Bóc trần mớ ''hỗn loạn tài khóa'' của Pháp
Huyền Trần
Junior Analyst
Pháp đang chìm trong "khủng hoảng" chính sách tài khóa, thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng dù Tổng thống Macron đã cố gắng cải cách. Giờ đây, nước Pháp đối diện với lựa chọn khắc nghiệt: cắt giảm chi tiêu và thuế, hoặc rơi vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát.
Cuối cùng thì nước Pháp cũng có chính phủ, tuy có hơi ''tạm bợ'', giống như băng bó vết thương hở. Michel Barnier, chính trị gia kỳ cựu, cựu ủy viên châu Âu và người từng dẫn dắt cuộc đàm phán Brexit khét tiếng, đã phải lập một chính phủ trong sự hỗn loạn của quốc hội.
Quốc hội tan hoang sau cuộc bầu cử chóng vánh mùa hè, và giờ đây, họ đối mặt ngay với bài toán sinh tử: thông qua ngân sách mà không có bất kỳ lối thoát rõ ràng nào cho một chính sách tài khóa được quốc hội chấp nhận. Paris đã phải cầu xin Brussels gia hạn thời hạn nộp kế hoạch giảm thâm hụt và nợ theo quy định tài khóa mới của EU.
Căng thẳng đang tăng lên, nhà đầu tư lo ngại: lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp đã gần bằng với Tây Ban Nha, chênh lệch khoảng 0.8 điểm phần trăm so với Đức. Cuối cùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Pháp thậm chí còn vượt qua lợi suất củaTây Ban Nha.
Thách thức về tài chính công của Pháp đã âm ỉ từ lâu. Pháp là một ngoại lệ so với các nước đồng đẳng ở hai khía cạnh thú vị. Thứ nhất, trong khi hầu hết các nước trong khu vực đồng Euro đã kiểm soát hoặc giảm tỷ lệ nợ công so với GDP trong thập kỷ qua, gánh nặng nợ của Pháp lại không ngừng gia tăng.
Thứ hai, sự khác biệt này, bắt đầu từ năm 2013, không phải do tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Thực tế, Pháp có mức tăng trưởng gần như ngang bằng với trung bình của khu vực đồng Euro trong vài thập kỷ qua. Nguyên nhân chính là thâm hụt của Pháp so với các chính phủ khác, từ khoảng 1% GDP trước năm 2013 lên 2% hoặc hơn trong thập kỷ qua. Sau đại dịch, thâm hụt của Pháp vẫn duy trì ở mức trên 5%, trong khi các quốc gia khác đã thu hẹp thâm hụt đáng kể.
Vậy làm sao điều này lại xảy ra? Để hiểu được lý do trượt dài trong ngân sách của Pháp, ta cần xem xét thêm một khía cạnh: Pháp từ lâu đã có mức chi tiêu công và thu thuế cao nhất (so với quy mô nền kinh tế) trong số các nước châu Âu.
Năm 2022, chính phủ Pháp đã chi hơn 58% GDP, cao hơn 8 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực đồng Euro và 9 điểm phần trăm so với toàn bộ EU.Sự chênh lệch này chủ yếu là do chi tiêu vào bảo vệ xã hội, một hạng mục rất khác biệt giữa các quốc gia châu Âu.
Mặc dù hầu hết các nước châu Âu chi rất nhiều cho bảo vệ xã hội, nhưng trung bình vẫn thấp hơn Pháp khoảng 4% GDP. Điều đáng chú ý là khoảng cách này đã không thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây và phần lớn chi tiêu tăng của Pháp không đến từ bảo vệ xã hội mà từ các lĩnh vực khác như thị trường lao động và công nghiệp.
Về phía doanh thu, cả Pháp và châu Âu đều đã tăng tỷ lệ thu thuế trên GDP. Tuy nhiên, Pháp đã thu nhiều hơn mức trung bình của châu Âu từ 5-6% GDP trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, và con số này đã tăng lên 6-7% trong thập kỷ qua.
Vậy tất cả điều này có ý nghĩa gì? Điều này không hoàn toàn ủng hộ luận điểm từ phe đối lập rằng Tổng thống Emmanuel Macron đã làm suy yếu tài chính công bằng cách cắt giảm thuế. Thực tế, vấn đề tài khóa hiện tại của Pháp chủ yếu là do sự suy giảm dài hạn của thâm hụt, trong đó chi tiêu tăng 2 điểm phần trăm và thu thuế cải thiện 1 điểm phần trăm.
Phần lớn của sự gia tăng chi tiêu, so với các quốc gia khác, dường như liên quan đến thị trường lao động. Đồng thời, doanh thu thuế từ cá nhân và doanh nghiệp đã tăng đáng kể, đặc biệt là từ khi các cải cách thị trường lao động của Macron được triển khai khi ông còn là Bộ trưởng Kinh tế. Những cải cách này dường như đã mang lại hiệu quả, cả về mặt việc làm lẫn tài chính công.
Jean Pisani-Ferry, một nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng và từng là cố vấn của Macron, cho rằng "canh bạc" cải cách thị trường lao động của Tổng thống đã thất bại. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Có thể những cải cách này đã thành công, nhưng chưa đủ để bù đắp cho những áp lực khác lên ngân sách công.
Vậy phải làm gì tiếp theo? Hiện đang có nhiều thảo luận về việc tăng thuế ở Pháp. Tuy nhiên, mức thu thuế đã tăng. Có vẻ như các cải cách thân thiện với tăng trưởng đã mang lại lợi ích tài khóa. Vì vậy, có lẽ cần tiếp tục xem xét cắt giảm chi tiêu và các loại thuế gây hại cho nền kinh tế, chẳng hạn như thuế lao động cao. Phải chăng đây chính là lúc lý thuyết của Arthur Laffer có thể đúng với Pháp?
Financial Times