BoJ được dự báo giữ nguyên lãi suất, tập trung vào các tín hiệu hawkish để hỗ trợ đồng Yên
Vân Chi
Junior Editor
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được nhiều người dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành vào thứ Sáu, khi các nhà đầu tư tập trung vào dấu hiệu bớt dovish hơn trong bối cảnh đồng yên giao dịch quanh mức thấp nhất trong 34 năm.
Thống đốc Kazuo Ueda và các thành viên hội đồng quản trị dự kiến sẽ giữ lãi suất ngắn hạn ở khoảng 0% đến 0.1% vào cuối cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của họ, sau khi Ngân hàng Trung ương tạm dừng chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô rộng vào tháng trước, theo 52/53 nhà kinh tế được khảo sát.
Khảo sát về khả năng tăng lãi suất của Nhật
Chỉ năm tuần kể từ sự thay đổi lịch sử đó, Ueda phải đối mặt với thách thức để cân bằng giữa việc đặt mức sàn cho JPY, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi mong manh của kinh tế.
Chính quyền Nhật Bản ngạc nhiên khi JPY suy yếu ngay cả khi Nhật Bản tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. JPY yếu có thể thúc đẩy lạm phát do chi phí đẩy. Một số giám đốc điều hành tại các doanh nghiệp hưởng lợi từ việc đồng tiền mất giá đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về tác động tổng thể.
Điều đó đã khiến thị trường quan tâm rằng liệu ngân hàng có thể đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về việc bình thường hóa chính sách trong thời gian tới.
Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng về Nhật Bản tại BNP Paribas SA, cho biết: “Rủi ro đang gia tăng với việc tăng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7. Đồng yên có thể sẽ tiếp tục suy yếu dần” do chính phủ coi sự can thiệp là không đủ để thay đổi tình thế này, trước dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và rủi ro địa chính trị leo thang ở Trung Đông.
Cảnh báo của bộ trưởng tài chính Suzuki
Bộ trưởng tài chính Nhật Bản nhắc lại cảnh báo về những biến động tiền tệ quá mức trong lần phát biểu tại quốc hội hôm thứ Ba.
Shunichi Suzuki nói: “Tôi cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để có các hành động can thiệp trên thị trường tiền tệ, mặc dù tôi sẽ không nói rõ hành động đó là gì”.
Một trong những cách dễ nhất để BoJ đưa tín hiệu về khả năng tăng lãi suất sớm, là thông qua dự báo lạm phát hàng quý mới nhất và cách họ thể hiện quan điểm về rủi ro. Các khía cạnh tiềm năng khác có thể theo dõi là: kế hoạch mua trái phiếu của BoJ và cách BoJ miêu tả điều đó bằng ngôn từ, theo một số người theo dõi thị trường.
Thống đốc Ueda không loại trừ khả năng ứng phó với tỷ giá hối đoái bằng một động thái chính sách nếu tác động đến giá cả đến mức “không thể bỏ qua”. USDJPY chạm mức 154.85, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 1990. Các nhà giao dịch đang cảnh giác cao độ về khả năng các quan chức Nhật Bản có thể can thiệp vào thị trường để mua JPY như lần cuối họ làm vào năm 2022.
Yên tiếp tục trượt giá
Hiện tại, chính sách của BoJ đang tiếp tục gây áp lực lên JPY. Ueda đã nhấn mạnh rằng ông kỳ vọng các điều kiện tài chính sẽ tiếp tục thuận lợi, để đảm bảo không có sự gián đoạn đối với thị trường hoặc sự phục hồi kinh tế xuất phát từ chính sách xoay trục của BoJ. Các nhà phân tích cho rằng thông điệp đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường.
Các khoản đặt cược của các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tài sản tăng lên hơn 173,000 hợp đồng vào 16/4 khi kỳ vọng vào sự suy yếu của đồng Yên, cũng là mức cao kỷ lục theo dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai kể từ năm 2006. Theo Bloomberg, đây cũng là vị thế short lớn nhất trong 9 loại tiền tệ chính, khiến đồng yên dễ bị đảo chiều nếu xu hướng thay đổi.
Các nhà đầu tư có xu hướng bearish nhiều nhất với đồng Yên
Những người hiểu biết về vấn đề này cho biết, ngân hàng có thể sẽ thảo luận về việc nâng dự báo CPI không bao gồm thực phẩm tươi sống từ mức 2.4% trong năm tài chính hiện tại, và dự báo mức tăng giá khoảng 2% trong dự báo đầu tiên cho năm tài chính 2026.
Giá dầu tăng gần đây, cộng với kết quả mạnh mẽ của các cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân khiến dự báo lạm phát khả năng cao sẽ được điều chỉnh cao hơn. Do đó, 3/4 số người theo dõi BoJ cho biết, việc đánh giá cân bằng rủi ro, và nhấn mạnh rủi ro tăng giá, sẽ quan trọng hơn bình thường. Ngân hàng cho biết rủi ro về giá cả “nhìn chung đang được giữ cân bằng” trong báo cáo trước đó vào tháng 1.
Ueda cho biết trong bài phát biểu vào tuần trước tại Washington: “Nếu lạm phát cơ bản tiếp tục tăng, chúng tôi rất có thể sẽ tăng lãi suất”.
Shigeto Nagai, cựu giám đốc bộ phận quốc tế của BoJ, cho biết chức năng phản ứng chính sách đã thay đổi dưới sự lãnh đạo của Ueda, với ưu tiên là đưa Nhật Bản trở lại kịch bản lãi suất dương. Tuy nhiên, ông chưa chắc BoJ sẽ phản ứng khi đồng yên suy yếu, bởi vì chênh lệch lãi suất giữa BoJ và Fed quá lớn để Nhật Bản có thể tự mình giải quyết.
Nagai, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics, cho biết: “Với mức trần lãi suất ở Nhật Bản, việc vội vã tăng lãi suất sẽ dẫn đến ít cơ hội để hành động. Bây giờ hiệu quả nhất là tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng tăng lãi suất.”
Bất kỳ động thái nào của BoJ nhằm hỗ trợ đồng yên có thể bị lu mờ vài giờ sau khi công bố chính sách, bởi Mỹ sẽ công bố thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang vào lúc 21:30 ở Tokyo (19:30 Việt Nam). Tuần tới, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ là tâm điểm của sự chú ý khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ kết thúc cuộc họp vào ngày 1 tháng 5.
Các nhà giao dịch trái phiếu đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu BoJ có thay đổi trong kế hoạch mua trái phiếu không. Việc sụt giảm có thể được coi là một bước bổ sung trong việc bình thường hóa. Sau cuộc họp tháng 3, BoJ cam kết sẽ tiếp tục mua lượng trái phiếu gần bằng với trước đây, tương đương khoảng 6 nghìn tỷ Yên (38.8 tỷ USD) mỗi tháng. Ueda tuần trước cho biết việc ngân hàng đột ngột rời khỏi thị trường là khá “nguy hiểm”.
Naomi Muguruma, chiến lược gia của bộ phận trái phiếu tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: “Những gì thị trường trái phiếu đang thấy chính là chỉ dẫn cho việc mua trái phiếu dài hạn. Việc mua trái phiếu không còn công cụ cho mục tiêu chính sách, nhưng cũng không thể phủ định việc BoJ mua sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường.”
Bloomberg