Các ngân hàng trung ương bán mạnh vàng lần đầu tiên trong một thập kỷ!
Hữu Thăng
FX Strategist
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan dẫn đầu đà bán ra trong Quý 3 Tổng nhu cầu vàng giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, theo Hội đồng vàng thế giới.
Các ngân hàng trung ương lần đầu tiên bán ròng vàng mạnh mẽ kể từ năm 2010 khi một số quốc gia sản xuất tận dụng mức giá cao kỷ lục để ứng phó với tác động từ đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), đà bán ròng đạt 12.1 tấn trong Quý 3, so với lượng mua 141.9 tấn của năm ngoái. Doanh số bán chủ yếu đến từ Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi NHTW Nga cũng có quý đầu tiên bán vàng sau 13 năm.
Dòng vốn đổ vào các quỹ ETFs đã thúc đẩy giá vàng trong năm 2020, trong khi những năm trước đó hoạt động mua vào của các NHTW là động lực giúp củng cố vị thế của vàng thỏi. Citigroup đưa ra dự đoán trong tháng trước rằng nhu cầu của các NHTW sẽ phục hồi vào năm 2021, sau khi chậm lại trong năm nay do lượng mua vào gần đạt mức kỷ lục trong 2 năm 2018 và 2019.
Louise Street, nhà phân tích trưởng tại WGC, cho biết: “Không có gì ngạc nhiên khi trong bối cảnh này, các ngân hàng có thể xem xét sử dụng kho dự trữ vàng của họ. Hầu như lượng vàng bán ra là từ các NHTW mà mua từ nguồn trong nước rồi tận dụng giá vàng cao để giải quyết vấn đề tài khoá của mình”.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ và Uzbekistan đã bán lần lượt 22.3 tấn và 34.9 tấn vàng trong quý 3 tương ứng, WGC cho biết. Uzbekistan đã và đang đa dạng hoá dự trữ quốc tế và giảm bớt tỷ trọng nắm giữ vàng khi quốc gia Trung Á này trải qua nhiều thập kỷ bị cô lập.
WGC cho biết giá vàng tăng kỷ lục trong quý, ngay cả khi nhu cầu vàng nói chung giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009, WGC cho biết. Sự sụt giảm đó diễn ra do nhu cầu đồ trang sức của Ấn Độ giảm một nửa, trong khi sức tiêu thụ đồ trang sức của Trung Quốc cũng yếu hơn.
Theo WGC, sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ đồ trang sức đã được bù đắp một phần bởi nhu cầu tăng vọt 21% tới từ các nhà đầu tư, theo WGC, với dữ liệu từ cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Metals Focus. Vàng thỏi và tiền xu vàng chiếm tỷ trọng lớn do dòng vốn chảy vào các quỹ ETFs chậm lại so với các quý trước.
Tổng cung vàng giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng khai thác vẫn suy giảm, ngay cả sau khi các quy định hạn chế do COVID-19 được dỡ bỏ ở các địa điểm sản xuất như Nam Phi. Sự gia tăng hàng quý của hoạt động tái chế đã phần nào xoa dịu bớt tác động của sự sụt giảm của nguồn cung, cùng với việc người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn.