Các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu có những hướng đi khác biệt
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Từ việc tạm dừng một cách hawkish, tăng lãi suất, tới dovish, các ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới đã có những động thái vô cùng khác biệt về chính sách tiền tệ trong tuần qua.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất vào ngày thứ Năm với triển vọng lạm phát xấu đi, khiến nhà đầu tư dự báo thêm nhiều lần tăng lãi suất hơn trong khu vực đồng euro.
Điều này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tạm dừng việc tăng lãi suất. Ngay trước đó vài ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giảm lãi suất cho vay trung hạn để kích thích nền kinh tế. Tại Nhật Bản, nơi lạm phát tiếp tục vượt mục tiêu, ngân hàng trung ương vẫn giữ nguyên chính sách siêu nới lỏng.
"Nhìn lại những gì họ đã làm không chỉ cho thấy đang có một sự phân kỳ mới về cách tiếp cận chính sách tiền tệ, mà còn cả một nền kinh tế toàn cầu không còn đồng bộ với những chu kỳ rất khác nhau," theo Carsten Brzeski, giám đốc vĩ mô toàn cầu ngân hàng ING.
Ở châu Âu, lạm phát Eurozone đã giảm nhưng vẫn cao hơn mục tiêu của ECB. Trường hợp này tương tự tại Vương quốc Anh, với Ngân hàng trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất vào thứ Năm sau dữ liệu lao động rất tích cực.
Fed, ngân hàng trung ương đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất trước ECB, quyết định tạm dừng vào tháng Sáu - nhưng cho biết sẽ còn hai lần tăng lãi suất trong năm nay, đồng nghĩa với việc chu kỳ tăng lãi suất của Fed chưa hoàn tất.
Tuy nhiên, bối cảnh tại châu Á lại khác. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang trì trệ, với nhu cầu trong và ngoài nước đều suy yếu, dẫn đến các nhà hoạch định chính sách nới lỏng để kích thích hoạt động kinh tế.
Ở Nhật Bản - quốc gia trải qua nhiều năm giảm phát - ngân hàng trung ương cho biết dự kiến lạm phát sẽ giảm vào cuối năm nay và chưa chọn bình thường hóa chính sách.
"Mỗi ngân hàng trung ương cố gắng giải quyết vấn đề cho nền kinh tế của riêng mình, bao gồm xem xét thay đổi trong điều kiện tài chính áp đặt từ nước ngoài," Erik Nielsen, cố vấn kinh tế trưởng tại UniCredit cho biết.
Tác động đến thị trường
Theo Reuters, vào ngày thứ Sáu, EURJPY đã chạm mức cao nhất trong 15 năm, nhờ phân kỳ chính sách tiền tệ giữa 2 bên. EURUSD cũng đã vượt qua ngưỡng 1.09 sau quyết định của ECB.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm chạm mức cao nhất trong 3 tháng vào thứ Sáu, do kỳ vọng rằng ECB sẽ tiếp tục hawkish trong ngắn hạn.
"Việc chúng ta bắt đầu thấy sự phân kỳ này là hợp lý. Trước đây, các ngân hàng trung ương lớn còn rất nhiều dư địa thắt chặt, trong khi bây giờ, việc họ ở các giai đoạn khác nhau sẽ dẫn đến những quyết định khác nhau phải được đưa ra," Konstantin Veit, nhà quản lý danh mục tại PIMCO cho biết. "Điều này thực sự sẽ tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư."
Khi được hỏi trong cuộc họp báo về quyết định tăng lãi suất của bà Lagarde so với quyết định tạm dừng của Fed, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã trả lời: "Chúng tôi không nghĩ đến việc tạm dừng. Liệu chúng tôi đã xong? Chưa, chúng tôi chưa đến đích," bà nói, đánh tiếng ít nhất một lần tăng lãi suất nữa vào tháng 7.
Đối với một số nhà kinh tế, sớm muộn ECB cũng sẽ đối mặt với tình huống tương tự như Fed. "Fed đang đi trước ECB khi kinh tế Mỹ cũng đi trước Eurozone vài quý. Điều này có nghĩa là, muộn nhất sau cuộc họp vào tháng 9, ECB cũng sẽ phải đối mặt với cuộc tranh luận về việc tạm dừng hay không," Brzeski nói.
CNBC