Các quốc gia nên áp dụng các ưu đãi về thuế để thu hút giới siêu giàu?

Các quốc gia nên áp dụng các ưu đãi về thuế để thu hút giới siêu giàu?

Trần Quốc Khải

Trần Quốc Khải

Junior Editor

23:04 12/08/2024

Giới siêu giàu tại châu u đang vô cùng lo lắng. Tại Anh, quyết định của chính phủ Đảng Lao động nhằm xóa bỏ chế độ thuế đối với cá nhân không cư trú, điều đã giúp những người giàu không mang quốc tịch Anh hưởng lợi, đã dẫn đến một làn sóng di cư khỏi đất nước này.

Tại Pháp, sự thiếu minh bạch về mặt chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ vào tháng 7, khiến liên minh các đảng cánh tả trở thành khối lớn nhất, đã thúc đẩy nhiều người giàu lập kế hoạch dự phòng để rời đi nếu mức thuế tài sản phân kỳ được khôi phục.

Kể từ khi chế độ thuế tài sản và thuế thu nhập từ vốn (CGT) của Na Uy thay đổi vào năm 2022, một làn sóng triệu phú và tỷ phú liên tục rời khỏi Thụy Sĩ.

Chưa bao giờ việc di cư của những người siêu giàu lại dễ dàng đến vậy. Do đó, cuộc cạnh tranh để thu hút những người giàu có, bằng cách sử dụng các biện pháp ưu đãi về thuế cũng như quyền công dân hoặc con đường để được cư trú, cũng trở nên gay gắt hơn. Các khu vực pháp lý mới như Dubai và Singapore đang cạnh tranh với các vùng lãnh thổ truyền thống như Anh, Thụy Sĩ và Monaco.

Trước khi bị bãi bỏ theo lịch trình gần đây, hệ thống thuế cho cá nhân không cư trú của Anh là chế độ ưu đãi lâu đời nhất thế giới, có nguồn gốc từ hai thế kỷ trước thời kỳ thuộc địa. Hệ thống này cho phép người nước ngoài tại Anh được coi là cá nhân không cư trú và được miễn thuế thu nhập và CGT trong tối đa 15 năm.

Hàng ngàn triệu phú dự kiến ​​sẽ rời khỏi Trung Quốc, Anh và Ấn Độ vào năm 2024

Nhưng vào tháng 3, chính phủ Đảng Bảo thủ đã tuyên bố sẽ thay thế chế độ này bằng hệ thống mới kéo dài 4 năm. Đảng Lao động cũng chỉ ra rằng họ sẽ tiếp tục loại bỏ “lớp khiên” - bảo vệ tài sản nước ngoài được uỷ thác nắm giữ của cá nhân không cư trú khỏi thuế thừa kế. Đảng Lao động cũng đã tuyên bố sẽ đóng lỗ hổng đối với mức thuế áp dụng lên lợi nhuận chia cho các nhà quản lý quỹ.

Chế độ ưu đãi thuế được thiết lập tốt thứ hai là của Thụy Sĩ, đã tồn tại hơn một thế kỷ. Chế độ này áp dụng hệ thống đánh thuế một lần hoặc hệ thống "forfait", theo đó những cá nhân giàu có đạt được thỏa thuận riêng với chính quyền địa phương về mức thuế mà họ phải nộp. Số liệu quốc gia gần đây nhất cho thấy hơn 4,500 người đã nộp thuế theo cách này.

Nhưng trong vài thập kỷ qua, một số ứng viên mới đã giới thiệu các hệ thống ưu đãi thuế được thiết kế có chủ đích để thu hút người giàu ở nước ngoài, bao gồm Síp, Hy Lạp, Ý, Malta, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Xa hơn, các thành phố Dubai và Singapore cũng đang cạnh tranh để thu hút những người giàu ở nước ngoài bằng cách đưa ra mức thuế thu nhập, CGT thấp hoặc trong trường hợp của Dubai, loại bỏ thuế thu nhập, CGT cá nhân. Theo nghiên cứu của Henley & Partners, một công ty tư vấn di cư toàn cầu, điều này đã củng cố xu hướng các triệu phú và siêu triệu phú di cư sang đất nước khác. Thuế thường là yếu tố chính trong quyết định di cư của những người giàu.

Công ty theo dõi sự di cư giữa các quốc gia và thành phố của hơn 150,000 cá nhân với giá trị tài sản ròng lớn. Công ty dự báo rằng vào năm 2024, sẽ thiết lập kỷ lục 128,000 triệu phú di cư, vượt qua mức đỉnh trước đó là 120,000 người vào năm ngoái.

Dominic Volek, giám đốc bộ phận khách hàng cá nhân tại Henley & Partners, mô tả cuộc di cư của những triệu phú lớn là dấu hiệu “nguy hiểm” cảnh báo những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh giới siêu giàu trên thế giới có thể tác động đáng kể đến các quốc gia mà họ rời đi hoặc chuyển đến.

Chính phủ coi trọng sự giàu có và mức tiêu dùng mà người giàu mang lại, nhưng cũng có nguy cơ nhận lại phản ứng dữ dội từ người dân địa phương nếu làn sóng người giàu nước ngoài đẩy giá bất động sản địa phương lên cao, gây sức ép lên cơ sở hạ tầng công cộng hoặc dẫn đến tình trạng đô thị hóa quá mức.

Chỉ riêng trong năm qua, ba chế độ ưu đãi thuế phổ biến nhất châu Âu đã thắt chặt các ưu đãi của họ để ứng phó với áp lực chính trị. Ngoài việc Anh cải tổ hệ thống thuế dành cho cá nhân không cư trú, Bồ Đào Nha đã xoá bỏ ưu đãi dành cho cá nhân không cư trú vào năm ngoái và đưa ra một hệ thống mới trong năm nay, hệ thống này không còn dành cho những người có thu nhập từ lương hưu. Các quốc gia Bắc Âu đã phàn nàn rằng hệ thống cũ đã thu hút những người về hưu, những người đã ngừng nộp thuế ở quốc gia của họ.

Tuần trước, Ý đột nhiên tăng gấp đôi mức thuế cố định hàng năm đối với thu nhập nước ngoài của cá nhân cư trú mới lên 200,000 EUR.

Một cố vấn thuế quốc tế thừa nhận rằng các chương trình ưu đãi thuế luôn có khả năng thu hút sự phẫn nộ chính trị từ người dân địa phương trừ khi chính phủ thành công trong việc giữ kín các chương trình này.

“Có thể khó để biện minh cho các chương trình ưu đãi về mặt chính trị - bởi vì cuối cùng thì chính phủ đang ưu ái những người giàu”, cố vấn cho biết.

Sự giàu có và mức chi tiêu mà những người siêu giàu mang lại cho một quốc gia là động lực chính để “trải thảm đỏ” về thuế. Nhưng một số quốc gia cũng yêu cầu những người giàu nước ngoài phải nộp một số loại thuế. Thường thì số tiền phải trả không hề nhỏ. Ví dụ, số liệu mới nhất cho thấy 74,000 người không phải là cá nhân cư trú tại Anh đã nộp thuế 8.9 tỷ GBP.

Sean Bray, giám đốc mảng chính sách châu Âu tại Tax Foundation Europe, cho biết: “Lợi ích chính là những người giàu sẽ chi tiêu nhiều hơn người bình thường. Vì vậy, các chính phủ sẵn sàng cung cấp khoản giảm trừ thuế thu nhập để thu được nhiều hơn thuế tiêu dùng”.

Ông lưu ý thêm rằng ba cách tiếp cận chính là tạo ra triệu phú, giữ chân triệu phú hoặc thu hút triệu phú từ các quốc gia khác. Trên thực tế, nhiều quốc gia cố gắng thực hiện cả ba cách.

Tuy nhiên, các nhà quản lý tài sản báo cáo rằng cuộc cạnh tranh, thu hút những người giàu tìm cách tránh các mức thuế cao, đang diễn ra đặc biệt khốc liệt vào thời điểm hiện tại, một phần là do các biện pháp thắt chặt ở các khu vực pháp lý cạnh tranh.

Các cố vấn ở các quốc gia bao gồm Ý, Thụy Sĩ và UAE cho biết họ đã tiếp nhận ngày càng nhiều yêu cầu di cư từ những người không phải là công dân Anh. Tim Stovold, đối tác tại Moore Kingston Smith, một công ty kế toán có trụ sở tại Anh, cho biết: “Có rất nhiều vùng lãnh thổ coi những người không phải là công dân của Anh là đối tượng để tranh giành”.

Anthony Richardson, một luật sư tại Church Court Chambers, người thường xuyên xử lý các vấn đề về thuế quốc tế, cho biết nhiều cá nhân giàu có lo ngại về hướng đi chung của các nước phương Tây. Ông cho biết: “Do số nợ khổng lồ mà các chính phủ gánh chịu từ đại dịch, chúng ta bắt đầu chứng kiến ​​sự di cư của các triệu phú và tỷ phú khỏi Anh và những quốc gia khác đến các vùng lãnh thổ như UAE. Tôi không cho rằng những nỗ lực thu hút những người giàu đã được tăng cường, tôi cho rằng sự di cư đã tăng lên”.

Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS global wealth management, cho biết thêm rằng sự di cư của các triệu phú cũng đang được thúc đẩy bởi sự biến động về mặt cấu trúc trong tài sản toàn cầu, bao gồm tác động của các lệnh trừng phạt đối với nhiều người Nga giàu có và nhiều chủ doanh nghiệp mong muốn sống gần trụ sở doanh nghiệp của họ hơn.

Tháng trước, UBS đã công bố một báo cáo dự báo về việc Anh và Hà Lan sẽ chứng kiến sự sụt giảm triệu phú lớn nhất vào năm 2028 - mức giảm lần lượt 17% và 4%. Hai quốc gia này đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu khi số lượng triệu phú được dự đoán ​​sẽ tăng ở 52 trong số 56 quốc gia mà ngân hàng này theo dõi.

Hầu hết các quốc gia dự kiến ​​sẽ tăng số lượng triệu phú trong 5 năm tới, ngoại trừ Anh và Hà Lan

Ông Donovan cho biết điều này một phần là do số lượng triệu phú không cân xứng ở Anh và Hà Lan so với quy mô nền kinh tế. Do đó, bất kỳ sự xáo trộn về mặt cấu trúc nào ảnh hưởng đến những triệu phú di cư đều có nhiều khả năng gây ra tác động quá mức ở cả hai quốc gia.

Những người khác chỉ ra rằng những thay đổi trong bối cảnh tài chính quốc tế trong thập kỷ qua đã tác động đến khả năng bảo vệ tài sản của những người siêu giàu.

Pascal Saint-Amans, cựu giám đốc bộ phận thuế tại OECD, cho biết: “Trước đây, đa số người giàu sẽ ở lại đất nước của họ và cất giấu tiền ở nước ngoài tại các thiên đường thuế. Nhưng sự kết thúc của tính bảo mật ngân hàng và sự gia tăng trong trao đổi thông tin đồng nghĩa với việc nếu bạn không muốn bị đánh thuế ở một quốc gia, bạn phải rời khỏi quốc gia đó”.

Quyết định di cư không chỉ liên quan đến mức thuế

Emma Chamberlain, cố vấn về các vấn đề thuế quốc tế tại Pump Court Tax Chambers, cho biết các yếu tố như an ninh, giáo dục, cơ sở hạ tầng kinh doanh, sự ổn định, văn hóa và cộng đồng cũng rất quan trọng - rằng đa số thường chuyển đến nơi đồng nghiệp, bạn bè hoặc người thân sinh sống.

Philippe Pulfer, với tư cách là đối tác tại công ty luật Walder Wyss, tư vấn cho những người giàu quyết định nơi sinh sống, nhấn mạnh rằng đối với nhiều người, sự ổn định về kinh tế và chính trị là rất quan trọng.

Ông Pulfer cho biết: “Xu hướng mà chúng tôi thấy là các gia đình có thể thay đổi nơi cư trú dễ dàng hơn so với trước đây. Nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn thích sự ổn định. Họ muốn di cư đến một quốc gia không phải chịu những thay đổi chính trị mạnh mẽ”.

Quyết định rút khỏi EU của Anh là một trong những thay đổi như vậy. Theo dữ liệu của Henley, Anh đã mất 16,500 triệu phú trong giai đoạn 2017-2023.

Trung Quốc cũng đang phải chịu đựng tình trạng di cư của những công dân siêu giàu sau các chính sách ‘không Covid’ khắc nghiệt và chương trình nghị sự của chủ tịch Tập Cận Bình về việc phân phối lại tài sản.

Ông Bray đồng ý rằng ổn định kinh tế và ổn định thuế là yếu tố được những người giàu có muốn di cư rất coi trọng. Tuy nhiên, ông lưu ý thêm rằng mặc dù thuế có thể không phải là động lực duy nhất thúc đẩy quyết định của họ, nhưng chắc chắn đây là yếu tố có vai trò đặc biệt: “Những người giàu rất dễ di cư. Họ có xu hướng phản ứng với các ưu đãi về thuế và có phương tiện để tận dụng chúng”.

Bà Chamberlain cho biết những người châu Âu làm việc trong lĩnh vực vốn cổ phần cho đến gần đây vẫn ưa thích Anh và hiện đang hướng đến Ý, đặc biệt là Milan, trong khi Dubai và gần đây là Singapore thường là những nơi được người châu Á quan tâm hơn.

Bà cho biết Thụy Sĩ có vẻ như được người nói tiếng Đức, Bắc Âu và Pháp ưa chuộng hơn, mặc dù bà cảnh báo rằng đây chỉ là những khái quát chung. Điều này có thể thay đổi phụ thuộc vào việc trẻ em vẫn còn đi học hay cha mẹ chúng đã nghỉ hưu.

Peter Ferrigno, giám đốc bộ phận dịch vụ thuế tại Henley & Partners, cho biết Síp và Malta hấp dẫn vì họ không đánh thuế đối với cổ tức nước ngoài.

Ông cho biết thêm rằng đối với những người châu Âu cần ở gần với thị trường quê nhà, Hy Lạp và Ý vẫn được ưa chuộng vì mức thuế suất tối đa cố định của họ. Ở Hy Lạp, mức thuế này là 100,000 EUR/năm - ông cho biết mức thuế này rất hấp dẫn đối với bất kỳ ai có thu nhập trên 250,000 EUR/năm.

Marco Cerrato, đối tác tại Maisto e Associati, một công ty luật có văn phòng tại Ý và Anh, báo cáo rằng năm nay, ba điểm đến hàng đầu mà những người giàu nước ngoài muốn chuyển đến là Ý, Thụy Sĩ và Monaco.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác cũng đã tụt lại. Stovold của Moore Kingston Smith, cho biết: “Khi Bồ Đào Nha chấm dứt chế độ thuế dành cho công dân mới, mọi sự chú ý đều đổ dồn về Ý. Bây giờ Bồ Đào Nha chỉ quyết định tăng thuế, điều này chắc chắn sẽ làm không hài lòng đại đa số người giàu”.

Các nhà quản lý tài sản cho biết những thay đổi đột ngột như vậy minh họa cho rủi ro khi di cư đến quốc gia khác dựa trên các khoản thuế ưu đãi - chúng có thể thay đổi nhanh chóng nếu chiều hướng chính trị thay đổi.

Ông Pulfer cho biết thêm rằng Thụy Sĩ không mấy vui vẻ về những thay đổi đối với chế độ thuế với cá nhân không cư trú của Anh. Ông cho biết: “Trong một thời gian dài, Anh và Thuỵ Sĩ là điểm đến lý tưởng cho giới siêu giàu. Tôi không nghĩ rằng Thụy Sĩ có lợi khi hệ thống thuế dành cho cá nhân không cư trú này biến mất ở Anh. Cạnh tranh giữa các khu vực pháp lý là lành mạnh và điều này cho các nhà chức trách biết mức thuế nào là hợp lý”.

Giorgia Meloni, thủ tướng Ý, cho biết quyết định đột ngột của đất nước trong việc tăng gấp đôi mức thuế suất cố định là vì chính phủ muốn thắt chặt hệ thống thuế đang tương đối hào phóng.

Chính phủ của bà cũng cho biết đất nước muốn tránh một cuộc chạy đua với các quốc gia khác trong nỗ lực thu hút các cá nhân và công ty thông qua các khoản giảm thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Giancarlo Giorgetti, thừa nhận mức nợ công cao của Ý, cho rằng nếu cuộc cạnh tranh này bắt đầu, các quốc gia như Ý - nơi có dư địa tài chính rất hạn chế - chắc chắn sẽ thua cuộc.

Cũng có sự bất ổn ở Milan, thành phố kinh doanh ở phía bắc đất nước đã trở thành “nam châm” thu hút giới siêu giàu một phần nhờ vào chế độ thuế suất cố định, được gọi là “svuota Londra” hay “London trống rỗng”. Hơn 2,700 cá nhân siêu giàu đã chuyển đến Ý kể từ khi chế độ này đi vào hoạt động vào năm 2017, nhưng một số người dân Milan phàn nàn về giá bất động sản tăng vọt.

Tại Thụy Sĩ, từ năm 2009 đến năm 2012, một số bang đã bỏ phiếu bãi bỏ việc sử dụng hệ thống forfait, bao gồm cả Zurich. Người Thụy Sĩ đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý liên bang năm 2014 để giữ nguyên các quy tắc đánh thuế một lần, nhưng vẫn đang có những cuộc tranh luận về việc liệu có nên tăng thuế, cụ thể là thuế thừa kế, đối với những người siêu giàu hay không.

Ông Pulfer và các cố vấn khác, cùng với khách hàng của họ, đều biết rõ rằng các quốc gia khác có thể đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với các hệ thống ưu đãi thuế hiện có, không chỉ vì áp lực từ người dân địa phương.

Các triệu phú đang di cư ngày càng nhiều

Ở cấp độ toàn cầu, các cuộc thảo luận tại G20 tập trung vào việc liệu có nên áp dụng mức thuế tối thiểu trên toàn thế giới đối với các tỷ phú hay không, tương tự như nỗ lực của OECD nhằm thiết lập mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu.

Mặc dù kế hoạch này vẫn chưa nhận được đủ sự ủng hộ để thực hiện, nhưng một số người coi đây là dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều cải cách hơn trong lĩnh vực này.

“Tôi nghĩ rằng sẽ có những lời kêu gọi về các quy tắc thuế quốc tế để cố gắng giải quyết vấn đề này”, Grant Wardell-Johnson, người đứng đầu bộ phận chính sách thuế toàn cầu tại KPMG International dự đoán.

Ông Volek cho biết nhu cầu của những người siêu giàu về các “thiên đường” ổn định, thân thiện và dễ dàng về mặt về tài chính vẫn cao như mọi khi và nhiều khu vực pháp lý sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này: “Những quốc gia thích nghi và đổi mới sẽ là những quốc gia phát triển mạnh”.

Nhưng Saint-Amans, cựu thành viên của OECD, cho biết mặc dù cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia vẫn khốc liệt, nhưng có lẽ đang gần đạt đến đỉnh.

“Động thái của Anh có lẽ là một tín hiệu cho thấy điều gì đó đang xảy ra. Các quốc gia lớn, đã hưởng lợi rất nhiều từ các chế độ thuế, đang chùn bước và đó là sự phản ánh của chủ nghĩa dân túy mà họ đang phải đối mặt”.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!

Kamala Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tổng thống với Trump. Harris nổi bật với tầm nhìn hướng tới tương lai, nhấn mạnh các chủ đề như quyền phá thai, pháp quyền và chính sách đối ngoại liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Ngược lại, Trump tập trung vào chỉ trích chính quyền hiện tại mà không đưa ra kế hoạch hay sáng kiến cụ thể.
Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?

Sau cuộc họp FOMC, Fed đã bắt đầu "bước ngoặt chính sách" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps, dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2024 - 2026, song thị trường cần thận trọng theo dõi các chỉ báo quan trọng như XRT, DBC, DBA và diễn biến của USD để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ