Các nhà đầu cơ Trung Quốc đẩy giá vàng tăng phi mã
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Việc các nhà đầu cơ Trung Quốc đặt cược lớn vào việc giá vàng tăng đã thúc đẩy kim loại quý chạm mức đỉnh mọi thời đại trong tháng này. Đây là một dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch châu Á đang bắt đầu lấn át các đối tác phương Tây về tầm ảnh hưởng trên thị trường vàng thỏi
Vị thế mua do các nhà giao dịch nắm giữ trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng lên 295,233 hợp đồng, tương đương 295 tấn vàng. Điều đó đánh dấu mức tăng gần 50% kể từ cuối tháng 9 trước khi căng thẳng địa chính trị bùng lên ở Trung Đông.
Vị thế bullish cũng tăng kỷ lục với 324,857 hợp đồng đã được ghi nhận vào đầu tháng này, theo dữ liệu của Bloomberg từ năm 2015.
Một công ty thương mại, Zhongcai Futures, đã tích lũy vị thế bullish đối với hợp đồng tương lai vàng SHFE tương đương với hơn 50 tấn kim loại quý– trị giá gần 4 tỷ USD và tương đương với hơn 2% dự trữ vàng thỏi của PBoC.
Khối lượng vàng giao dịch trên SHFE đã tăng hơn 5 lần mức trung bình của năm ngoái, đạt mức 1.3 triệu lô vào ngày giao dịch cao điểm của tuần trước. Sự điên cuồng này được các nhà phân tích cho là nguyên nhân của đợt tăng giá kỷ lục lên trên 2,400 USD/ ounce trong tháng này.
Các nhà đầu cơ Trung Quốc đã thúc đẩy sự phục hồi của vàng
John Reade, chiến lược gia thị trường tại Hội đồng vàng thế giới, một cơ quan trong ngành, cho biết: “Các nhà đầu cơ Trung Quốc đã thực sự khiến vàng tăng phi mã”.
“Các thị trường mới nổi thường là những người tiêu dùng cuối cùng trong nhiều thập kỷ nhưng họ không có khả năng định giá vì dòng vốn mạnh mẽ ở phương Tây. Bây giờ, chúng ta đang tiến đến giai đoạn mà nhà đầu cơ ở các thị trường mới nổi có thể phát huy sức mạnh định giá.”
Vàng đã tăng hơn 40% kể từ tháng 11 năm 2022, được hỗ trợ bởi hoạt động mua vàng thỏi kỷ lục của các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối ngoài USD và dấu hiệu lãi suất đạt đỉnh.
Kim loại quý, thường được sử dụng như một hàng rào chống lạm phát và sự mất giá của tiền tệ, đã được hỗ trợ nhờ vị thế trú ẩn an toàn kể từ khi xung đột Israel-Gaza bùng nổ vào tháng 10, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2,431 USD/ ounce vào tuần trước.
Giao dịch vàng bùng nổ tại Trung Quốc
Mặc dù vậy, quy mô của đợt tăng giá đã khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên, họ chỉ ra rằng sự gia tăng này mâu thuẫn với dòng vốn rút ra từ các quỹ ETF của Mỹ và châu Âu.
Một số ý kiến cho rằng hoạt động trên SHFE và Sàn giao dịch vàng Thượng Hải - nơi khối lượng giao dịch trên một hợp đồng đã tăng gấp đôi trong tháng 3 và tháng 4 so với năm ngoái - là động lực lớn thúc đẩy đà tăng, khi các nhà đầu tư Trung Quốc muốn đa dạng hóa tài sản khi thị trường bất động sản bất ổn và chứng khoán sụt giảm.
Zhongcai, được Bian Ximing thành lập cách đây ba thập kỷ với tư cách là nhà sản xuất ống nhựa PVC trước khi mở rộng sang lĩnh vực giao dịch hợp đồng tương lai, đứng đầu trong nhóm các công ty thương mại Trung Quốc đặt cược lớn vào sự tăng giá nhanh chóng của vàng và sau đó là sự thoái lui từ mức cao kỷ lục.
Vàng tăng với tốc độ tên lửa
Reade cho biết: “Các nhà giao dịch ngắn hạn trên thị trường tương lai có đòn bẩy có thể nhanh chóng đẩy giá lên cao hơn hoặc thấp hơn”.
Giá vàng giảm mạnh vào thứ Hai và giao dịch ở mức 2,326 USD/ounce vào thứ Ba.
Các nhà giao dịch Trung Quốc khác, chẳng hạn như Citic Futures và Guotai Junan Futures, cũng có vị thế mua lớn đối với hợp đồng tương lai vàng SHFE.
Bian, nhà đầu tư vào Alibaba Pictures, tập đoàn truyền thông Trung Quốc đứng sau Green Book, bộ phim đoạt giải Oscar 1917 và một số bộ phim Mission Impossible gần đây, đã viết vào năm 2022 rằng lạm phát cao và chiến tranh ở Ukraine có nghĩa là “đây là thời điểm thích hợp để đóng toàn bộ vị thế của quỹ giao dịch vàng ở Thượng Hải”.
Theo Wind, một nhà cung cấp thông tin tài chính Trung Quốc, một quỹ do Zhongcai quản lý đã ghi nhận mức lợi nhuận hơn 160% vào năm 2024.
Zhongcai và Bian không bình luận về thông tin trên.
Financial Times