Các công ty dầu mỏ đối mặt thách thức lớn
Linh Đặng
Investment Analyst
Các nhà sản xuất dầu đã chuẩn bị cho cuộc thách thức khác trước cuối năm nay, với các quốc gia nặng ký trong OPEC+ là Saudi Arabia và Nga có quan điểm khác nhau về cách tiếp cận với sự phục hồi nhu cầu dầu đang chững lại
Các hạn chế đối với việc đi lại và tụ họp trên khắp châu Âu, cùng với việc cắt giảm các gói hỗ trợ của chính phủ dành cho các công ty đang làm giảm nhu cầu dầu thô. Theo đó, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng kỷ lục 9.7 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ đều đã tiếp tục cắt giảm dự báo về nhu cầu dầu của năm nay. Trong hai tháng qua, IEA đã cắt giảm dự báo 400,000 thùng/ngày, trong khi OPEC giảm 500,000 thùng, và chúng thậm chí còn có thể giảm hơn. Neil Atkinson, Giám đốc Bộ phận Thị trường và Công nghiệp Dầu mỏ của IEA, cho biết tại một sự kiện của Bloomberg hôm thứ Năm rằng cơ quan này nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm dự báo nhu cầu trong các báo cáo hàng tháng tiếp theo.
Nhu cầu suy yếu
Các nhà phân tích của Standard Chartered, bao gồm Emily Ashford và Paul Horsnell, cho biết trong một báo cáo tuần trước, nhu cầu dầu chịu ảnh hưởng từ tư do thương mại giảm, nền kinh tế suy yếu, việc đóng cửa kinh doanh và mất việc làm.
Vào thời điểm mà nhu cầu dầu được cho là đang phục hồi, thì giờ đây nó dường như đi ngược lại. Làm việc tại nhà và những hạn chế đối với các hoạt động xã hội, được kích hoạt bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở châu Âu, sẽ “xung đột” với việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Việc tiêu thụ dầu của Mỹ cũng gặp phải những trở ngại tương tự, với sự hỗ trợ của chính phủ theo Đạo luật An ninh Kinh tế, Cứu trợ và Viện trợ Coronavirus sắp kết thúc vào ngày 30 tháng 9. Ngay cả châu Á cũng không được loại trừ, Thái Lan là quốc gia duy nhất gần chứng kiến sự phục hồi hình chữ V, theo Standard Chartered.
Tất nhiên, không phải tất cả mọi vấn đề đều xuất phát từ nhu cầu dầu. Dư địa nguồn cung bổ sung từ các nước OPEC+ cũng phụ thuộc vào lượng dầu từ các nơi khác. Do đó, cũng tồn tại những sự không chắc chắn về nguồn cung.
Có những lo ngại - hoặc hy vọng, nếu bạn là nhà sản xuất dầu đối thủ - rằng sản lượng khai thác từ các mỏ đá phiến của Hoa Kỳ sẽ giảm mạnh nữa trong những tuần và tháng tới. Theo Emily Ashford cảnh báo tuần trước, tình trạng hồi phục ở Hoa Kỳ thấp đến mức có thể sắp xảy ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất hàng tháng.
Sụt giảm mạnh
Dữ liệu hàng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy sản lượng dầu thô nội địa sụt giảm trong năm nay vừa dốc hơn vừa sâu hơn so với dữ liệu hàng tuần sơ bộ của họ. Một sự sụt giảm khác trong sản lượng của Mỹ sẽ tạo thêm dư địa cho nhóm OPEC+ nâng sản lượng.
Nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề như đã đề cập trên đây. Mặc dù việc tuân thủ việc cắt giảm sản lượng như đã hứa là điều tốt - một phần nhờ vào thái độ vô lý của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz Bin Salman - một số quốc gia vẫn đang vật lộn để thực hiện cắt giảm toàn bộ.
Libya, nước vẫn nằm ngoài thỏa thuận nhóm,đang tạo ra nguồn bất ổn khác. Thỏa thuận chính trị trong cuộc nội chiến kéo dài của các thành viên OPEC có thể cho phép nước này thúc đẩy xuất khẩu, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu vào thời điểm không thuận lợi cho phần còn lại của nhóm. Công ty dầu khí nhà nước dự đoán nguồn cung có thể nhanh chóng tăng lên 260.000 thùng/ngày từ khoảng 1/3 mức đó. Goldman Sachs cho rằng xuất khẩu có thể đạt gấp đôi vào cuối năm.
Ngay cả những nhà giao dịch dầu lớn nhất thế giới - bao gồm Vitol Group, Trafigura Group và Mercuria Energy Group - cũng không có quan điểm thống nhất về triển vọng đối với dầu trong những tháng tới. Người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Mercuria, Marco Durnand cho biết “chúng tôi không có nhu cầu thêm dầu” mà OPEC + đang lên kế hoạch bơm từ tháng Giêng. Các giám đốc điều hành của Trafigura cũng khá quan ngại, nhưng Vitol có quan điểm lạc quan hơn hẳn so với các đối thủ.
Với rất nhiều sự không chắc chắn, không có gì ngạc nhiên khi căng thẳng đang xuất hiện trong nhóm OPEC+. Trên hết, Ả Rập Xê-út muốn ngăn giá dầu trượt dốc, và Bộ trưởng Năng lượng nước này cho biết OPEC + sẽ “chủ động và phủ đầu” để ngăn nguồn cung vượt cầu
Phân tích thỏa thuận
Người đồng cấp Nga Alexander Novak tỏ ra thận trọng hơn, muốn tránh liên tục sửa đổi thỏa thuận, vốn đã đặt ra mục tiêu sản xuất đến cuối tháng 4 năm 2022. Thỏa thuận đó cho thấy tập đoàn sẽ bổ sung thêm 2 triệu thùng/ngày vào sản lượng chung từ đầu tháng 1 ( xem biểu đồ ở trên), và Novak muốn đợi càng lâu càng tốt trước khi thay đổi điều đó.
Tất cả chúng ta đều đã thấy sự bất đồng giữa hai nước lớn trong nhóm OPEC+ có thể dẫn đến đâu. Hồi tháng 3 cũng có bất đồng tương tự, với việc Nga muốn giữ nguyên hiện trạng và Ả Rập Xê-út tìm cách cắt giảm sản lượng sâu hơn, dẫn đến đẩy giá dầu xuống dưới 20 USD/thùng. Và rõ ràng chẳng ai muốn lặp lại điều này.