BoJ sắp thắt chặt định lượng (QT): Nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
Ngọc Lan
Junior Editor
Trong cuộc họp chính sách vào thứ Sáu này, BoJ có thể sẽ cung cấp định hướng về cách thức họ dự định giảm bảng cân đối kế toán khổng lồ quy mô 5 nghìn tỷ USD. Đây được xem là bước lùi chậm nhưng chắc chắn khỏi chính sách kích thích tiền tệ lớn của BoJ trước đây.
Dưới đây là một số phương pháp khả thi mà BoJ có thể áp dụng để tiến hành thắt chặt định lượng (QT), nhằm giảm quy mô bảng cân đối kế toán đã phình to gần 1.3 lần quy mô nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều năm việc nới lỏng tiền tệ được đẩy mạnh.
Kế hoạch và thông tin hiện tại của BoJ là gì?
Kể từ khi chấm dứt chính sách lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu vào tháng 3, BoJ cam kết sẽ tiếp tục mua khoảng 6 nghìn tỷ Yên (tương đương 38 tỷ USD) trái phiếu chính phủ mỗi tháng để tránh việc thay đổi chính sách gây ra sự tăng vọt đột biến của lợi suất trái phiếu.
Thống đốc BoJ - ông Kazuo Ueda đã tuyên bố BoJ cuối cùng sẽ giảm mua trái phiếu, nhưng không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về thời điểm thực hiện.
Vấn đề này đã được hội đồng quản trị thảo luận vào tháng 4, một số thành viên kêu gọi cần giảm bảng cân đối kế toán của ngân hàng, bao gồm việc giảm dần việc mua trái phiếu hàng tháng hoặc đưa ra kế hoạch cụ thể trong tương lai.
BoJ sẽ quyết định gì trong cuộc họp vào thứ Sáu?
Các nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng BoJ sẽ thảo luận về việc giảm dần quy mô mua trái phiếu, nhưng quyết định này phụ thuộc vào diễn biến thị trường trước cuộc họp, bao gồm cả những động thái sau cuộc họp chính sách của Fed vào thứ Tư.
Với việc lợi suất trái phiếu Nhật Bản ổn định và đồng Yên vẫn suy yếu, BoJ có thể quyết định giảm nhẹ quy mô mua trái phiếu hàng tháng từ 6 nghìn tỷ Yên hoặc thu hẹp phạm vi mua trái phiếu mỗi tháng.
Tuy nhiên, do một số thành viên hội đồng quản trị phản đối việc giảm mua trái phiếu sớm, BoJ có thể thay vào đó chỉ đưa ra tuyên bố mơ hồ về cam kết giảm mua trái phiếu trong tương lai. Những cam kết như vậy có thể được đưa vào tuyên bố chính sách của BoJ hoặc được Thống đốc Ueda đưa ra trong buổi họp báo sau cuộc họp.
Những thách thức BOJ đang đối mặt?
Với lạm phát vượt quá mục tiêu 2%, BoJ có kế hoạch tăng lãi suất ngắn hạn dần dần lên mức vừa đủ để không làm nền kinh tế giảm nhiệt hoặc tăng trưởng nóng. Các nhà phân tích cho rằng mức lãi suất này có thể nằm trong khoảng 1 - 2%. Điều đó có nghĩa là BoJ cần tăng lãi suất nhiều lần trong những năm tới so với mức hiện tại là 0 - 0.1%.
Trong quá trình này, BoJ cần bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình. BoJ ước tính việc này sẽ giúp giảm khoảng 1% lãi suất vay dài hạn. Bằng cách này, các lần tăng lãi suất trong tương lai sẽ có hiệu quả hơn trong việc giảm bớt mức độ hỗ trợ tiền tệ hiện tại.
BoJ còn nhiều việc phải làm. Bảng cân đối kế toán của BoJ hiện tương đương 125% GDP của Nhật Bản, gấp 5 lần tỷ lệ bảng cân đối kế toán/GDP của Fed. Điều đó có nghĩa là BoJ cần bắt đầu giảm quy mô mua trái phiếu khá sớm, theo các nhà phân tích.
Những rủi ro tiềm ẩn?
Tình hình tài chính khó khăn của Nhật Bản buộc BoJ phải tránh gây ra những cú sốc tăng lợi suất trái phiếu. Bởi vì nếu lãi suất tăng đột ngột, chi phí vay nợ cho khoản nợ công khổng lồ của đất nước cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Nhiều năm can thiệp mạnh mẽ của BoJ đã khiến các nhà tham gia thị trường trái phiếu quen thuộc với sự hiện diện lớn lao của Ngân hàng. Do đó, ngay cả những dấu hiệu nhỏ về việc giảm quy mô mua trái phiếu cũng có thể gây bất ổn cho thị trường.
Vì vậy, BoJ sẽ không theo chân Fed, vốn đã thu hẹp bảng cân đối kế toán theo một lịch trình cố định và được xác định trước, từ mức đỉnh điểm gần 9 nghìn tỷ Yên xuống còn 7.4 nghìn tỷ Yên vào tháng 3.
Thay vì giảm mạnh quy mô mua trái phiếu ngay lập tức, BoJ sẽ tiếp tục thông báo rõ ràng về lượng trái phiếu dự định mua hàng tháng. Đồng thời, BoJ cũng sẽ trấn an thị trường rằng bất kỳ việc giảm dần quy mô mua trái phiếu nào cũng sẽ diễn ra chậm rãi và ổn định. Bên cạnh đó, BoJ vẫn cam kết can thiệp vào thị trường nếu lợi suất trái phiếu tăng quá đột ngột.
Investing