Liệu châu Âu có nên lo sợ trước chính sách hạt nhân mới của Putin?
Huyền Trần
Junior Analyst
Putin hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, cảnh báo phương Tây sau khi Ukraine dùng tên lửa Mỹ tấn công Nga. EU rạn nứt vì luật chống phá rừng, đối mặt áp lực từ nội bộ và đối tác thương mại.
Liệu chúng ta có đang tiến gần hơn đến Thế chiến thứ ba? Vladimir Putin chắc chắn muốn thế giới nghĩ như vậy. Ngày hôm qua, ông lại đẩy căng thẳng lên một cấp độ mới khi sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga, cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine.
Theo học thuyết mới, bất kỳ cuộc tấn công nào bằng vũ khí hiện đại từ phương Tây, chẳng hạn như tên lửa Atacms của Mỹ, đều đủ cơ sở để Nga đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, một cuộc tấn công từ quốc gia phi hạt nhân nhưng có sự hỗ trợ của cường quốc hạt nhân cũng được coi là hành động tấn công chung.
Sự thay đổi này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ukraine lần đầu sử dụng Atacms để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga, chưa đầy hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho việc này.
Điện Kremlin cố gắng phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa hai sự kiện, cho rằng học thuyết mới chỉ mở rộng khả năng phản ứng và không mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lại nhấn mạnh rằng: “Không có người Mỹ, việc sử dụng các loại tên lửa công nghệ cao của Ukraine là không thể,” đồng thời cáo buộc phương Tây “đang muốn căng thẳng leo thang.”
Phản ứng trước tuyên bố của Nga, các quan chức phương Tây bác bỏ điều họ cho là “tống tiền hạt nhân.” Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu EU, nhấn mạnh rằng việc Ukraine sử dụng Atacms để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong Nga hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một số nhà phân tích nhận định nếu Putin thực sự nghiêm túc với học thuyết mới, ông không chỉ đe dọa mà đã phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Dẫu vậy, kịch bản khác là Nga sẽ đáp trả bằng các cuộc tấn công lai như phá hoại, đốt phá hoặc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở châu Âu.
Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha và Anh đồng loạt cáo buộc Nga đang “tấn công có hệ thống vào cấu trúc an ninh châu Âu.”
Căng thẳng này cũng làm chao đảo thị trường tài chính. Chỉ số Dax của Đức và Cac 40 của Pháp đồng loạt giảm 0.7%, trong khi các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, đồng Franc Thụy Sĩ và trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đều tăng giá.
“Một vài khuôn mặt tại hội nghị G20 tại Rio trông vô cùng lo lắng,” một quan chức cấp cao nhận xét. “Cũng dễ hiểu thôi, vì chúng ta đang bàn về viễn cảnh tận thế.”
Cuộc điều tra của Thụy Điển về vụ đứt hai tuyến cáp quang dưới biển Baltic đang xem xét hành trình của một tàu Trung Quốc đi qua khu vực này. Trong khi đó, tại EU, nội bộ khối này đang chia rẽ về luật chống phá rừng mang tính đột phá.
Luật chống phá rừng bị trì hoãn
Luật mới của EU, nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm từ đất bị phá rừng, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do sự mơ hồ trong các quy định và áp lực từ đối tác thương mại, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất lùi thời hạn áp dụng thêm một năm.
Nhóm trung - hữu EPP tận dụng cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu để đề xuất sửa đổi, nhằm miễn trừ hầu hết các nước EU khỏi quy định này. Sự thay đổi này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia bên ngoài EU.
Hôm nay, các đại sứ EU dự kiến bác bỏ đề xuất sửa đổi của EPP do thiếu tính khả thi và có thể vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Một quan chức Nghị viện EU chỉ trích sửa đổi này là động thái chính trị, không mang lại giải pháp thực tế.
Các quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan phản đối việc miễn trừ và ủng hộ trì hoãn thời hạn áp dụng, nhưng không muốn thay đổi bản chất của luật đã được thông qua.
Cuộc đối đầu này báo hiệu căng thẳng kéo dài khi EPP, nhóm của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, tìm cách thu hẹp các cam kết về môi trường của EU. Doanh nghiệp hiện đang kêu gọi sự rõ ràng trong các quy định, và bất kỳ thay đổi muộn nào cũng có thể không được các nước thành viên chấp thuận.
Financial Times