Bumble được định giá 8.2 tỷ USD khi các nhà đầu tư "fall in love" với các ứng dụng hẹn hò
Các cổ phiếu IPO được định giá cao hơn phạm vi chào bán khi sự cạnh tranh ngày một gia tăng, và lần này cái tên được gọi là Bumble.
Bumble, một công ty kinh doanh dịch vụ hẹn hò trực tuyến, đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ Phố Wall vào thứ Tư, khi giá cổ phiếu trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng cao hơn phạm vi chào bán của họ và công ty được định giá ở mức hơn 8 tỷ USD.
Bumble - công ty sở hữu Badoo, vốn phổ biến như là một ứng dụng kết bạn ở châu Âu, cũng như ứng dụng cùng tên - đã bán cổ phiếu với giá 43 USD và thu được 2.2 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Trong một tín hiệu cho thấy nhu cầu nóng đối với các công ty công nghệ mới nổi, Bumble đã tăng số lượng cổ phiếu bán ra vào thứ Tư đồng thời vượt qua phạm vi giá dự kiến từ 37-39 USD cho một cổ phiếu.
Đợt phát hành lần đầu này sẽ là một cột mốc quan trọng đối với người sáng lập Bumble, Whitney Wolfe Herd, người đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh đồng thời ủng hộ chính sách phụ nữ nên “chủ động hành động trước” trên ứng dụng. Đợt phát hành này cũng có thể nâng cao sự cạnh tranh giữa Bumble và đối thủ thống trị trong ngành là Match Group, công ty sở hữu Tinder, OKCupid và Match.com và đã được niêm yết tại Mỹ.
Việc chào bán đánh dấu một sự thay đổi nhanh chóng dành cho Bumble, công ty đã bán phần lớn cổ phần cho Blackstone vào năm 2019 trong một thỏa thuận trị giá khoảng 3 tỷ USD. Với giá IPO, công ty sẽ có giá trị vốn hóa thị trường là 8.2 tỷ USD, dựa trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Hồ sơ IPO tiết lộ rằng Wolfe Herd đã nhận được 125 triệu USD tiền thu được như một phần của giao dịch với Blackstone, cũng như là một khoản vay do công ty này cung cấp, sau đó được quyết toán như một phần của kế hoạch lương rõ ràng.
Công ty cho biết họ có kế hoạch sử dụng phần lớn tiền thu được từ đợt chào bán để mua lại cổ phần từ các chủ sở hữu trước IPO và trả bớt nợ. Các chủ sở hữu tư nhân của Bumble sẽ giữ lại khoảng 97% quyền biểu quyết của công ty sau đợt chào bán.
Cạnh tranh ngày càng trở nên mạnh hơn giữa các công ty cung cấp ứng dụng hẹn hò. Hôm thứ Ba, Match thông báo rằng họ đang mua lại công ty cung cấp dịch vụ trò chuyện video Hyperconnect của Hàn Quốc với giá 1.7 tỷ USD, trong một động thái mở rộng danh mục đầu tư của mình sang châu Á.
Trước đây, Bumble đã cáo buộc Match nhiều lần cố gắng mua, sao chép và “đe dọa” công ty, trước khi cả hai bên giải quyết một số vụ kiện "ăn miếng trả miếng" về cáo buộc vi phạm bằng sáng chế và đánh cắp bí mật thương mại. Cá nhân Bumble cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Facebook, công ty truyền thông mạng xã hội lớn nhất thế giới, bắt đầu tung ra sản phẩm hẹn hò của riêng mình vào năm 2019.
Youssef Squali, trưởng bộ phận nghiên cứu truyền thông kỹ thuật số và internet tại Truist Securities cho biết, mặc dù Match đã xây dựng được một danh mục ứng dụng mạnh mẽ trên nhiều “ngách” khác nhau, nhưng người tiêu dùng có xu hướng sử dụng nhiều ứng dụng hẹn hò cùng một lúc. Squali nói: “Thị trường đủ lớn để đem lại nhiều sự thành công. Đó không phải là một sự lựa chọn hoặc là ứng dụng này, hay ứng dụng khác."
Bumble báo cáo rằng họ đã lỗ 117 triệu USD trong chín tháng đầu năm ngoái với doanh thu 417 triệu USD, do tăng trưởng doanh thu chậm lại. Công ty cho biết chi phí giao dịch được tính vào khoản lỗ. Goldman Sachs và Citigroup từng là những bên bảo hiểm chính cho đợt chào bán của Bumble.