BoJ trước “ngưỡng cửa” tăng lãi suất: Quyết định nằm trong bối cảnh kinh tế và chính trị
Huyền Trần
Junior Analyst
BoJ không có thay đổi lớn trong dự báo lạm phát, nhưng vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất.
BoJ cho rằng nền kinh tế đang đi đúng hướng để đạt mục tiêu lạm phát.
BoJ có thể chờ đợi để tăng lãi suất, nhưng không loại trừ khả năng sẽ hành động sớm.
Các yếu tố như Fed, tỷ giá đồng yên và tình hình chính trị có thể ảnh hưởng, nhưng dữ liệu kinh tế đang tạo điều kiện cho việc tiếp tục tăng lãi suất.
Với những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế Nhật Bản và việc giảm bớt lo ngại suy thoái ở Mỹ, khả năng BoJ sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1 đang ngày càng rõ ràng. Tuy nhiên, nội bộ chính trị phức tạp cùng với sự xuất hiện của chính phủ mới có thể làm thay đổi cục diện.
Thống đốc BoJ, ông Kazuo Ueda gần đây đã thể hiện quan điểm dovish hơn, cùng với Thủ tướng mới, Shigeru Ishiba bày tỏ quan ngại về việc tiếp tục tăng lãi suất, làm dấy lên những nghi ngờ về thời điểm BoJ sẽ thực hiện bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhiều nguồn tin nội bộ, những lý do kinh tế để BoJ đẩy lãi suất thoát khỏi mức thấp kỷ lục đang ngày càng rõ rệt, và ngân hàng trung ương có thể sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ hơn về khả năng tăng lãi suất.
BoJ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 30-31 tháng 10 sắp tới, nhưng nhiều khả năng vẫn giữ dự báo lạm phát ở mức mục tiêu 2% cho đến hết tháng 3/2027, theo ba nguồn tin quen thuộc với kế hoạch của ngân hàng.
Nobuyasu Atago, cựu quan
chức BoJ và hiện là nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chứng khoán Rakuten, nhận định rằng BoJ không cần chờ đến tháng 3 để tăng lãi suất lần tiếp theo. "Sự giảm bớt lo ngại suy thoái kinh tế tại Mỹ đang tạo điều kiện cho BoJ tiếp tục tăng lãi suất. Từ góc nhìn này, khả năng tăng lãi suất trong ngắn hạn đang dần tăng lên," Atago cho biết. Ông cũng tin rằng chính quyền Thủ tướng Ishiba sẽ không cản trở BoJ trong việc tăng lãi suất.
Khi áp lực lạm phát từ chi phí nhập khẩu giảm bớt, Ueda đã tuyên bố rằng BoJ có thể “dành thời gian” để đánh giá các rủi ro, bao gồm sự bất ổn của thị trường và tình hình kinh tế Mỹ, trước khi quyết định về lãi suất. Tuy nhiên, BoJ sẽ hành động nếu điều kiện thuận lợi cho việc tăng lãi suất xuất hiện, theo các nguồn tin.
Nhiều quan chức BoJ tin rằng nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phục hồi, với mức lương tăng lên giúp thúc đẩy tiêu dùng và duy trì đà tăng giá cả trên diện rộng, những yếu tố cần thiết để tiếp tục tăng lãi suất.
“Mặc dù không có dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đang tăng nhanh, BoJ cũng không có lý do gì để trì hoãn việc tăng lãi suất nếu các điều kiện thích hợp,” một nguồn tin chia sẻ. “Điều BoJ có lẽ đang làm là tạo ra một khoảng thời gian linh hoạt để cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh chính sách,” một nguồn tin khác bổ sung.
BoJ đã kết thúc chính sách lãi suất âm vào tháng 3 và tăng chi phí vay ngắn hạn lên 0.25% vào tháng 7, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền tệ sau nhiều năm thực hiện chính sách kích thích mạnh mẽ dưới thời thống đốc trước.
Định hình chính sách trong bối cảnh bất ổn
Sự không rõ ràng về lập trường của Thủ tướng Shigeru Ishiba đối với chính sách tiền tệ, kết hợp với nguy cơ biến động thị trường do Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất, đã làm tăng thách thức cho BoJ trong việc quyết định liệu có nên tiếp tục nâng lãi suất hay không.
Tuy nhiên, từ quan điểm kinh tế vĩ mô, BoJ có rất ít lý do để trì hoãn. Tiền lương cơ bản ở Nhật đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 32 năm vào tháng 8, nhờ kết quả của các cuộc đàm phán giữa người lao động và doanh nghiệp vào mùa xuân, khi các công ty đồng loạt nâng mức lương.
Những dấu hiệu về việc tiền lương tiếp tục tăng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nâng giá, theo một báo cáo của BoJ, làm tăng khả năng lạm phát sẽ lan rộng.
Dù nhu cầu từ Mỹ và Trung Quốc đang yếu đi, những ảnh hưởng tiêu cực này chưa tác động nhiều đến các nhà sản xuất Nhật Bản. Một khảo sát hàng quý của BoJ cho thấy tâm lý kinh doanh vẫn ổn định và các công ty vẫn duy trì kế hoạch đầu tư mạnh mẽ.
Các yếu tố rủi ro từ bên ngoài mà Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda đã đề cập, như triển vọng kinh tế Mỹ và sự biến động của thị trường, cũng đang dần hạ nhiệt.
Tăng trưởng việc làm mạnh mẽ tại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn ổn định, giảm bớt một trong những lý do để Ueda trì hoãn việc tăng lãi suất.
Thị trường Nhật Bản cũng đã ổn định trở lại, với chỉ số Nikkei phục hồi phần lớn sau đợt sụt giảm vào tháng 8. Đồng yên đã ổn định quanh mức 149 USD/JPY, không còn chạm đáy kỷ lục 162 như hồi tháng 7, và cũng chưa vượt ngưỡng 140 yên, mức có thể gây hại cho xuất khẩu nếu bị phá vỡ.
Báo cáo triển vọng hàng quý của BoJ, sẽ được công bố sau cuộc họp ngày 30-31 tháng 10, sẽ là chỉ báo quan trọng về mức độ lo ngại của ngân hàng đối với rủi ro từ thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Quan trọng nhất là liệu những rủi ro này có được đề cập trong định hướng chính sách tương lai của BoJ hay không, theo nguồn tin từ các nhà phân tích.
Sau cuộc họp tháng 10, BoJ dự kiến sẽ tổ chức thêm hai cuộc họp đánh giá lãi suất vào tháng 12 và tháng 1.
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thể diễn ra vào ngày 27/10 cũng sẽ là yếu tố then chốt trong việc xác định thời điểm tăng lãi suất tiếp theo.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản mới, Ryosei Akazawa, đã tuyên bố vào thứ Ba rằng chính quyền của Thủ tướng Ishiba không có ý định cản trở quyết định nâng lãi suất của BoJ.
Một số nhà phân tích cho rằng nếu Thủ tướng Ishiba giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử, khả năng BoJ tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1 sẽ tăng lên. Ishiba, trước đây được xem là người ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt, có thể sẽ tiếp tục ủng hộ quyết định này nếu củng cố được vị thế trong đảng.
"Sự bất ổn luôn tồn tại," một nguồn tin cho biết. "Từ giờ trở đi, thời điểm tăng lãi suất sẽ phụ thuộc nhiều vào đánh giá và quyết định của BoJ."
Reuters