Các nhà đầu tư quá háo hức đặt cược rằng tác động của đại dịch sẽ dần biến mất
Đỗ Duy Đạt
Associate Manager, FX G7
Tài sản toàn cầu dễ bị tổn tương một khi các nhà đầu tư nhận ra rằng họ đã làm ngơ hậu quả của đại dịch đang đe dọa làm chậm tăng trưởng toàn cầu.
Chứng khoán Ấn Độ và Nhật Bản gần đây chao đảo khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Tuy nhiên, các tài sản rủi ro khác không bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù sự sụt giảm ở những thị trường đó không nhất thiết phải ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, nhưng sự tương phản với cơn hoảng sợ lan tràn vào năm 2020 là rất rõ ràng.
Các lệnh phong tỏa hiện là rủi ro chính của tình hình Covid mà các nhà đầu tư đang tập trung vào. Chúng là thứ đã tác động mạnh đến các nền kinh tế vào năm 2020 và khiến tài sản rủi ro sụp đổ cho đến khi các ngân hàng trung ương và chính phủ ra tay giải cứu.
Với giả định rằng chúng ta sắp đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vắc-xin, xác suất phong tỏa đã giảm xuống - và không chỉ ở các quốc gia phát triển. Các quốc gia sẽ ngày càng miễn cưỡng trong việc sử dụng các lệnh hạn chế bắt buộc làm tuyến phòng thủ đầu tiên hoặc thậm chí thứ 3 của họ. Họ sẽ phải vật lộn để biện minh cho những hậu quả kinh tế nghiêm trọng của các biện pháp nghiêm ngặt như vậy, nhất là khi xem xét những lần virus tái bùng phát sau khi mở cửa trở lại.
Các nhà đầu tư đang đổ xô vào thị trường chứng khoán, gạt sang một bên rủi ro kinh tế liên quan đến Covid, dân số giảm và thay đổi trong hành vi chi tiêu, được thu hút bởi những dữ liệu kinh tế lạc quan nhờ các tác động của các biện pháp kích thích kinh tế.
Như tôi đã nói trước đây, triển vọng dài hạn là tăng trưởng một cách ảm đạm hơn khi quá trình phục hồi ban đầu qua đi. Và sự bùng nổ ban đầu nhanh hơn sẽ làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương và chính phủ kiềm chế chương trình kích thích sớm hơn. IMF dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trung bình 3 năm vào năm 2026 sẽ chậm hơn so với năm 2019 và các dự báo của họ thường có phần hơi “lạc quan”.
Dù bạn nhìn vào đâu, định giá thị trường chứng khoán đang ở mức cao hơn đáng kể so với thời kỳ trước Covid. Điều đó đúng ngay cả với Ấn Độ và Nhật Bản, mặc dù TTCK ở đó đã giảm trong thời gian gần đây.
Một phần của sự lạc quan của các nhà đầu tư chắc chắn đến từ sự thành công của các ngân hàng trung ương ở các quốc gia phát triển trong việc kìm hãm lợi suất. Khi lãi suất phi rủi ro ở mức âm, sẽ có ít động lực hơn để định giá một cách thỏa đáng các mối đe dọa dài hạn
Nhưng điều đó không có nghĩa là những mối nguy hiểm như vậy không tồn tại - giống như nói lời tạm biệt với các lệnh phong tỏa không có nghĩa là tạm biệt tác động của đại dịch đối với các nền kinh tế.
Tốc độ triển khai vắc xin ấn tượng ở Hoa Kỳ đã không đủ đưa Covid-19 vào tầm kiểm soát. Những lo ngại về tác dụng phụ của vắc-xin cũng có thể làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Lo lắng sâu sắc hơn chính là việc triển khai nhiều loại vắc-xin không đủ để dập tắt đại dịch trên toàn thế giới. Như David Fickling đã chỉ ra, các thể đột biến sẽ gia tăng giữa các quần thể nơi virus đang hoành hành. Chúng có khả năng làm cho các loại vắc-xin hiện tại không còn hiệu quả và làm suy yếu kỳ vọng mở cửa thông thương quốc tế trong thời gian tới.
Không có điều gì trong số này có nghĩa là cú sập hồi tháng 3 năm 2020 sẽ lặp lại. Tuy nhiên, nó báo hiệu rằng các nhà đầu tư cần bình tĩnh lại và điều chỉnh kỳ vọng lạc quan của họ rằng Covid-19 sẽ được “giải quyết” vào nửa cuối năm nay.
Garfield Reynolds, Bloomberg