BOJ giữ nguyên chính sách tiền tệ, nhận xét tiêu cực về tình hình kinh tế hiện tại
Ngô Văn Thịnh
Economic Analyst
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chương trình nới lỏng khổng lồ của mình trong khi đưa ra cái nhìn ảm đạm hơn về tình hình hiện tại của nền kinh tế trong bối cảnh số ca nhiễm virus gia tăng và biện pháp phong tỏa khẩn cấp ngày càng mở rộng.
BOJ không thay đổi lãi suất và chương trình mua tài sản, theo một tuyên bố từ ngân hàng trung ương hôm thứ Năm. Tất cả 44 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát đều dự báo không có thay đổi về các chính sách chính của ngân hàng trung ương này trước khi đánh giá lại chính sách vào tháng 3.
Ngân hàng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 có thể phản ánh mối quan ngại mới về đại dịch, nhưng cho biết nền kinh tế có khả năng đi theo xu hướng cải thiện và dự báo tăng trưởng mạnh hơn trong năm tài khóa 2021.
Tỷ lệ lây nhiễm gia tăng vào tuần trước đã buộc Thủ tướng Yoshihide Suga mở rộng tình trạng khẩn cấp ra ngoài khu vực Tokyo, bao gồm hầu hết các trung tâm kinh tế khác của Nhật Bản.
BOJ đã tập trung nỗ lực trong suốt thời gian đại dịch để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn và giữ cho thị trường ổn định. Sự thành công tương đối của họ cho đến nay và triển vọng về việc tung ra vắc-xin trong những tháng tới có thể sẽ giúp họ có đủ nguồn lực để điều tiết tăng trưởng vào lúc này, ngay cả khi 60% nền kinh tế đang ở trong tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, quan điểm ảm đạm hơn của ngân hàng về tình hình kinh tế đất nước và những rủi ro đi kèm, cho thấy rằng ngân hàng này còn cách xa sự lạc quan nhưng có phần thận trọng của một số ngân hàng trung ương khác. Một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang nhìn thấy khả năng nước Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau khi vắc xin được phân phối rộng rãi.
Mức chênh lệch lợi suất có thể giúp giảm bớt một số áp lực tăng giá đối với đồng Yên. Đồng tiền này đã chạm mức cao nhất trong chín tháng so với đồng USD vào đầu tháng này, đẩy các nhà xuất khẩu Nhật Bản đến gần mức thua lỗ khi họ đang phải đối mặt với nhu cầu thấp hơn trong bối cảnh đại dịch.