BOJ sẽ phản ứng như thế nào nếu tỷ giá USD/JPY hướng về mốc 100.00
Tùng Trịnh
CEO
Đồng Yên Nhật liên tục tăng mạnh thời gian vừa qua đã đẩy cặp USD/JPY hướng về mốc cản tâm lý quan trọng 100.00, gây áp lực khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể phải cân nhắc hạ lãi suất.
Giới chức Nhật Bản hẳn đã đứng ngồi không yên khi cặp USD/JPY giảm 4% vào hôm qua và có lúc chạm mốc 101.19, thấp nhất kể từ tháng 10/2016, trước khi hồi phục. Đồng Yên tăng mạnh do chứng khoán lao dốc vì giá dầu sụp đổ bên lề hội nghị OPEC+.
“Nếu tỷ giá USD/JPY giảm xuống dưới mốc 100.00, điều chúng ta cần làm là theo dõi phản ứng từ BOJ” ông Takenobu Nakashima, chiến lược gia cao cấp tại Nomura Securities cho biết: “Xét trên yếu tố phối hợp đồng nhất giữa các Ngân hàng trung ương toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, việc Ngân hàng trung ương Châu Âu có quyết định hạ lãi suất hay không sẽ là một yếu tố quan trọng cho quyết định tiếp theo của BOJ”
Một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản hôm thứ Hai cho biết: chính phủ Nhật sẽ giám sát thị trường với tinh thần khẩn trương. BOJ dự kiến họp vào tuần tới, ngay sau cuộc họp chính sách mà thị trường kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất của Fed.
Noriatsu Tanji, chiến lược gia trái phiếu chính phủ của Mizuho Securities nói: “Trong điều kiện hiện nay, thị trường chủ yếu chạy theo định hướng chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương, vì vậy BOJ nên đưa ra hành động nhằm giảm áp lực lên đồng Yên”
“Với phạm vi hạ lãi suất không còn nhiều, và giá trị hợp lý cho USD/JPY đang trong khoảng 100.00 dựa trên ngang giá sức mua, việc USD/JPY giảm xuống mốc đó sẽ là một thước đo cho phản ứng của BOJ”, ông Tanji cho biết thêm.
Lần cuối cùng đồng Dollar Mỹ giao dịch dưới mốc 100.00 so với Yên Nhật là vào tháng 8 năm 2016, vài tháng sau khi BOJ đưa ra chính sách lãi suất âm. Cặp tiền đã bắt đầu tăng trở lại qua mốc này sau khi BOJ kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng 9, củng cố cam kết của ngân hàng này về việc giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật giảm xuống mức -0.20% vào thứ Hai, thấp nhất kể từ tháng 10, nhưng vẫn cao hơn kỷ lục -0.3% tháng 7 năm 2016. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ hôm qua cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới 0.5%.
Theo ông Brad Bechtel, trưởng nhóm giao dịch ngoại tệ tại Jefferies, New York, Ngân hàng BOJ và Bộ tài chính Nhật Bản “sẽ đưa ra một số biện pháp hỗ trợ kinh tế giúp giảm áp lực đối với đồng Yên”.
Theo một khảo sát của Bloomberg, phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng BOJ sẽ tăng cường các gói kích thích tại cuộc họp chính sách tháng này, đồng thời giữ nguyên lãi suất âm như hiện nay. Nhưng về phía các nhà đầu tư, họ theo dõi cả sự can thiệp bằng lời nói cũng như quyết định hạ lãi suất từ ngân hàng này, Takuya Kanda, tổng giám đốc của viện nghiên cứu Gaitame.com, Tokyo cho biết.
“Tuy nhiên, những biện pháp này có thể gây ra tác dụng ngược”, ông nói, “bất kỳ sự phục hồi nào của đồng Dollar Mỹ có thể chỉ là tạm thời cho đến khi một lực bán mới xuất hiện. Rất khó để kết luận thị trường sẽ phản ứng như thế nào. Thị trường vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả nếu BOJ hạ lãi suất âm xuống thêm 10 điểm cơ bản, một mức giảm được cho là hợp lý đối với phương án này", theo ông Tanji. Một quyết định như vậy khó có thể tạo ra sự phục hồi mạnh mẽ cho USD/JPY, ông nói.
Bà Naomi Muguruma, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho rằng “việc hạ lãi suất của BOJ sẽ không chỉ không hiệu quả đối với sự lây lan của virus Corona. Nếu BOJ không tự tin với chính giải pháp của mình, một hành động nửa vời có thể còn khiến đồng Yên tăng mạnh hơn”.
Trong diễn biến mới nhất, tỷ giá USD/JPY đã phục hồi lại vùng 105 hôm nay khi tâm lý rủi ro và lợi suất Mỹ phục hồi sau động thái cam kết giảm thuế của Trump.