Cập nhật thị trường ngày 29/02: Chứng khoán châu Á diễn biến đan xen, thị trường chờ đợi dữ liệu PCE Mỹ
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Chứng khoán châu Á suy yếu TPCP Mỹ ổn định sau đợt tăng giá hôm thứ Tư trước số liệu lạm phát quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang
Cổ phiếu Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm vào thứ Năm trong khi chứng khoán Trung Quốc hồi phục sau các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản của Hồng Kông. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm điểm vào đầu phiên giao dịch châu Á sau khi S&P 500 và Nasdaq 100 điều chỉnh vào thứ Tư.
Theo Brendan Ahern, giám đốc đầu tư của Krane Fund Advisors, phát biểu trên Bloomberg Television, Bắc Kinh đang dần thay đổi và đà tăng trong hai tuần qua của chứng khoán Trung Quốc có thể là 1 sự phục hồi. “Hy vọng rằng xu hướng đó sẽ tiếp tục. Nếu Trung Quốc tích cực, dòng tiền lớn sẽ quay trở lại”, ông nói.
Bitcoin duy trì đà tăng vượt mốc 60,000 USD lần đầu tiên sau hơn hai năm vào thứ Tư, phản ánh nhu cầu giao dịch ETF. Đồng tiền này gần như chạm mốc $64,000 vào thứ Tư, trong khi mức cao kỷ lục năm 2021 ở ngay dưới $69,000.
Đà giảm của chứng khoán Mỹ vào thứ Tư bị tác động bởi dữ liệu công bố cho thấy chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ mặc dù có GDP quý IV/2023 điều chỉnh nhẹ. Báo cáo này được đưa ra trước dữ liệu PCE của Fed vào thứ Năm và nhìn chung ủng hộ quan điểm thận trọng của các quan chức Fed trong những tuần gần đây.
Theo Craig Johnson tại Piper Sandler, chứng khoán Mỹ đã tiến gần đến mốc quan trọng, hoặc là đạt đỉnh, hoặc là tăng tiếp. Ông nói thêm, bức tranh kỹ thuật cho thấy khả năng cao sắp tới sẽ giảm 10%.
TPCP Mỹ chững đà tăng sau đợt phục hồi hơn 4bps từ TPCP 10 năm và TPCP 2 năm phục hồi hơn 6bps. Lợi suất trái phiếu Úc dường như có diễn biến tương tự trong khi lợi suất của New Zealand hầu như không thay đổi.
Thị trường ngoại hối không biến động nhiều đầu ngày thứ Năm, đồng yên Nhật dẫn đầu mức tăng trong G-10, đồng NZD yếu nhất khi giảm 1.2%.
Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết hôm thứ Tư rằng ngân hàng trung ương vẫn còn “con đường dài phải đi” trong cuộc chiến chống lạm phát trong khi Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic nói cần kiên nhẫn trước những điều chỉnh chính sách. Nhìn chung, những bình luận gần đây từ các quan chức Fed nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu trong việc hướng dẫn các động thái chính sách.
Sau đà tăng vọt của cả CPI và PPI, dữ liệu PCE lõi hôm nay có thể sẽ càng nêu bật con đường gập ghềnh mà ngân hàng trung ương phải đối mặt trong việc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. PCE sẽ là dữ liệu xác nhận lập trường không vội nới lỏng chính sách tiền tệ từ các quan chức.
Chris Zaccarelli, giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết: “Dữ liệu gần đây có phần gây nhiễu, chúng ta chỉ nên chú ý tác động của nó tới thị trường trong ngắn hạn. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến dữ liệu PCE.”
Các nhà giao dịch hiện đang định giá Fed sẽ nới lỏng khoảng 80 bps vào cuối năm 2024 (tương đương 3 lần cắt giảm), phù hợp với lập trường các quan chức vào tháng 12. Để dễ hình dung hơn, các giao dịch swaps đang cho thấy kỳ vọng cắt giảm gần 150 điểm cơ bản trong năm nay vào đầu tháng Hai.
Về hàng hóa, dầu duy trì đà giảm vào thứ Năm trong phiên trước đó. Vàng cũng đã ổn định sau đà tăng trước đó và giao dịch quanh mức 2,035 USD/oz.
Bloomberg