháo gỡ trong năm nay. Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích tin vào điều ngược lại, cho rằng giá sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong dài hạn.

Tất nhiên những diễn biến ở Trung Quốc sẽ là chìa khóa, bởi đây là thị trường sản xuất ra hơn một nửa lượng thép tiêu thụ trên toàn thế giới. Các nhà máy thép Trung Quốc chủ yếu sử dụng lò luyện nhiệt chạy bằng than đá, trong khi chính phủ nước này đã phát tín hiệu không muốn tiếp tục gánh chịu gánh nặng môi trường quá lớn như trước đây.

Theo Lu Ting, chuyên gia phân tích cao cấp tại Shanghai Metals Market, Trung Quốc sẽ gặp thách thức lớn để đạt được mục tiêu cắt giảm sản lượng của năm nay vì sản lượng đã ở mức rất cao vào đầu năm. Tuy nhiên, các quốc gia khác ở châu Á sẵn sàng bù đắp nguồn cung thiếu hụt.

Ví dụ, nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ là JSW Group cho biết sẽ đạt được mục tiêu tăng gấp đôi công suất lên 45 triệu tấn trước năm 2030. Các nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia cũng có kế hoạch đến cuối thập kỷ này sẽ tăng sản lượng thêm 60 triệu tấn.

Các gói kích thích khổng lồ tập trung vào cơ sở hạ tầng của Mỹ và châu Âu là 1 nguyên nhân khác để lạc quan về ngành thép. Ông Biden đang quyết tâm xây dựng nhiều con đường, tuyến đường sắt và các tòa nhà – những thứ sẽ ghi đậm dấu ấn nhiệm kỳ của ông. Trong khi đó EU nhấn mạnh năng lượng sạch là một phần quan trọng của gói kích thích kinh tế hậu Covid-19.

Để hoàn thành những chương trình này, EU và Mỹ cần đến rất nhiều thép. Theo ước tính của công ty tư vấn CRU Group có trụ sở tại London, kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden khiến nhu cầu thép của Mỹ tăng thêm 5 triệu tấn mỗi năm trong 5 năm đầu tiên. Trong khi đó tính đến cuối năm 2022 công suất của ngành thép Mỹ được dự báo mới chỉ đạt 4,6 triệu tấn/năm.

Bất chấp nhu cầu tăng, các công ty thép phương Tây vẫn do dự không muốn mở rộng sản xuất. Họ đều đang cố gắng trả hết nợ và ưu tiên hàng đầu hiện nay là lợi nhuận cho cổ đông thay vì tái đầu tư. Ngoài lý do đã trải qua 1 thập kỷ đầy đau thương, có 1 nguyên nhân khác là nỗi lo ngại các chính phủ sẽ không thể mãi mãi áp dụng các biện pháp bảo hộ cho ngành thép nội địa, dù ông Biden vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu cao chót vót được áp dụng từ thời Trump và tháng trước EU đã quyết định sẽ gia hạn các biện pháp bảo hộ thêm 3 năm nữa.

Riêng AFV Beltrame vẫn hào hứng với dự định xây nhà máy mới ở Romania. Đây sẽ là nhà máy thép tạo ra ít khí thải nhất thế giới, theo tuyên bố của công ty. "Tôi tin là siêu chu kỳ sẽ kéo dài nhiều tháng nữa. Chúng ta vẫn cần gạch, xi măng và cần thép", Beltrame nói.

Link gốc tại đây.

Theo CafeF

Broker listing

Cùng chuyên mục

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang
Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

Rủi ro đối với thị trường hàng hoá đang "nóng" hơn bao giờ hết khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang

Sau hơn 1,000 ngày chiến sự, thị trường dường như đã quen với khả năng leo thang trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây - từ việc Kyiv sử dụng tên lửa được Mỹ cho phép để tấn công các mục tiêu tại Nga, đến việc Tổng thống Vladimir Putin cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công phi hạt nhân được hỗ trợ bởi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - đang đẩy xung đột lên một cấp độ đáng lo ngại.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ